📞

Nước Mỹ hậu Covid-19: Chính sách đối ngoại 'quá tải', có thể đạt đến 'điểm cháy'

08:00 | 27/05/2020
TGVN. Chính sách đối ngoại của Mỹ đang bị "quá tải" trước rất nhiều nguy cơ trải rộng khắp thế giới, không chỉ là Covid-19. Câu hỏi hiện nay đặt ra với Mỹ không phải là "liệu vị Tổng thống tiếp theo có phải đối mặt với một tình thế khó khăn chiến lược hay không?", mà là "cách cuối cùng vị Tổng thống đó chọn để giải quyết nó như thế nào?". 
Cho dù ai nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021 thì các đối thủ của Mỹ có lẽ cũng sẽ không thay đổi, nhưng các đồng minh của Mỹ có thể thay đổi. (Nguồn: the Times)

Mặc dù vẫn còn gần 6 tháng nữa mới tới ngày bầu cử, song cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang trong giai đoạn rầm rộ nhất với nhiều cam kết tranh cử truyền thống được đưa ra về một tương lai mới tốt hơn cho quốc gia này.

Thế nhưng, vẫn có một sự thật đi ngược lại với tất cả những lời hứa vận động tranh cử. Thậm chí, ngay cả trước dịch Covid-19, nước Mỹ đã phải đối mặt với tình thế khó khăn mang tính chiến lược, đó là các thách thức ngày càng tăng và các cam kết quốc tế ngày càng khó có thể thực hiện được. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những thách thức này càng tăng gấp bội.

Đầu tiên, các động lực địa chính trị khiến thế giới ngày càng bất ổn, dù cho ai trở thành Tổng thống Mỹ đi nữa.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump cho thấy ông là một nhân vật gây tranh cãi. Trong các cuộc khảo sát do Pew Research thực hiện ở 32 nước trên toàn cầu, 64% người được hỏi cho rằng họ không tin Tổng thống Trump sẽ “làm điều đúng đắn” trong các vấn đề của thế giới và điều này khiến ông Trump ngày càng không được ưa thích trên toàn cầu so với các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các tuyên bố của ông Trump như đe dọa rút Mỹ khỏi NATO hoặc yêu cầu các thành viên của khối này chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự lớn hơn trong việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài đã khiến các đồng minh và đối tác của Washington lo lắng.

Bên cạnh đó, việc nhiều nước cạnh tranh trực tiếp đang tiến hành các chiến dịch viện trợ thời Covid-19, trong khi Mỹ hầu như không hành động gì, có khả năng làm tăng thêm quan điểm toàn cầu chống Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, các thách thức quốc tế của Mỹ cũng sẽ vẫn tồn tại. Những mối đe dọa đối với trật tự quốc tế xem ra đã tồn tại từ trước khi chính quyền Tổng thống Trump "ra đời".

Hơn thế nữa, có nhiều yếu tố làm xáo trộn các liên minh toàn cầu của Mỹ, đó là chủ nghĩa dân túy làm đảo lộn châu Âu, sự hỗn loạn đang diễn ra và bạo lực giáo phái ở Trung Đông hay việc Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á.

Cho dù ai nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021 thì các đối thủ của Mỹ có lẽ cũng sẽ không thay đổi, nhưng các đồng minh của nước này có thể thay đổi.

Thứ hai, trong thời gian cuối Chiến tranh Lạnh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và các đồng minh châu Âu và châu Á chiếm hơn 3/4 tổng GDP toàn cầu.

Thế nhưng, ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, con số trên đã giảm xuống dưới 60% và được dự đoán sẽ giảm xuống dưới 50% vào năm 2030. Trong khi đó, GDP của các đối thủ của Mỹ lại tăng lên 30%, trong đó, phần của Trung Quốc tăng lên nhiều nhất, phần của châu Âu và Nhật Bản giảm nhiều nhất, gây ảnh hưởng tới cán cân kinh tế của Mỹ và các đồng minh. Đại dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh các xu hướng này.

Với nước Mỹ, nhiều khó khăn thậm chí còn tồn tại trước khi chính quyền Tổng thống Trump "ra đời". (Nguồn: AFP)

Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP của khu vực châu Âu, Nhật Bản và Mỹ sẽ chịu sự sụt giảm mạnh, trong khi Trung Quốc sẽ có sự tăng trưởng chậm, nhưng vẫn tích cực vào năm 2020. Nói cách khác, lợi thế kinh tế vượt trội của Mỹ và các đồng minh, từng giúp họ phát huy sức mạnh quân sự sẽ bị suy giảm. Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại thì cũng không thể đảo ngược được hoàn toàn xu hướng này.

Thứ ba, những thách thức an ninh mà Mỹ đang phải đối mặt hiện khá đa dạng. Nhiều tài liệu chiến lược của Mỹ cho thấy rõ rằng Mỹ một lần nữa lại đang ở trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn.

Hơn nữa, mối đe dọa từ các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên khá khác nhau, đòi hỏi khả năng giải quyết khác nhau. Đối với các chiến lược gia Mỹ, thách thức không phải là làm thế nào để cạnh tranh với cường quốc này hay cường quốc kia, hoặc tham gia hoạt động chống khủng bố, mà là làm thế nào để thực hiện được tất cả những điều trên.

Cuối cùng, một loạt yếu tố bên ngoài cũng đang nổi lên. Cùng lúc với đại dịch Covid-19, tác động của sự thay đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao hay thiên tai thường xuyên xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến hàng triệu người và làm tăng áp lực trong nước, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, trong đó nhiều nước đang phải chịu sự bất ổn và khủng bố.

Cùng với đó là việc chia sẻ thông tin ngày càng dễ dàng hơn, dù đúng hay không, cộng với vai trò quan trọng của dư luận trong việc định hình chính sách có thể cản trở các hành động liên kết dân chủ của Mỹ.

Tất cả các mối nguy cơ có thể tạo ra một thế giới dễ kích động hơn và có thể đặt ra những thách thức lớn hơn cho sự lãnh đạo của Mỹ. Quân đội Mỹ có thể phải dàn mỏng lực lượng chưa từng thấy trên khắp các khu vực để đối phó với vô số mối đe dọa. Ngân sách quốc phòng của nước này khó có thể trang trải cho thập kỷ tới.

Vì vậy, câu hỏi hiện nay đặt ra với Mỹ không phải là "liệu vị Tổng thống tiếp theo có phải đối mặt với một tình thế khó khăn chiến lược hay không?", mà là "cách cuối cùng vị Tổng thống đó chọn để giải quyết nó như thế nào?".

Khi người Mỹ tham gia các cuộc thăm dò trong vài tháng tới, họ nên cùng nhau tìm ra giải pháp cho tình thế khó khăn chiến lược của đất nước. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 diễn ra, các nền móng trong chính sách đối ngoại của Washington đã bị quá tải. Sau đại dịch, chính sách đối ngoại của nước này có thể đạt đến "điểm cháy".

Do đó, dù bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, có thể sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Washington.

(theo The Hill)