TIN LIÊN QUAN | |
Paris mở cửa trung tâm đón tiếp người vô gia cư | |
Pháp: Triển khai hơn 60.000 cảnh sát cho EURO 2016 |
Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào nước Pháp kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Trong vòng 1 năm qua, nước Pháp đã phải tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” lại hệ thống an ninh nội địa của mình trước những nguy cơ khủng bố.
Những “mồi lửa” kích động khủng bố
Cách đây 1 năm, cả nước Pháp chấn động khi thủ đô Paris phải hứng chịu một thảm kịch đẫm máu. Ngày 13/11/2015, một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại thủ đô Paris, trong đó có sân vận động quốc gia Stade de France, Nhà hát Bataclan và các khu vực lân cận làm 130 người thiệt mạng và 350 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố nhà hát Bataclan, đêm 13/11/2015. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, vào tháng 1/2015, trụ sở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris cũng đã trở thành mục tiêu của một vụ xả súng kinh hoàng, làm 12 người thiệt mạng (trong đó có 10 nhà báo và 2 cảnh sát) và 10 người khác bị thương.
Sau vụ khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015, đến ngày 14/7/2016, nước Pháp lại xảy ra một vụ tấn công khủng bố xe tải kinh hoàng tại đại lộ La Promenade des Anglais chạy men theo bờ biển thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, làm ít nhất 80 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Vụ khủng bố này đã khiến nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ.
Có thể thấy, trong vòng hơn 1 năm qua, nước Pháp đã phải đối mặt với nỗi ám ảnh kinh hoàng từ những tên khủng bố. Theo các nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà Pháp liên tục trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố. Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến, trong đó có IS, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch trên.
Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Pháp đã triển khai hơn 10.000 binh sĩ ở nước ngoài, trong đó có 3.000 binh sĩ tại Tây Phi, 2.000 binh sĩ tại Trung Phi, 3.200 binh sĩ tại Iraq… Đặc biệt, Pháp còn là "cánh tay phải" của Mỹ trong các cuộc không kích nhằm vào IS tại Syria và Iraq.
Máy bay chiến đấu Pháp tham gia không kích IS tại Trung Đông. (Nguồn: Reuters) |
Bên cạnh đó, mâu thuẫn từ các vấn đề xã hội, sắc tộc và tôn giáo cũng là "mồi lửa" kích động khủng bố ở Pháp. Dù IS không đại diện cho Hồi giáo, nhưng trong xã hội Pháp không phải ai cũng phân biệt rạch ròi điều đó. Một số lượng không ít người Pháp khá cực đoan và luôn có thái độ kỳ thị, phân biệt đối với những người có nguồn gốc Ả rập. Trong khi đó, làn sóng người di cư đến từ Syria và Iraq cũng tạo cơ hội cho các phần tử khủng bố trà trộn vào nước Pháp.
Dù vẫn chưa có con số chính thức về số lượng phần tử thánh chiến ở Pháp, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, con số này có thể lên tới vài nghìn người, trong đó 10% luôn sẵn sàng hành động. Người ta còn cho rằng, Paris cũng là nơi IS gặt hái thành công nhiều hơn trong chiến dịch tuyển mộ chiến binh phương Tây. IS lôi kéo được nhiều người từ thủ đô nước Pháp hơn so với bất cứ thành phố châu Âu nào.
"Đại phẫu thuật" hệ thống an ninh
Các vụ tấn công khủng bố đã cho thấy những lỗ hổng an ninh đồng thời cũng phơi bày những chia rẽ về tôn giáo và sắc tộc trong xã hội Pháp. Chính điều này đã dẫn tới những thay đổi lớn tại Pháp trong 1 năm qua.
Kể từ sau vụ xả súng ở Paris, nước Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp đồng thời tăng cường lực lượng binh sỹ và cảnh sát nhằm đối phó với các âm mưu khủng bố. Ưu tiên hàng đầu của Pháp là rà soát lại hệ thống pháp luật để từng bước ngăn chặn đà hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, vốn đang đào tạo những công dân từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, Paris là thành phố được xác định phải theo dõi chặt chẽ những công dân Pháp có tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài khi về nước.
Cảnh sát Pháp tuần tra trên đại lộ Champs Elysees. (Nguồn: AFP) |
Kể từ đầu năm 2015, Chính phủ Pháp cũng đã tăng ngân sách cho quốc phòng và an ninh thêm gần 4 tỷ Euro trong vòng 4 năm, bất chấp việc ngân sách Pháp liên tục bị bội chi trong những năm qua. Tổng thống Francois Hollande cho rằng, trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa, vấn đề an ninh phải được ưu tiên hơn việc cân đối ngân sách. Ngoài ra, cũng giống như nhiều nước châu Âu khác, nước Pháp đã siết chặt các quy định về nhập cư đối với những người đến từ Syria, các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi.
Các nhà phân tích cho rằng, thay đổi rõ nét nhất của nước Pháp sau 1 năm qua là việc Pháp ngày càng can dự sâu hơn vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, như tham gia ngày càng tích cực vào các nỗ lực ngoại giao, quân sự nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria, các xung đột sắc tộc tôn giáo ở Trung Đông. Theo các nhà phân tích, những thay đổi này sẽ ngày càng rõ nét trong những năm tới khi nước Pháp và cộng đồng thế giới bị đặt trước sức ép phải giải quyết một loạt điểm nóng tại Trung Đông để tạo một mặt trận chung trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bên cạnh đó, trong 1 năm qua, Pháp đã phải tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” hệ thống an ninh nội địa của mình. Bởi theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công nhằm vào nước Pháp chỉ là đòn cảnh báo phủ đầu. Nếu như bom có thể phát nổ tại Paris, một trong những "pháo đài" được canh phòng cẩn mật nhất thì không có lý gì điều đó lại không thể diễn ra tại những nơi khác trên nước Pháp và châu Âu.
Một năm vụ khủng bố ở Paris: Nhà hát Bataclan sẽ mở cửa trở lại Nhà hát Bataclan tại Paris, nơi diễn ra vụ thảm sát đêm 13/11/2015 khiến 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, ... |
Nice: Một tháng sau khủng bố Tôi đến Nice (Pháp) vào một ngày hè tháng Tám, tròn một tháng sau khi vụ đâm xe khủng bố hôm 14/7 diễn ra tại ... |
Vì sao Pháp là mục tiêu của khủng bố? Một loạt các vụ tấn công nhằm vào nước Pháp của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong nhiều năm qua buộc nhiều người ... |