Chuyên gia Đỗ Cao Bảo cho rằng, sống chung với Covid-19 là chiến lược chống dịch, là đích mà chúng ta hướng đến. |
Lâu nay, các chuyên gia y tế thế giới nhận định, việc xóa sổ virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là điều khó có thể làm được. Do đó, kịch bản phải sống chung với đại dịch này đang được các nước dần dần chấp nhận. Tuy nhiên, với Việt Nam thì thế nào, theo ông?
Việt Nam chúng ta cũng đã xác định “rất khó để đưa số ca nhiễm Covid-19 về zero” nên đã quyết định chuyển chiến lược phòng chống dịch từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid-19”.
Chiến lược “sống chung với Covid-19” được hiểu là con đường hay lộ trình đi đến trạng thái bình thường mới. Có lẽ vì vậy mà Chính phủ và Bộ Y tế đã chuyển sang dùng cụm từ cụ thể hơn là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”.
Quan điểm của ông thế nào về sống chung với Covid-19?
Tôi cho rằng “sống chung với Covid-19” là chiến lược chống dịch, là đích mà chúng ta hướng đến. Vì vậy, sẽ phải mất rất nhiều thời gian, rất nhiều nỗ lực của cả Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và toàn thể người dân mới có thể đạt được “trạng thái sống chung với Covid-19".
Ngày 9/10 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói: “Chúng ta phải mất 3 đến 6 tháng nữa để có được trạng thái bình thường mới... Một vài quốc gia đã đạt được trạng thái này, chẳng hạn như ở châu Âu, nhưng họ đã phải trả giá đắt, mất nhiều mạng người trên đường đi tới đó”.
Theo thống kê, hiện số ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ là 1.000-2.000 người, ở Anh là 120-150 người mặc dù đã tiêm 2 mũi vaccine cho 55-66% dân số.
Như vậy, để thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19, mỗi quốc gia cần một lộ trình phù hợp. Lộ trình của mỗi quốc gia phụ thuộc vào triết lý chống dịch “an toàn tính mạng của người dân được ưu tiên cao hơn hay phát triển kinh tế được ưu tiên cao hơn”, cũng như phụ thuộc vào sự mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế nghiêm trọng đến đâu.
Hiện tại, Việt Nam với tỷ lệ tiêm vaccine trên dân số mới đang ở mức rất thấp: 13,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, 37,2% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi, còn cách rất xa ngưỡng mà các nước Âu, Mỹ quyết định nới lỏng giãn cách, sống chung với Covid-19 (ngưỡng tối thiểu là 55% và trung bình là 70% dân số được tiêm đầy đủ vaccine).
Như vậy, hẳn là việc sống chung với Covid-19 cũng phải có lộ trình cụ thể ở từng địa phương chứ không nên mạo hiểm "bung" mạnh mở cửa?
Việt Nam có 2 đặc điểm cần lưu ý, đó là mức độ dịch bệnh ở các tỉnh, thành khác xa nhau và tỷ lệ tiêm chủng cũng rất khác nhau.
Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố thì có đến 24/25 tỉnh phía Bắc từ Ninh Bình trở ra mức độ dịch rất nhẹ, 20 tỉnh không có ca nhiễm mới nào (zero Covid), 4 tỉnh chỉ ở mức 1-2-3 ca mỗi ngày; 10 tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Phú Yên dịch ở mức nhẹ (5 tỉnh chỉ có từ 0-6 ca nhiễm ngày, 5 tỉnh dưới 18 ca nhiễm/ngày).
Đặc biệt, có 4 địa phương số ca nhiễm đang ở mức rất cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và An Giang (300 đến 3.000 ca/một ngày).
Cùng với đó, tỷ lệ tiêm vaccine cũng có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ 80% dân số đã được tiêm vaccine, trong đó có 55% dân số đã tiêm 2 mũi thì có đến 20 tỉnh, thành phố tỷ lệ tiêm vaccine chỉ ở mức dưới 30% dân số, cá biệt có tỉnh chỉ đạt 18%.
Điều đó có nghĩa, khả năng kháng thể của người dân các tỉnh cũng rất khác nhau.
Chính vì mức độ dịch bệnh rất khác nhau, tỷ lệ tiêm vaccine (kháng thể của người dân) cũng rất khác nhau giữa các địa phương nên chúng ta không những phải xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19 cho cả quốc gia, mà phải cho từng khu vực địa lý và cho từng tỉnh, thành phố.
Nếu không xây dựng lộ trình theo từng tỉnh, thành phố, mà chỉ có lộ trình chung cho cả nước thì top 20-30 tỉnh mới tiêm vaccine được dưới 30% dân số sẽ bị hậu quả rất nặng nề khi dịch lan rộng trở lại.
Hơn 20 tỉnh phía Bắc hiện đang chỉ có 0-1 ca nhiễm/một ngày, nhưng lại chỉ mới tiêm vaccine được 20%-30% dân số. Nếu người dân này vào TP. Hồ Chí Minh thì Thành phố không hề ảnh hưởng. Nhưng chỉ cần vài ca dương tính từ TP. Hồ Chí Minh ra, rồi lây nhiễm mà chậm phát hiện thì rất dễ bị dịch nặng như các tỉnh phía Nam.
Khi ấy thiệt hại cả về người và kinh tế sẽ rất nặng nề. Chính vì vậy, quan điểm cá nhân tôi, nên chia lộ trình sống chung với Covid-19 của Việt Nam ra làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sống chung với Covid-19 trong phạm vi tỉnh/thành phố: Tháng 10-12/2021
Giai đoạn 2: Sống chung với Covid-19 trong khu vực địa lý theo cụm tỉnh liên thông: Tháng 11-12/2021
Giai đoạn 3: Sống chung với Covid-19 trên phạm vi cả nước: Tháng 1-3/2022
Giai đoạn 4: Sống chung với Covid-19 trên toàn cầu: Có lộ trình riêng, mở từ từ tùy vào việc kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia khác.
Theo ông, nguyên lý chung của chống dịch là gì?
Nguyên lý chung của chống dịch ở tất cả các quốc gia là không để hệ thống y tế quá tải, không để hệ thống y tế sụp đổ, nếu để hệ thống y tế sụp đổ thì sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia.
Khi ấy, không những sinh mạng của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà kinh tế quốc gia cũng sụp đổ. Điều đó có nghĩa, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân phải được bảo vệ bằng mọi giá.
Chính vì vậy, quyết định nới lỏng hay thắt chặt các biện pháp giãn cách sẽ tùy thuộc vào áp lực lên hệ thống y tế. Đó là, khi áp lực giảm thì nới lỏng, khi áp lực tăng cao đến ngưỡng thì lại thiết chặt, "phanh gấp". Đấy chính là cách mà Singapore và các nước Âu, Mỹ đang thực hiện.
Cho đến thời điểm này, vaccine là “lá khiên” tốt nhất để giảm thiểu số ca nhiễm, số ca bệnh nặng phải nhập viện cũng như số ca tử vong. Chính vì vậy, tỷ lệ tiêm vaccine trên dân số là yếu tố quan trọng nhất quyết định thời điểm nới lỏng giãn cách, trở lại trạng thái bình thường mới ở hầu hết các quốc gia.
Hiện tại, hầu như các nước Âu, Mỹ đều đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ trên 55% dân số, trong đó có một số quốc gia đã đạt 75% - 80%. Tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam chúng ta còn cách ngưỡng ấy rất xa, dự kiến phải đến hết tháng 12/2021 chúng ta mới có thể đạt 65%-75% dân số.
Nguyên lý không quá tải hệ thống y tế sẽ dẫn đến một nguyên lý tiếp theo là một tỉnh/thành phố khi bỏ giãn cách, mở cửa trở lại thì không thể mở cửa ngay mà buộc phải mở từ từ. Giãn cách 3 tháng thì thời gian trở lại trạng thái như trước khi giãn cách cũng phải mất 3 tháng.
Có thể thấy, “sống chung an toàn” với đại dịch đã không còn là phương châm của riêng quốc gia nào. Đây được xem là bước chuyển mình, hướng đến việc chủ động kiểm soát để chiến thắng Covid-19. Học cách sống chung nhưng học như thế nào, cần những chiến lược cụ thể ra sao?
Rõ ràng, muốn sống chung với Covid-19, chúng ta phải có lộ trình vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đưa các hoạt động của xã hội trở lại bình thường (các hoạt động bao gồm sản xuất, kinh doanh, đi lại, học hành, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, du lịch, vui chơi, giải trí... của doanh nghiệp và người dân).
"Nguyên lý chung chống dịch ở tất cả các quốc gia là không để hệ thống y tế quá tải, không để hệ thống y tế sụp đổ, nếu để hệ thống y tế sụp đổ thì sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia. Khi ấy, không những sinh mạng của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà kinh tế quốc gia cũng sụp đổ. Điều ấy có nghĩa, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân phải được bảo vệ bằng mọi giá". |
Quá trình ấy có thể kéo dài 3 tháng, có thể 6 tháng, được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi gian đoạn đều có các biện pháp kiểm soát, hạn chế nặng nhẹ khác nhau, không phải bao giờ cũng đi theo đường thẳng, mà có thể được mở ra rồi đóng lại tùy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Điều ấy có nghĩa, tất cả các hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường học, sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu, quán ăn, nhà hàng, rạp chiếu phim… đều phải thay đổi theo thời gian, theo mức độ kiểm soát và hạn chế, theo diễn biến của dịch.
Như vậy, chúng ta phải học các quy định và tập làm theo các quy định kiểm soát và giám sát dịch bệnh của Chính phủ, của Bộ Y tế, của các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và của chính tổ chức mà mình làm việc hay học tập.
Trong lộ trình sống chung với Covid-19, các quy định phòng dịch cần bảo đảm việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường ra sao, theo ông?
Chính xác là các hoạt động kinh tế sẽ không thể bình thường như trước đại dịch được mà chỉ là bình thường mới mà thôi. Như trên đã nói, các hoạt động kinh tế sẽ phụ thuộc vào lộ trình sống chung với Covid-19 của Chính phủ, của chính quyền địa phương.
Chắc chắn có một số vấn đề các doanh nghiệp phải thích ứng trong giai đoạn này, đó là, chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số. Đảm bảo an toàn, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong doanh nghiệp, nhà máy của mình.
Những việc có thể thì nên tổ chức trực tuyến tối đa như họp hành, đại hội cổ đông, đào tạo nhân viên, bán hàng, trình bày giải pháp… Chuyển đổi sang làm việc tại nhà đối với những việc, những người có thể làm tại nhà.
Tôi tin rằng, nếu thực hiện được như trên cùng với việc tiêm vaccine Covid-19 nhanh chóng cho người dân thì kinh tế sẽ hồi phục, sẽ dần quay lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Xin cảm ơn ông!
| Thấy gì từ những đoàn người lao động 'rồng rắn' về quê? Nhìn từ đoàn người lao động 'rồng rắn' về quê đúng là vạn bất đắc dĩ chứ không ai muốn phải 'phá rào, vượt chốt' ... |
| Lời giải nào để người lao động trở lại, tránh 'đứt gãy' nguồn nhân lực khi dịch được kiểm soát? Lực lượng lao động nghèo khổ ở TP. Hồ Chí Minh quá đông, họ hầu như không có khả năng tích luỹ để tồn tại ... |