Tôi nhớ những giọt nước mắt của hai bà mẹ, một từ thành phố Seattle (Mỹ), một ở Quảng Trị (Việt Nam) khi họ ôm nhau xúc động bởi đều mất đi người con trai duy nhất trong chiến tranh. Đó là vào tháng 10/2010, khi bà mẹ Mỹ đến thăm Việt Nam và tham gia vào lễ khánh thành một trường học nhỏ - món quà từ thiện của tổ chức “Cây Hòa Bình Việt Nam” (Peace Trees Vietnam) trợ giúp một xã miền núi Việt Nam.
Bước tiến lịch sử
Đã có nhiều hoạt động tương tự của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, nhưng câu chuyện này như một dấu mốc. Nỗi đau mất mát người thân của hai phía Việt Nam và Mỹ, dù phải qua một thời gian dài hòa giải sau chiến tranh, cuối cùng đã có được sự cảm thông thực sự và sâu sắc từ trái tim của người dân, của những bà mẹ, người cha mất con....
Ông Nguyễn Tâm Chiến (giữa) tiếp Đoàn Tổ chức Cựu binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài - VFW (Mỹ). |
Nhớ lại quá trình phấn đấu cho bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, ngay từ đầu phía Mỹ đã đặt điều kiện tiên quyết về tìm kiếm những người lính Mỹ mất tích (MIA). Phía Việt Nam xuất phát hoàn toàn từ tấm lòng nhân đạo và vị tha, trong hàng chục năm đã trợ giúp và hợp tác tối đa nhất có thể về công việc đó. Hoạt động MIA về cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn các trường hợp mà cả hai bên thấy là rất ít khả năng tìm kiếm được; lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hợp tác tốt đẹp, và phía Việt Nam vẫn sẵn sàng tiếp tục công việc khi có tin tức mới.
Trong các cuộc gặp gỡ với những người dân hai nước, nhất là các cá nhân và tổ chức người Mỹ đến thăm Việt Nam, đại đa số người tham dự đều tỏ ra vui mừng về bước phát triển “Quan hệ Đối tác toàn diện” Việt-Mỹ được thiết lập từ năm 2013 và ai cũng muốn mối quan hệ bạn bè đó giữa hai dân tộc trở nên ngày một sâu rộng hơn qua những việc làm cụ thể.
Về mức độ giao lưu nhân dân Mỹ-Việt, đến năm 2016 đã có hơn nửa triệu người Mỹ đi du lịch Việt Nam. Không biết có nên nhớ lại nửa triệu quân Mỹ đã từng ở miền Nam Việt Nam trong thời cao điểm của chiến tranh? Quan hệ hai nước, hai dân tộc đã tiến một bước lịch sử dài biết mấy! Mới đây, Hội Việt-Mỹ đã là đầu mối để “Tổ chức Liên đoàn Cựu binh Mỹ” (The American Legion), hay tổ chức “Cựu binh Mỹ của các cuộc chiến tranh ở nước ngoài” (VFW) mở ra tiếp xúc và cử các đoàn thường niên giao lưu với Việt Nam. Hầu như tất cả các đoàn cựu binh Mỹ đều không chỉ thăm thuần túy mà còn tìm hiểu các khả năng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực. Các giới khác nhau với thành phần đa dạng cũng năng đến Việt Nam tìm đối tác nghiên cứu các vấn đề xã hội, môi trường, dạy và học ngôn ngữ... Giao lưu về văn hóa đã tăng rõ rệt.
Bên cạnh nỗ lực của chính phủ, không thể thiếu sự đồng lòng chung sức của nhân dân hai nước. Bản thân tên gọi “ngoại giao nhân dân” đã chứa đựng đòi hỏi có sự tham gia sâu rộng nhất của mọi công dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, các địa phương… vào tiến trình đó.
Cầu nối tình hữu nghị
Hội Việt-Mỹ - một tổ chức tiên phong từ phía Việt Nam đang ra sức chắp nối các mối quan hệ, và dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện Hội đang cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp Cựu Chiến binh Việt Nam dự kiến tổ chức “Diễn dàn Doanh nghiệp Cựu binh Việt-Mỹ” với sự tham gia của cả doanh nghiệp thế hệ con em cựu binh hai bên, tăng cường vai trò của cựu binh Việt-Mỹ trong giai đoạn “Đối tác toàn diện”; tạo cú hích mới về hợp tác cùng có lợi trong kinh tế-thương mại, chuyển giao công nghệ, hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa và các lĩnh vực khác theo kênh nhân dân; tiếp nối vai trò tiên phong và đóng góp quan trọng của các cựu binh trong giai đoạn hòa giải, bình thường hóa và phát triển quan hệ hai nước mấy chục năm qua.
Đối ngoại nhân dân với Mỹ trong thời hội nhập hiện là lĩnh vực cần được coi trọng.
Nếu như tình đoàn kết giữa nhân dân Mỹ và thế giới với Việt Nam được biểu trưng tại Hội nghị Bratislava cách đây tròn 50 năm (1967-2017) là một kỳ tích của đối ngoại nhân dân Việt Nam, thì trong giai đoạn hội nhập hiện nay, những cơ hội và thách thức mà đất nước đang đối mặt cũng đòi hỏi ngoại giao nhân dân phải có một bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Điều đơn giản nhưng trọng yếu là làm sao Việt Nam có nhiều bạn bè, nhiều đối tác quốc tế hơn để tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ các trung tâm phát triển nhất, nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Bất chợt, tôi muốn nhắc lại câu chuyện cảm động khác về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, một phi công-nông dân Nam Bộ Việt Nam. Cách đây hai năm, anh Bảy đã mời và tiếp tại gia một cựu tử thù - cựu phi công Mỹ G.Plum, người từng giao chiến với ông trên bầu trời miền Bắc Việt Nam ngày 24/4/1967.
Trước khi Plum lên đường qua Việt Nam để hội ngộ, mẹ Plum đã dặn rằng, con hãy cố gặp lại cho được người phi công ấy và chuyển lời cảm ơn của mẹ là anh ấy đã bảo vệ đất nước mình nhưng đã không giết chết con mẹ. Tại ngôi nhà đơn sơ ở Sadec của ông Bảy, Plum đã được thưởng thức xoài miệt vườn, ăn thịt gà nuôi thả, uống rượu “cây nhà” do chính ông Bảy tự nấu lấy. Người “Anh hùng áo vải” Việt Nam thời nay có nói rằng, chiến tranh đã là quá khứ, hãy gặp nhau như bạn bè. Hai người tặng nhau những món quà kỷ niệm chiến tranh với tấm lòng thành muốn sống trong hòa bình, hữu nghị cho cả con cháu. Hai cựu tử thù tạm biệt nhau với những cái nắm tay ấm tình người sau gần nửa thế kỷ. Tôi tin rằng đó là một kỷ niệm không thể nào quên đối với cựu phi công Plum, và nó có tác dụng lan tỏa tích cực nhất về Việt Nam giữa người thân, bạn bè của ông, cùng những người Mỹ nơi ông đang sinh sống.
Các cuộc gặp gỡ tiếp xúc tương tự giữa công dân hai nước vẫn đang được chắp nối. Tháng 2/2017, Hội Việt-Mỹ đã tổ chức giúp một cựu phi công Mỹ khác, C.Jackson và người nhà của ông, qua thăm Sơn La để được trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn đối với những ân nhân Việt Nam đã cứu sống ông cách đây cũng gần nửa thế kỷ…
Tấm lòng vị tha của người anh hùng đất Việt, những giọt nước mắt của hai bà mẹ Quảng Trị - Seattle, những lời nói, cử chỉ sám hối và tri ân của các cựu phi công Mỹ cũng như những người thân của họ, bao câu chuyện cảm động giữa những người dân bình thường hai nước là những việc làm và biểu hiện cụ thể vì một tương lai hữu nghị, hợp tác tốt đẹp của quan hệ Việt-Mỹ. Đó cũng chính là sức mạnh của đối ngoại nhân dân trong thời hội nhập và hòa bình.