TIN LIÊN QUAN | |
Những phép thử cho Mỹ Latin | |
UNASUR phản đối kế hoạch Mỹ xây tường biên giới với Mexico |
Cả thế giới đang chăm chú theo dõi tác động của chính sách kinh tế Mỹ - đầu tàu chính của nền kinh tế thế giới - với việc ông Donald Trump lên cầm quyền. Và thật sự, câu châm ngôn “Khi Washington hắt hơi, thế giới có thể bị cảm lạnh” vẫn còn giá trị cho đến nay.
Đặc biệt, một số quốc gia Mỹ Latin – nơi chịu ảnh hưởng của Mỹ lớn hơn so với các nơi khác trên thế giới – đang phải đối phó với hàng loạt tác động của chính sách kinh tế mới từ Mỹ. Vậy những nước Mỹ Latin nào bị thiệt hại nhiều nhất do chính sách của ông Donald Trump?
Câu châm ngôn “”Khi Washington hắt hơi, thế giới có thể bị cảm lạnh” vẫn còn giá trị cho đến nay. (Nguồn: AFP) |
Sự phụ thuộc của Mexico quá lớn
Trong trao đổi thương mại, không một quốc gia nào ở Mỹ Latin lại quá phụ thuộc vào Mỹ như Mexico với 73% xuất khẩu của nước này sang người láng giềng phương Bắc.
Các quốc gia khác ở Trung Mỹ như Guatemala, nước xuất khẩu sang Mỹ 40% số sản phẩm của mình, cũng bị phụ vào Mỹ. Duy chỉ một số quốc gia ở Nam Mỹ như Uruguay, nước đa dạng hóa các khách hàng như với Trung Quốc và chỉ xuất khẩu sang Mỹ 5% tổng sản phẩm thì không bị phụ thuộc nhiều quá vào Mỹ.
Bởi vậy, ở Mexico xuất hiện tình huống đặc biệt nhạy cảm trong mối đe dọa do ông Trump đưa ra nhằm tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Nhiều trong số các sản phẩm xuất khẩu của Mexico, đơn cử như ô tô, đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy của Mỹ.
Điểm kiểm soát qua biên giới giữa Mexico và Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Và, thậm chí qua trang mạng xã hội Twitter, ông Trump gây sức ép đối với các công ty đa quốc gia để các công ty này thay vì nhập khẩu từ Mexico thì phải sản xuất ra sản phẩm ngay tại nước Mỹ. Ông Trump còn đe dọa gác lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với trị giá trao đổi thương mại Mỹ - Mexico là 1 triệu USD/phút và đã có “thâm niên” miễn thuế cho các sản phẩm giữa hai quốc gia trong hơn hai thập kỷ qua.
Tất cả điều này cho thấy, Mexico có quá nhiều thứ để mất khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ. Và không phải ngẫu nhiên mà trong năm vừa qua, đồng Peso của Mexico xuống giá thảm hại khi ông Donald Trump vừa tiếp cận với quyền lực.
Công ty Động cơ Ford ở Mexico. (Nguồn: EPA) |
Cuba có thể mất đi cơ hội
Không chỉ riêng quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Mỹ mà một số nền kinh tế Mỹ Latin cũng có thể bị ảnh hưởng trước sự thay đổi ở Washington. Và Cuba là một trong số đó.
Từ cuối năm 2014, một trong những tin tức lớn gây sự chú ý trên thế giới là việc tan băng và tái thiết quan hệ giữa Washington và Havana sau nhiều thập kỷ thù địch.
Về khía cạnh kinh tế, việc tái thiết quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba được xem như khai thông huyết mạch cho quốc gia vùng Caribe này. Thật vậy, trước những hậu quả tai hại về tài chính ở Venezuela - một đồng minh kinh tế chủ chốt và là nguồn cung cấp xăng dầu giá rẻ cho Cuba - thì quốc đảo này đang rất bận rộn tìm kiếm những nguồn thu khác. Và đầu tư của Mỹ, ít nhất là trong trung hạn, được dự kiến có thể thay thế vai trò đó.
Cựu Tổng thống Barack Obama thăm và chụp ảnh kỷ niệm trên Quảng trường Cách mạng Cuba. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, việc ông Trump vào Nhà Trắng đã làm gia tăng sự không chắc chắn về một chính sách của Mỹ đối với Cuba. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump tỏ ra gần gũi với các nhóm lưu vong Cuba và phản đối mối quan hệ với chính phủ hiện tại của quốc đảo.
Nếu Mỹ quyết định kéo dài lệnh cấm vận kinh tế, thay vì làm giảm bớt như chính phủ tiền nhiệm Barack Obama đã từng làm từ năm 2014, thì rõ ràng Cuba sẽ mất nhiều cơ hội dưới thời của ông Donald Trump.
"Ngón đòn" của đồng USD
Tác động kinh tế của Mỹ đối với Mỹ Latin khiến người ta cảm nhận được bằng nhiều cách, trong đó đồng USD là yếu tố không thể bỏ qua.
Trước tiên, việc hạn chế người cư trú không có giấy tờ hợp pháp ở Mỹ đồng nghĩa với việc giảm số tiền USD mà họ gửi về nước sẽ là một đòn giáng mạnh vào nhiều quốc gia Mỹ Latin. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước Trung Mỹ như Guatemala, Honduras và El Salvador, những nước dựa vào thị trường lao động Mỹ như một lối thoát cho tình trạng thất nghiệp ở trong nước.
Sự tăng giá của đồng USD tác động mạnh tới những nước Mỹ Latin đang sử dụng USD như đồng tiền quốc gia. (Nguồn: AFP) |
Trong bối cảnh đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị trong khu vực, một số nhà phân tích cho rằng, chính sách của ông Trump gồm tăng chi phí cho các công trình công cộng và quốc phòng cùng với việc giảm thuế, sẽ gây ra lạm phát ở Mỹ. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát. Nhưng mức lãi suất cao hơn sẽ càng hấp dẫn hơn giới đầu tư vào Mỹ và có thể gây ra một vụ hỗn loạn về tiền tệ đối với các nước khác, trong đó có Mỹ Latin, khiến họ lần lượt phải phá giá đồng tiền địa phương và nâng giá đồng USD.
Điều nêu trên sẽ tác động mạnh tới ba nước Mỹ Latin là Panama, El Salvador và Ecuador, những nước sử dụng đồng USD như đồng tiền quốc gia của mình. Nếu đồng USD tăng, Ecuador sẽ thấy xuất khẩu của mình đắt hơn đối với khách hàng trong khi nhập khẩu từ các nước lân cận như Colombia sẽ trở nên rẻ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất ở trong nước.
Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng tác động của chính sách trong thời ông Donald Trump cầm quyền tới nền kinh tế Mỹ Latin là rất nhiều và đa dạng. Rõ ràng, khu vực Mỹ Latin cũng giống như các khu vực khác của thế giới cần phải theo dõi sát sao tài khoản mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump bởi đó là nơi đưa ra những quyết định có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của họ.
Chile và Peru quan ngại về việc Mỹ rút khỏi TPP Ngày 24/1, Chile và Peru, hai nước Mỹ Latin tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bày tỏ quan ngại ... |
Kinh tế Mỹ Latin năm 2017: Cần điều chỉnh đột phá Với những tác động của bên ngoài, các chuyên gia dự báo triển vọng phục hồi kinh tế năm 2017 tại thị trường rộng lớn ... |
Những "nốt trầm" của kinh tế Mỹ Latin Bức tranh kinh tế chung của Mỹ Latin, vốn từng được ví như “ngôi sao đang lên” của thế giới trong giai đoạn phát triển ... |