Những hành động của ông Trump diễn ra tiếp sau chỉ thị "Mạng sạch" từ Bộ Ngoại giao Mỹ. (Nguồn: Bloomberg) |
Những mối lo ngại về hệ sinh thái Internet toàn cầu đã gia tăng trong vài tuần qua với các sắc lệnh hành pháp của ông Trump khi cấm ứng dụng video TikTok và mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Động thái này diễn ra tiếp sau một chỉ thị của Chính phủ Mỹ nhằm cấm sử dụng các ứng dụng và dịch vụ “không đáng tin cậy” từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng những hạn chế này của chính quyền ông Trump đang ngày càng rời xa ý tưởng mà người Mỹ thúc đẩy lâu nay về một mạng Internet mang tính chất toàn cầu, cởi mở và có thể mời các nước khác làm theo.
Milton Mueller, Giáo sư Đại học Công nghệ Georgia (Mỹ) và là người sáng lập Dự án Quản trị mạng Internet nhận định: “Đó thực sự là âm mưu hòng làm vỡ tung mạng Internet và xã hội thông tin toàn cầu theo đường lối của Mỹ, đồng thời không cho Trung Quốc tiến sâu vào nền kinh tế công nghệ thông tin”.
Giáo sư Mueller nói điều này cũng cho thấy một động thái “nhằm tạo ra một bức tường lửa của phương Tây” tương tự như “Vạn lý Trường Thành lửa” của Trung Quốc - vốn sẽ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Ông Mueller nhận định, điều này có thể gây phản tác dụng đối với những “gã khổng lồ” ở Thung lũng Silicon vốn chi phối thế giới trực tuyến ở bên ngoài Trung Quốc vì “có nhiều chính phủ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc trên khắp thế giới có thể đưa ra những yêu sách tương tự như vậy đối với Apple, Google, Facebook và Twitter”.
Tuần vừa qua, Tổng thống Trump đã biến lời đe dọa của mình thành hiện thực bằng việc sử dụng sắc lệnh hành pháp khi cho người Mỹ có 45 ngày để ngừng giao dịch với các nền tảng của Trung Quốc, đưa ra thời hạn ép bán TikTok thuộc công ty mẹ là ByteDance cho Microsoft.
Những hành động của ông Trump diễn ra tiếp sau một chỉ thị "Mạng sạch" từ Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đó cấm các ứng dụng và dịch vụ "không đáng tin cậy" từ Trung Quốc trong các nhà cung cấp mạng của Mỹ cũng như được cài đặt vào các thiết bị tại Mỹ.
Nhà phân tích công nghệ độc lập Richard Windsor nhận định, điều này có thể dẫn đến tình hình cạnh tranh và tại một số nơi trên thế giới buộc phải lựa chọn hệ sinh thái giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Windsor nói: “Sự chia tách về kỹ thuật số giữa Trung Quốc và phương Tây đang diễn ra và các nước đứng giữa (châu Phi và các nước châu Á) sẽ phải quyết định họ muốn đứng về bên nào”.
Adam Segal, Giám đốc Chương trình chính sách dữ liệu số và không gian mạng thuộc Hội đồng Đối ngoại, nói rằng các hành động của Mỹ chỉ ra một khái niệm về “chủ quyền không gian mạng” được Trung Quốc thúc đẩy từ lâu và bị chính chính quyền Mỹ phản đối.
Ông Segal nói: “Đây thực sự là ý tưởng của người Trung Quốc, theo đó một nước có quyền tự tách khỏi mạng toàn cầu bằng việc cấm hoặc hạn chế công nghệ nước ngoài. Mỹ thường biện luận cho sự phản đối này là dựa trên mong muốn hướng đến một mạng Internet tự do và cởi mở”.
Daniel Castro thuộc Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin nói rằng nếu điều này xảy ra, các hành động của Mỹ cho thấy “nguy cơ nghiêm trọng về sự sụp đổ mạng Internet”.
“Mỹ cần thận trọng khi lập luận rằng có nguy cơ an ninh quốc gia cố hữu về việc sử dụng công nghệ từ các công ty nước ngoài. Nếu các nước khác cũng áp dụng logic tương tự, các công ty công nghệ của Mỹ sẽ không có khả năng vào được nhiều thị trường nước ngoài”, ông này cảnh báo.
Còn Giáo sư Mueller lại cho rằng, các hành động chính quyền ông Trump dựa trên các mối lo ngại an ninh mơ hồ và một khái niệm sai lầm chống lại cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy.
“Chính quyền ông Trump cho rằng bằng cách này hay cách khác, họ có thể kiềm chế Trung Quốc phát triển kinh tế và công nghệ. Ý tưởng có thể ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc bằng việc loại bỏ họ là ngốc nghếch, điều đó sẽ không xảy ra”, ông Muller bình luận.