TIN LIÊN QUAN | |
Nhà khoa học “hát thơ” tại Ba Lan | |
Người “xuất ngoại” cho thơ |
Hội chợ sách quốc tế Budapest 2018 là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản Hungary với sự tham dự của 26 nước cùng 160 gian triển lãm sách in ấn và trên 100 cuộc giao lưu với người đọc. Tại đây, không gian thơ của Trương Đăng Dung đã thu hút đông đảo độc giả yêu văn học tới thưởng thức. Không chỉ vì ấn tượng của tập thơ Việt Nam mà tác giả là người đã từng học tập, nghiên cứu văn học ở Hungary và đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary.
Người tạo nên “Những kỷ niệm tưởng tượng”
PGS. TS Trương Đăng Dung sinh năm 1955 tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được Nhà nước cử sang học tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Budapest và tốt nghiệp vào năm 1978. Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 1984, ông về công tác tại Viện Văn học và đảm nhiệm chức vụ Viện phó Viện Văn học Việt Nam trong khoảng thời gian dài từ 1995-2010.
Là một nhà nghiên cứu văn học uy tín, khi ra mắt tập thơ mang tên Những kỷ niệm tưởng tượng vào năm 2011, không ít người ngạc nhiên trước tài năng thơ ca và thành quả lặng lẽ sáng tạo nghệ thuật của ông. Khi tái bản song ngữ Việt – Hung 2018, tập thơ do Nhà xuất bản Európa ấn hành lại có thêm một số bài thơ mới thể hiện sự bền bỉ của ông trong sáng tác nghệ thuật suốt 40 năm qua.
PGS.TS Trương Đăng Dung phát biểu tại buổi giới thiệu thơ tại Hà Nội. (Ảnh: H.A) |
Có thể nhận thấy trong thơ Trương Đăng Dung nỗi bất an thường trực về thân phận con người, nỗi cô đơn, cái chết, sự hủy hoại của thời gian hay sự vô cảm của thế giới... Ông tâm sự: “Cả đời tôi chỉ day dứt về sự tồn tại của con người, đi tìm chân lý, đức tin và ý nghĩa của sự tồn tại ấy”.
Điển hình như bài thơ được lấy làm tiêu đề chính Những kỷ niệm tưởng tượng được Trương Đăng Dung viết vào năm 1983 trong khoảng thời gian ông cảm thấy rất cô đơn và thương nhớ quê hương, gia đình của mình. Lúc ấy, ông đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài – công việc nghe rất sang trọng nhưng thực tế ở quê bố mẹ ông đang không có đủ gạo để ăn. Điều này khiến ông cảm thấy rất bất hạnh và suy nghĩ nhiều về nỗi khổ chung của kiếp người. Nói như Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, “đọc tập thơ sẽ nhìn thấy rõ con người trí thức trong thơ - con người luôn đau đáu, dằn vặt với những nỗi niềm không phải ai cũng cảm nhận được”.
Trương Đăng Dung quan niệm làm thơ không phải là phản ánh, mà là kiến tạo ra một thế giới khác trong tưởng tượng nhưng có cơ sở từ những ảo ảnh của thế giới hiện thực. Theo Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam Nguyễn Đăng Điệp, 40 năm theo đuổi đam mê đã thể hiện sự kiên trì của ông trong con đường thơ ca. Hơn nữa, sự cống hiến lặng thầm và khá lặng lẽ của Trương Đăng Dung cho lĩnh vực thơ ca và giao lưu văn học rất đáng trân trọng.
... và xây lên những nhịp cầu văn học
Có lẽ, điều thú vị nhất trong tập thơ song ngữ của Trương Đăng Dung là người đọc không thể tìm thấy con người, địa danh và những ranh giới cụ thể. Thế giới thơ của ông đã trở thành câu chuyện, tiếng nói chung dễ đồng cảm của con người trên khắp hành tinh này. Và sự chào đón của độc giả tại Budapest đã minh chứng cho giá trị đích thực của thơ ca là vượt qua mọi giới hạn, không gian và biên giới.
Trương Đăng Dung đã từng được trao tặng Huân chương Chữ thập vàng của Tổng thống Hungary vào năm 2012 cho những đóng góp quan trọng đối với quá trình giao lưu văn hóa Hungary - Việt Nam. Vì vậy, hơn ai hết ông là người hiểu rõ về ý nghĩa của việc giao lưu văn hóa cũng như hội nhập trong sáng tác văn học. Đọc thơ ông, cũng có thể bắt gặp những trăn trở ấy về khoảng cách vô hình và những đường biên giới, như trong bài Những bức tường:
...Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
Khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường,
Khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.
Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ,
trong những lời buồn chia tay...
Ngày khi còn học tập và nghiên cứu, Trương Đăng Dung đã miệt mài chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Hungary sang tiếng Việt và bỏ nhiều công sức để dịch nghĩa và chú giải Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Thời gian sau, ông đã cùng với nhà thơ Hungary Tandori Dezső hoàn chỉnh bản dịch thơ dưới tựa đề Kieu története được Nhà xuất bản Európa ấn hành năm 1984 tại Hungary.
Khi nhớ lại những kỷ niệm ấy, Trương Đăng Dung cho biết ông luôn coi đất nước Hungary như Tổ quốc thứ hai của mình – nơi cho ông tiếp xúc với giới thơ ca nổi tiếng Hungary, mở ra cách nhìn mới về cảm thụ văn học và tạo cảm hứng cho ông viết lên những bài thơ đầu tiên trong tập Những kỷ niệm tưởng tượng.
“Làm thơ để tự sự nên có nằm mơ tôi vẫn không tin có ngày mình lại ra mắt một tập thơ, được đón nhận, giành được giải thưởng và giờ đây được nhà thơ đương đại nổi tiếng Háy Zasnos dịch ra tiếng Hungary. Tôi thấy mình thật may mắn và hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam được tham gia các hội chợ sách quốc tế, mang thơ ca Việt Nam tới nhiều bạn đọc trên thế giới.”, Trương Đăng Dung chia sẻ.
Hà Anh
Nhà thơ Việt Nam thứ hai nhận Giải thưởng Cikada của Thụy Điển Tối 1/12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã tổ chức trao Giải thưởng ... |
Hồn thơ Đức trong nhạc Việt cổ Nhiều người sẽ cho rằng, khi đưa thơ của một nhà thơ nước ngoài vào âm nhạc cổ truyền Việt Nam là điều không tưởng. ... |
Ra mắt bộ sách “Nguyễn Bính Toàn tập” nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1917-2017), gia đình nhà thơ Nguyễn Bính với đại diện là bà Nguyễn Bính ... |