Trung Quốc đã tổ chức một trong những Lễ khai mạc Olympic hoành tráng nhất trong lịch sử |
Thắng lớn khi chưa bắt đầu
Từ lúc Olympic Bắc Kinh chưa bắt đầu, cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận xét, Trung Quốc đã giành được chiến thắng lớn đầu tiên với việc xây dựng các cơ sở thể thao hiện đại nhất và bố trí mạng lưới giao thông quy mô. Tổng thống Pháp Sarkozy thì nói: “Nếu coi tổ chức Olympic là một môn thể thao thì Trung Quốc đáng được nhận huy chương vàng”. Ông Damian Ryan, Công ty Thông tin Tài chính Hong Kong đã so sánh, cách đây 4 năm, chỉ còn vài ngày khai mạc Olympic Athens mà Hy Lạp vẫn chưa hoàn tất cơ sở hậu cần, phải thừa nhận là Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức. Suốt 7 năm dồn mọi nỗ lực để hoàn tất các công trình trị giá hơn 40 tỷ USD mà Trung Quốc chi cho Đại hội kéo dài trong 17 ngày cũng được xem là số tiền kỷ lục.
Đây không phải là những nhận xét thiếu cơ sở. Sau Lễ khai mạc, rất nhiều báo chí nước ngoài đã viết bài ca ngợi đây là một trong những Lễ khai mạc hoành tráng nhất trong các kỳ Olympic. Trên Sân vận động Tổ chim, những hình ảnh tái hiện nền văn minh lâu đời, từ thời Con đường tơ lụa cho đến hình ảnh Trung Quốc hiện đại, huy hoàng trong thời kỳ phát triển của khoa học vũ trụ, cùng biểu tượng chim bồ câu trắng hòa bình cũng như tinh thần dĩ hòa vi quý lần lượt được trình diễn khiến người xem đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Đó không chỉ là những hình ảnh mang bản sắc dân tộc mà còn thể hiện nguyện vọng của đông đảo người dân nước chủ nhà...
Có người cho rằng, giành được quyền đăng cai Olympic cũng có nghĩa là Trung Quốc giành được sự tôn trọng, lòng tin và sự ưu ái của cộng đồng quốc tế. Bởi đơn giản Olympic sẽ đánh dấu một thời kỳ mới, nâng cao vị thế của Trung Quốc. Kỳ vọng của Chính phủ Trung Quốc là qua Thế vận hội, cái nhìn của phương Tây đối với nước này sẽ thay đổi, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, trong một chừng mực nhất định, Trung Quốc được coi là siêu cường.
Nhộn nhịp chính trị
Không thể không nhắc đến các hoạt động ngoại giao dồn dập tại Thế vận hội lần này. Sự tham dự của hơn 80 nhân vật chính trị quan trọng, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và hoàng gia, đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở thành những người vô cùng bận rộn. Sự có mặt của Tổng thống Mỹ Bush (Tổng thống Mỹ đầu tiên dự khai mạc Thế vận hội ngoài nước Mỹ), Tổng thống Pháp Sarkozy (hiện Pháp là Chủ tịch luân phiên của EU) và Thủ tướng Nga Putin không chỉ thể hiện sự đánh giá cao của các nước với Trung Quốc mà còn là cơ hội gặp gỡ để cải thiện những vấn đề quan hệ song phương, trao đổi giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới như tình hình nóng bỏng tại Nam Ossetia, quan hệ Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên…
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo Trung Quốc và các nước đã có các trao đổi và cam kết quan trọng. Cụ thể đó là việc Trung Quốc đang giữ đà phát triển và ổn định (với Mỹ), sẵn sàng nâng mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực lên tầm cao mới (với Nga), lên tầm “đối tác chiến lược” (với Hàn Quốc) hay từ mối quan hệ căng thẳng trước đây đã “sang một trang mới” (với Pháp). Hoặc như ý định của Ngoại trưởng Italy Frattini về việc tìm kiếm sự tham gia mạnh mẽ hơn của Trung Quốc vào các chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị G8 sang năm (khi Italy sẽ là Chủ tịch) như thay đổi khí hậu, chính sách năng lượng bền vững, nạn khủng bố quốc tế và đói nghèo...
Rõ ràng, với vai trò đi đầu trong kinh tế thế giới, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có trách nhiệm “hành động một cách có trách nhiệm trong các lĩnh vực từ năng lượng, môi trường tới phát triển ở châu Phi”, như lời Tổng thống Bush. Đối với nhiều quốc gia, đến với Trung Quốc cũng là đến với cơ hội để đưa hàng hóa xâm nhập một thị trường khổng lồ có sức hút với bất kỳ nền kinh tế nào.
Quyết tâm phá kỷ lục
Theo một số dự đoán, Trung Quốc có thể vượt Mỹ về số lượng huy chương vàng tại Thế vận hội lần này. Đây cũng là quyết tâm của đoàn thể thao của đất nước đông dân nhất hành tinh. Các cuộc so tài giữa các vận động viên Trung Quốc và Mỹ trong những ngày này cũng đang thể hiện điều đó. Trung Quốc hiện đã trở thành cường quốc thể thao. Tại Olympic Athens 2004, đoàn Trung Quốc xếp thứ hai về số lượng huy chương, chỉ thua đoàn Mỹ 4 huy chương vàng. Lần này, tại sân nhà, 639 vận động viên Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội giành được số lượng huy chương vàng kỷ lục.
Nếu còn có những băn khoăn về Olympic lần này thì đó là những lời đe dọa khủng bố, những vụ gây rối nhằm chính trị hóa thể thao... Cùng với thành tựu về mọi mặt của mình, Trung Quốc đang ngày càng khẳng định uy tín trên vũ đài quốc tế. Đối với những vvụ gây rối Olympic, Trung Quốc đã chứng tỏ tâm lý bình tĩnh, lối ứng xử đúng mực của đất nước có nền văn minh 5.000 năm tuổi.
Olympic Bắc Kinh qua các con số:
- Lễ khai mạc diễn ra tại Sân vận động Tổ chim có 91.000 chỗ ngồi đã chật cứng. Ước tính hơn 4 tỷ người xem Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp, với sự trình diễn của 15.000 diễn viên và 30.000 thùng pháo hoa.
- Ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh trải qua 130 ngày, dừng chân ở 20 thành phố với tổng chiều dài 137.000 km.
- Có tổng cộng hơn 10.500 VĐV từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 29 môn với 302 nội dung thi đấu, trong đó 165 nội dung dành cho nam giới, 127 nội dung dành cho nữ giới. Đông nhất là đoàn Trung Quốc: 639 VĐV.
- Có 21.600 nhà báo của 200 nước và vùng lãnh thổ được Ban tổ chức cấp thẻ hoạt động. m Khoảng 500.000 du khách nước ngoài và 1 triệu khách Trung Quốc đến chứng kiến tận mắt các môn thi đấu.
- Để sản xuất 2.000 bộ huy chương Olympic và Paralympic , Trung Quốc đã phải nhập khẩu từ Chile 13kg vàng và 830 kg đồng; nhập từ Australia 1,3 tấn bạc. Quá trình sản xuất toàn bộ 6.000 tấm huy chương này mất hơn 5 tháng.
- 50 triệu đóa hoa cho Olympic, trong đó có 14 triệu đóa hồng, 7 triệu đóa cúc và 2,5 triệu đóa huệ.
- Olympic Bắc Kinh là Đại hội “thể thao Xanh” vì 20% nguồn điện chiếu sáng và điều hòa không khí tại các trung tâm thi đấu lấy nguồn điện từ sức gió. Khoảng 80-90% điện thắp sáng đường phố và đun nước nóng từ nguồn điện mặt trời. Bắc Kinh đã chi 140 tỷ NDT để cải thiện môi trường và không khí ở thành phố |
Kim Chung