Ông Trump đang biến Mỹ thành ‘phiên bản lỗi’ của Trung Quốc? (Nguồn: AP) |
Điều này được thể hiện qua việc Washington thực hiện chính sách gây sức ép lên nước khác để kiếm lợi cho riêng mình mà không quan tâm tới các nguyên tắc dựa trên luật lệ thương mại đã được thừa nhận từ lâu.
Chính sách ngoại giao gây sức ép
Có đi có lại đã trở thành chiếc “kim chỉ nam” trong chính sách ngày càng đối đầu của Mỹ đối với Trung Quốc, từ việc áp đặt hạn chế đi lại với các nhà ngoại giao và giới báo chí Trung Quốc tại Mỹ cho đến việc ra lệnh cấm các nền tảng nhắn tin và truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok và WeChat. Mục tiêu trước mắt của Mỹ là buộc Bắc Kinh phải trả giá cho những hạn chế tương tự mà nước này đã áp đặt đối với các nhà ngoại giao, nhà báo và công ty công nghệ của Mỹ ở Trung Quốc, đồng thời giúp nước Mỹ tránh những rủi ro an ninh tiềm ẩn có thể xảy ra từ các công ty công nghệ của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
Ngoài những yếu tố đó, hiện chưa rõ liệu mục đích dài hạn mà Tổng thống Donald Trump nhắm tới là gì. Dường như cũng giống với trường hợp Iran, Chính quyền của ông Trump gây hấn với đối thủ chỉ nhằm gây rắc rối, phiền toái chứ không có chút dấu hiệu gì cho thấy có mục tiêu thúc đẩy Trung Quốc phải có những động thái nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của phía Mỹ. Điều này khiến chúng ta nhớ đến lời cảnh báo của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche: “Hãy cẩn thận với người mà bạn chọn làm kẻ thù của mình bởi đó chính là người sẽ khiến bạn trở nên giống họ nhất.”
Ngay từ ban đầu, các chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã bị rối loạn bởi chính những chia rẽ từ trong nội bộ, rồi sau đó lại bị lung lay, bởi Tổng thống Mỹ bị ám ảnh trong việc muốn giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, song lại nỗ lực muốn có được giải pháp toàn diện đối với kiểu làm ăn không công bằng của Trung Quốc và muốn tách bạch hai nền kinh tế để không còn phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay.
Các chính sách rối loạn này đã góp phần dẫn đến sự bế tắc kéo dài trước khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một của hai nước được ký kết hồi tháng Một năm nay, bởi phía Bắc Kinh muốn tìm kiếm quan điểm rõ ràng của Chính quyền Tổng thống Trump nhưng nỗ lực của họ đã hoàn toàn vô ích.
Trong khi đó, có một sự thật là bản thân thỏa thuận thương mại giai đoạn một cũng không thể giải quyết triệt để mâu thuẫn bên trong những đường hướng của ông Trump. Nguyên nhân là do thỏa thuận này đề xuất một cách không rõ ràng rằng Trung Quốc phải mua hàng hóa của Mỹ để làm vừa lòng ông Trump, trong khi cũng bao gồm một số cam kết mập mờ của Bắc Kinh trong việc tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường nội địa Trung Quốc để làm vừa lòng một số cố vấn theo trường phái diều hâu trong chính quyền Mỹ, chẳng hạn như Đại diện Thương mại Robert Lighthizer.
Kế hoạch đàm phái thỏa thuận thương mại giai đoạn hai, dù nếu có, cũng khó sẽ đảm bảo giải quyết được những bất đồng tồn tại giữa hai bên, vốn đã bị tạm ngừng chưa bàn tới vì đại dịch Covid-19.
Đánh lạc hướng dư luận
Khi từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ hồi tháng Ba và tháng Tư năm nay, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc, gọi virus SARS-CoV-2 là virus Trung Quốc, khiến giới quan sát đã nhìn nhận là ông Trump cố tình làm vậy để đánh lạc hướng sự dư luận không nhằm sự chú ý vào cách ứng phó đại dịch rất tệ hại của Chính quyền Mỹ.
Cùng lúc, Chính quyền ông Trump tiến hành một loạt các biện pháp gây gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung như đóng cửa lãnh sự Trung Quốc ở Houston vì nghi ngờ có hoạt động gián điệp; cấm hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ; đưa ra các biện pháp trừng phạt với Hong Kong (Trung Quốc) nhằm đáp trả luật an ninh quốc gia do Trung Quốc thông qua tại đây; áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến vi phạm quyền con người ở khư vực Tân Cương.
Vấn đề ở đây không phải là các biện pháp này không phù hợp. Thậm chí các biện pháp này còn khác hẳn với thái độ trước đó của ông Trump là muốn lờ đi tất cả để đạt được thỏa thuận thương mại mà ông trông đợi rất nhiều kia.
Nhưng vấn đề là những biện pháp này không hề phục vụ cho một chiến lược ở tầm quy mô hơn và rõ ràng hơn. Yêu cầu đầu tiên đối với bất cứ chiến lược nào nếu muốn đạt được hiệu quả là phải xác định được mục tiêu có thể đạt được nhưng người ta không thấy được điều đó trong các chính sách của ông Trump.
Ví dụ như đối với vụ TikTok. Giới chức Mỹ tuyên bố cấm TikTok vì lý do bảo mật dữ liệu, nhưng vấn đề là TikTok không hề tích lũy nhiều dữ liệu và Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát nền tảng này trong khi Washington thì lại lo ngại Bắc Kinh sẽ lợi dụng nền tảng này để làm những điều họ muốn.
Tương tự như vậy, Mỹ lo ngại về an ninh rằng nếu như tập đoàn công nghệ Huawei tham gia vào phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thế hệ mới 5G thì các thông tin tình báo nhạy cảm có thể bị rò rỉ qua hệ thống viễn thông này.
Nhìn theo góc độ này thì lệnh cấm TikTok giống như Mỹ ra đòn nặng tay nhằm buộc kẻ bán phải bán cho bên mua là Mỹ, gần giống cách mà Bắc Kinh bắt các công ty của Mỹ phải chuyển giao công nghệ khi hoạt động tại Trung Quốc. Washington từ lâu đã chỉ trích gay gắt kiểu làm ăn như vậy của Trung Quốc nhưng giờ thì quyết định làm điều tương tự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. (Nguồn: Reuters) |
‘Một mình một ngựa’
Đây không phải lần đầu tiên Chính quyền của ông Trump thông qua các biện pháp khiến ranh giới khác biệt về cách ứng xử trong thương mại quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc bị mờ hẳn đi. Vào thời điểm khi cuộc chiến tranh thương mại mới bắt đầu, ông Trump đã trợ cấp bù đắp cho nông dân Mỹ sau khi Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ do chiến tranh thương mại và những khoản tiền trợ cấp này có được từ nguồn thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc mà ra.
Gần đây hơn, ông Trump lại viện tới các yếu tố trong chính sách công nghiệp, mối quan hệ dài lâu với những người theo khuynh hướng thị trường tự do chính thống, để kêu gọi các công ty Mỹ đưa nhà xưởng về Mỹ và trở lại sản xuất trong nước. Việc buộc Trung Quốc phải mua hàng loạt các loại nông sản và hàng hóa của Mỹ như đề cập trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một chỉ là một thử nghiệm khá hạn chế với một nền kinh tế có quản lý như Trung Quốc.
Và bởi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một là thỏa thuận song phương cho nên không hề có giải pháp gì đền bù cho các đối tác và đồng minh của Mỹ, vốn cũng bị Trung Quốc đối xử không công bằng trong làm ăn thương mại.
Điều này phản ánh cách ông Trump tiến hành cuộc chiến thương mại. Đó là một cuộc chơi song phương và ông không hề có nỗ lực gì muốn xây dựng một liên minh các nước có cùng chí hướng để cùng đối phó với Trung Quốc. Đây là một lỗi mang tính chiến lược bởi rất nhiều nước ngày càng bức xúc với Bắc Kinh, nhất là kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, sẵn sàng hoan nghênh ý tưởng thành lập một liên minh như vậy bởi họ sẽ có cơ hội điều chỉnh lại sự mất cân bằng trong mối quan hệ làm ăn thương mại của họ với Trung Quốc.
Rồi chẳng khác gì sát thêm muối vào vết thương, Chính quyền của ông Trump sau đó lại ép các đồng minh và đối tác của mình phải chọn lựa đứng về bên nào trong bế tắc. Điều này có thể thấy rõ trong chiến dịch Mỹ buộc các đồng minh phải cấm tập đoàn công nghệ Huawei không được tham gia mạng 5G. Ông Trump thậm chí còn đưa cả các điều luật chống tập đoàn công nghệ Huawei vào các hiệp định ngoại giao không liên quan mà ông ký gần đây với Kosovo và Serbia.
Tuy nhiên, nếu như chiến dịch chống Huawei chỉ có được thành công ở mức hạn chế thì đó là bởi các nước khác lo ngại Bắc Kinh nhưng cũng không thể bỏ được những mối lợi to lớn mà quan hệ làm ăn thương mại với Trung Quốc mang lại cho họ.
Trên thực tế, ý tưởng muốn tách hẳn nền kinh tế không liên quan tới Trung Quốc mà Chính quyền của ông Trump muốn tiến hành là một mục tiêu phi thực tế, thậm chí ngay cả đối với nước Mỹ, bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau đã ăn sâu vào hai nền kinh tế từ rất lâu, chưa kể tới mức độ phụ thuộc rất lớn giữa Trung Quốc và toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Cần tập trung phát triển ‘quyền lực mềm’
Như giới phân tích đã đánh giá, để cạnh tranh với Trung Quốc thì Mỹ thực sự phải có được những mặt hàng đủ hấp dẫn thay thế được hàng hóa mà Bắc Kinh cung ứng cho các nước đối tác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Mà yêu cầu này là quá khó nếu nhìn vào sự khác biệt giữa cách quản trị nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc với cách vận hành nền kinh tế do tư nhân thống trị kiểu của Mỹ.
Cạnh tranh với Trung Quốc, Nga hay bất kỳ đối thủ mạnh nào giờ đây cũng sẽ không hẳn là sự so sánh những chiếc hàng không mẫu hạm, những máy bay chiến đấu, tàu ngầm hạt nhân hay máy bay tàng hình như trước đây mà lại nghiêng về hướng bên nào có thể hỗ trợ chính phủ các nước khác đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân nhiều hơn.
Dù rằng Mỹ bỗng nhận ra chính nước này giờ đây không còn nắm giữ tiềm lực quân sự mạnh như trước đây bởi Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội của họ quá nhanh và đầy tham vọng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân, nhưng Washington cần cân nhắc hết sức cẩn trọng những lời hô hào rằng Mỹ phải nhanh chóng vượt Trung Quốc về sức mạnh quân sự, mà nên tập trung phát triển “quyền lực mềm” và phát triển hàng hóa phục vụ cộng đồng.
Đó là bởi chính Mỹ đang dần mất đi một lợi thế cạnh tranh truyền thống hết sức quan trọng khác là bảo vệ các giá trị mang tính phổ quát toàn cầu như nhân quyền, quản trị dân chủ và nhà nước pháp quyền. Nước Mỹ đã tự từ bỏ vai trò bảo vệ những giá trị như thế trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và nước Mỹ cũng không còn là hình mẫu cho những giá trị như vậy nếu nhìn vào những chính sách chính trị của nước Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, thay vì thử nỗ lực tìm ra những giải pháp hay ho và hấp dẫn hơn thì ông Trump dường như lại tập trung để biến nước Mỹ thành một phiên bản lỗi của Trung Quốc, biến Mỹ thành một đối tác bắt nạt nước khác để kiếm lợi cho riêng mình mà không quan tâm tới các nguyên tắc dựa trên luật lệ thương mại quốc tế đã được thừa nhận qua thời gian.