Chính sách “thông minh”
Theo Phó Giáo sư Thủy, Mỹ là một quốc gia ngoài khu vực nhưng cũng đã tham gia tài trợ cho một vài dự án của Ủy hội sông Mekong từ năm 2004. Năm 2009, Mỹ đề xuất sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) và đã được các nước ở hạ nguồn sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhất trí thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: PH) |
Ngay trong năm đầu tiên khi LMI đi vào hoạt động, Mỹ đã tài trợ 7 triệu USD cho các chương trình về môi trường, 138 triệu USD cho các chương trình y tế, 16 triệu USD hỗ trợ các chương trình giáo dục. Riêng các chương trình giáo dục đã có khoảng hơn 500 sinh viên và học giả từ các nước trong khu vực được nhận học bổng qua các chương trình trao đổi giáo dục với Mỹ, đồng thời hỗ trợ việc tăng số lượng học sinh tiếp cận với giáo dục cơ bản và mở rộng kết nối internet băng thông rộng tại các vùng nông thôn ở các nước hạ nguồn Mekong.
Bà Thủy cho rằng, việc thực hiện LMI của Mỹ là một kiểu tiếp cận của quyền lực thông minh, đồng thời mục tiêu của LMI cũng phù hợp với nhu cầu của các nước hạ nguồn Mekong và mang tính xây dựng.
Dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mặc dù có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại nhưng với khu vực hạ nguồn sông Mekong, Chính quyền Trump vẫn tiếp tục can dự tích cực vào khu vực này thông qua LMI với hai hoạt động nổi bật.
Thứ nhất là việc đề xuất Sáng kiến Dữ liệu nguồn nước Mekong (MWDI) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên LMI lần thứ 10 (tháng 8/2017).
Mục tiêu của MWDI là hỗ trợ các nước hạ nguồn sông Mekong trong công tác thu thập, chia sẻ thông tin, phục vụ quản lý nguồn nước sông Mekong một cách bền vững. Vì thế, sáng kiến MWDI của Mỹ đã được các nước hạ nguồn sông Mekong hoan nghênh và nhất trí triển khai.
Thứ hai là sự tham dự tích cực của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước LMI lần thứ 11 (tháng 8/2018), chứng tỏ sự quan tâm của Chính quyền Trump đối với LMI.
Các Ngoại trưởng đã tái cam kết đối với sự phát triển của LMI và tái nhấn mạnh tầm quan trọng của LMI như là một động lực then chốt cho sự kết nối, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, và quản trị tốt tiểu khu vực hạ nguồn sông Mekong. Những cam kết của Chính quyền Trump với LMI cũng là cơ sở cho sự hợp tác của Mỹ với Việt Nam trong những năm tiếp theo trong khuôn khổ của sáng kiến này.
Ảnh minh họa: sinh kế của các hộ nông dân nhỏ trong tiểu vùng Mekong. (Nguồn: Vietnamnet) |
LMI: Kết nối quan hệ Việt - Mỹ
Phó Giáo sư Thủy cho rằng, đối với quan hệ Việt - Mỹ, mặc dù hai nước có những tính toán lợi ích khác nhau nhưng có thể thấy rằng LMI đã góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước. Minh chứng rõ nhất là thời gian thực hiện LMI, quan hệ Việt - Mỹ có bước tiến triển mới với việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Việt Nam luôn đánh giá cao LMI và tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng và sử dụng ổn định nguồn nước sông Mekong nói chung. Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Mỹ trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý phân chia tài nguyên, nguồn nước sông Mekong cũng như hợp tác trong các hoạt động cụ thể khác để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trên thực tế, trong quá trình thực hiện LMI sự hợp tác giữa hai nước đã có nhiều kết quả thiết thực và đã tạo được lòng tin với nhau. Việt Nam và Mỹ đã có những cam kết hợp tác chính thức bằng văn bản. Tháng 4/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ đại diện cho chính phủ hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong văn kiện này, hai nước tuyên bố cùng hợp tác chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, theo đó Mỹ “hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu ở cả Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng thông qua hợp tác song phương khu vực.
Trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 6/2017, hai nước đã ra Tuyên bố chung, trong đó Mỹ với tư cách là đối tác phát triển của Ủy hội sông Mekong và là thành viên sáng lập của LMI “tái khẳng định ủng hộ hợp tác giữa các thành viên Ủy hội, cũng như giữa các thành viên Ủy hội với các cơ chế khu vực khác trong việc sử dụng, quản lý và phát triển hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới. Mỹ khẳng định hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng khác”.
“Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc thực hiện LMI và trong những vấn đề khác có liên quan đến nguồn nước và môi trường của khu vực hạ nguồn sông Mekong không chỉ phục vụ cho lợi ích quốc gia của từng nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương”, bà Thủy nhấn mạnh.