📞

Phép màu Việt Nam đến từ đâu?

Kadrinka Kadrinova 11:49 | 12/09/2019
TGVN.Đây là bài viết của Kadrinka Kadrinova - nữ nhà báo nổi tiếng của Bulgaria (người đã ba lần đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại của Việt Nam) được đăng trên báo điện tử www.baricada.org nhân dịp 74 năm Quốc khánh Việt Nam. TG&VN trân trọng giới thiệu bản dịch của ĐSQ Việt Nam tại Bulgaria bài viết này tới quý bạn đọc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Bulgaria vào năm 1957. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria)

74 năm sau khi tuyên bố độc lập, Việt Nam không chỉ tiếp tục duy trì truyền thống từ ngàn xưa, mà còn đồng thời đương đầu thành công với các thách thức thời đại thông với nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Hàng nghìn người đã tập trung tại quảng trường Ba Đình tại trung tâm thành phố Hà Nội khi Lãnh tụ Hồ Chí Minh, cha đẻ của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, lãnh đạo của Cách mạng tháng Tám chống lại phát xít Nhật xâm lược, tuyên bố độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó Hà Nội trở thành Thủ đô của đất nước có chủ quyền.

74 năm sau, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được đổi tên vào năm 1976), đất nước đã trải qua nhiều thập kỷ thử thách và chiến tranh, đang tỏa sáng như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á và là một đối tác tin cậy trên trường quốc tế.

Nhiều người hiện nay đang phân tích “Phép màu Việt Nam” và cố gắng hiểu tại sao một đất nước vốn hứng chịu 7 triệu tấn bom của Mỹ trong giai đoạn 1964 – 1973 – gấp ba lần so với số bom được sử dụng trong toàn bộ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một đất nước đã bị đốt cháy bởi bom napal và bị đầu độc bằng chất độc dioxin, đã hồi sinh và phát triển, và con người với nụ cười và sự kiên trì luôn đạt được những đỉnh cao trong sản xuất hiện đại và phát triển kinh tế.

Phương tiện đi lại ưa thích của người dân Việt Nam là xe gắn máy. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Chính sách Đổi mới

Những thành tựu của dân tộc cần cù, chăm chỉ với nền văn hóa lâu đời là kết quả của chính sách phát triển nhà nước dựa trên chương trình Đổi mới được áp dụng cách đây 33 năm. Chính sách Đổi mới được phát triển và thông qua bởi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào năm 1986, trong đó tuyên bố chuyển hướng sang “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, tư nhân hóa, đầu tư nước ngoài. Mục tiêu là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Một loạt các bộ luật mới sau đó đã được thông qua như Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Bộ Luật lao động, Luật doanh nghiệp… Các tổ chức tài chính, ngân hàng, các thị trường tiền tệ lớn, các thị trường lao động, hàng hóa và bất động sản cũng được thành lập. Cải cách hành chính đã cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đơn giản hóa tối đa các thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo tính trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động.

Bằng cách này, chỉ trong vài năm Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói sau chiến tranh và giống như một con rồng không gì có thể ngăn cản, bay về phía trước. Từ chỗ liên tục thiếu hụt lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ hai trên thế giới, tạo ra những bước đột phá trên thị trường thế giới về xuất khẩu hải sản, chè, cao su…, nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu giày dép hàng đầu trên thế giới thông qua hợp đồng với một loạt các thương hiệu toàn cầu, điều này hoàn toàn đi ngược lại với hình ảnh người dân Việt Nam trong quá khứ chủ yếu sử dụng dép lốp cao su.

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa

Giai đoạn tiếp theo của chương trình Đổi mới đã kích thích công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nếu trong năm 1990, tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng là 22,7% thì năm 2005 con số này đã đạt đến 41,4%. Đầu tư nước ngoài đang phát triển nhanh chóng. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang tích cực sử dụng lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản của Việt Nam để sản xuất máy biến áp, máy in, máy tính, máy scan, máy ảnh, điện thoại di động tại Việt Nam. Thậm chí, các sản phẩm smartphone và máy tính bảng của Samsung hiện này chủ yếu được sản xuất ở Việt Nam. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam ước tính đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.

Keangnam, tòa nhà cao nhất Hà Nội hiện nay. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Năm 2006, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đến 2008, tăng trưởng GDP là khoảng 8% mỗi năm. Sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn khoảng 5%, vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nhưng nhờ các biện pháp bình ổn của chính phủ, mức tăng trưởng trung bình trong 3 năm qua là 6-7%, trong đó năm 2018 đạt 7,08%. Sau một thời gian tạm thời bị thu hẹp vì khủng hoảng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng trở lại và vượt 19 tỷ USD trong năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2019 FDI đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một loạt các biện pháp cũng đang được thực hiện để tạo điều kiện giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và để kích thích thị trường trong nước. Đất nước đang đạt được tiến bộ nhanh chóng hướng tới mục tiêu đã đề ra để nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp phát triển, hiện đại với nền tảng chính trị và xã hội ổn định.

Để đánh giá thành tựu cải cách kinh tế của Việt Nam có thể làm một so sánh thú vị. Nếu thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam ở mức 100 USD khi ra mắt chương trình Đổi mới vào năm 1986 thì đến năm 2018 con số này là 2587 USD.

Các cải cách năng động tiếp tục được áp dụng, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, sáng tạo và công nghệ mới, vào phát triển nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, vào các ngành công nghiệp cạnh tranh và thân thiện với môi trường tiếp tục được quan tâm. Vào tháng 10 năm 2018, hai thương hiệu xe hơi đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã ra mắt tại Paris Motor Show.

Vấn đề hội nhập quốc tế cũng được chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, năm 1998 gia nhập Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), năm 2007 gia nhập WTO. Năm 2016 Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bất chấp việc Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2017, theo sáng kiến của phía Việt Nam, TPP đã được bổ sung, sửa đổi để yêu cầu các nước thành viên đầu tư vào các chương trình xã hôi và môi trường, tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững. Năm 2019, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đã đi vào hiệu lực trong đó đóng góp của Bulgaria với vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào trong sáu tháng đầu năm 2018 đã thúc đẩy việc hiệp định được phê chuẩn nhanh hơn.

Di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Kỳ quan và huyền thoại

Bí mật của "phép màu Việt Nam" chắc chắn là ở chính người Việt Nam – sự kết hợp của tinh thần tiên và rồng. Theo truyền thuyết cổ xưa, quốc gia Việt Nam được sinh ra từ tình yêu giữa Lạc Long Quân, vị thần rồng cai trị biển cả và nàng Âu Cơ, giống phượng hoàng trị vì nơi rừng xanh. Do đó, Việt Nam không thể bị ngăn cản như một con rồng và luôn vươn lên từ đống tro tàn như phượng hoàng.

Rồng cũng xuất hiện trong truyền thuyết về việc lựa chọn Hà Nội làm thủ đô bởi vua Lý Thái Tổ vào năm 1010. Truyền thuyết kể rằng sau khi thuyền của vua Lý Thái Tổ đến gần thành Đại La (tên gọi cũ của Hà Nội), một con rồng vàng đã xuất hiện và bay lên. Chính vì lý do này vua Lý Thái Tổ đã lựa chọn thành Đại La làm thủ đô và đổi tên thành Thăng Long. Thành phố mang tên Thăng Long trong một thời gian dài trước khi đổi tên một vài lần.

Kể từ năm 1831 đến nay thành phố mang tên Hà Nội, nghĩa là thành phố trong lòng sông. Tên gọi này được sử dụng do ba con sông lớn quấn quanh thành phố ở phía đông, phái bắc và phí nam là sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu cùng một loạt các ao hồ làm tăng thêm sự quyến rũ và tươi mát của thành phố.

Hà Nội – tấm gương của những thành công ngày nay và những giá trị cổ xưa

Ngày nay, Hà Nội là một đô thị hiện đại với 6,5 triệu người đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và minh họa cho sự phát triển của Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Hà Nội cao gần gấp đôi so với toàn quốc. Những cây cầu mới, đường phố, khu dân cư, tòa nhà văn phòng và cơ sở hạ tầng đang được xây dựng.

Chùa Một cột – một trong những biểu tượng của Hà Nội. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Trong nhiều năm, niềm tự hào của thành phố là cây cầu sáu làn đường do Nhật Bản xây dựng mang tên Nhật Tân (Cầu hữu nghị Việt – Nhật) và tòa nhà chọc trời cao 350 có trị giá 700 triệu USD, được xây dựng bởi tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc.

Hà Nội cũng tự hào về các di tích lịch sử và văn hóa phản ánh lịch sử hàng ngàn năm của thành phố - năm tới Hà Nội sẽ kỷ niệm 1010 năm kể từ khi thành lập. Năm 2010, lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đươc tổ chức đặc biệt long trọng. Đỉnh cao của lễ hội là buổi lễ tại tượng đài Lê Thái Tổ. Tại đây, Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ, Irina Bokova, đã trao cho Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo quyết định công nhận di tích thành Thăng Long là di sản văn hóa của nhân loại.

Một trong những biểu tượng phổ biến nhất của Hà Nội là chùa Một Cột nổi tiếng. Ngôi chùa đã ở tuổi 905 trước khi bị thực dân Pháp phá hủy vào năm 1954 nhưng sau đó đã được xây dựng lại. Theo truyền thuyết, chùa được dựng lên tại nơi hoàng đế trẻ Lý Thái Tông, con trai của vua Lý Thái Tổ, thường đến cầu nguyện để sinh được một hoàng tử.

Xúc động trước lòng thành của vua Lý Thái Tông, Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên đài sen đã hiện lên trên mặt hồ và trao cho nhà vua một cậu bé. Không bao lâu sau hoàng đế đã kết hôn và có một đứa con trai. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1049 ông đã xây dựng một ngôi chùa tượng trưng cho hoa sen – hồ được xây trên một cây cột mọc lên giữ một hồ nước. Ngày nay, ngôi chùa là điểm dừng chân ưa thích của mọi khách du lịch tại Hà Nội.

Ký ức về Bác Hồ

Trong khu vực gần với chùa Một cột là ngôi nhà sàn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, cách không xa Phủ Chủ tịch. Nhà sản chỉ có hai phòng – một phòng ngủ và một phòng làm việc. Tại tầng dưới, Bác Hồ thường họp Hội đồng Bộ trưởng.

Người dân Việt Nam sau khi thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Người ta nói rằng chính Bác Hồ (cách gọi thân thương mà người dân Việt Nam dùng để xưng hô với người cha đẻ của nền độc lập Việt Nam) đã vô cùng khiêm tốn và muốn được hỏa táng sau khi mất và tro của Người sau đó được rải tại ba điểm cao nhất ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Tại các địa điểm này sẽ xây những ngôi chùa nhỏ để mọi người đến thăm có thể thắp hương và trồng cây.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã mất khi bom Mỹ vẫn rơi xuống Việt Nam và kế hoạch của Người đã không thể được thực hiện. Các đồng chí đã đưa Người vào trong lăng. Mãi đến khi chiến tranh kết thúc, một ngôi chùa nhỏ mới được xây dựng trên một trong những đỉnh núi của dãy Ba Vì nằm gần Hà Nội gần Hà Nội như mong muốn của Bác.

Ngày nay, người Việt thường nói rằng mô hình xã hội mà Hồ Chí Minh truyền cảm hứng và muốn xây dựng cho quê hương là "chủ nghĩa xã hội Phật giáo". Và đa số tin rằng đó chính xác là những gì đang được xây dựng. Và các chuẩn mực đạo đức Phật giáo - chẳng hạn chúng ta không nên chỉ thỏa mãn với hạnh phúc của bản thân nếu thiếu sự hòa hợp chung, nếu những người xung quanh không có hạnh phúc và chúng ta cần đề cao sự thịnh vượng chung – đó là nguyên tắc đạo đức hàng đầu đối với mọi người dân Việt Nam.

Trấn Quốc là ngôi chùa lâu đời nhất tại Hà Nội. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Tại Hà Nội có tổng cộng khoảng 400 đền, chùa. Ngôi chùa lâu đời nhất được xây dựng vào thế kỷ thứ 6. Đây là Trấn Quốc, cao 11 tầng, được xây dựng bằng gạch đỏ. Lúc đầu, chùa nằm ngay bên bờ sông Hồng, nhưng vì nguy cơ lũ lụt, chùa đã được di dời đến vị trí hiện nay trên một hòn đảo ở Hồ Tây đẹp như tranh vẽ.

Hồ Hoàn Kiếm

Bên cạnh khu phố cổ với vô số các cửa hàng là một hồ nước khác có tên gọi Hoàn Kiếm. Những con phố xanh ngát bóng cây xung quanh bờ hồ là một địa điểm yêu thích cho những buổi đi chơi gia đình và gặp gỡ của các đôi uyên ương.

Tháp Rùa tại Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Truyền thuyết kể rằng Lê Lợi, anh hùng khởi nghĩa nông dân vào đầu thế kỷ 15 chống lại sự thống trị phương Bắc của triều đại nhà Minh Trung Quốc, đã đánh bại quân xâm lược sau khi được rùa thần hiện ra từ dưới lòng hồ trao cho gươm báu. Sau khi đánh bại kẻ thù rùa thần đã hiện lên đòi lại gươm báu.

Vua Lê Lợi đã trả lại bởi theo truyền thống sau chiến thắng vũ khí nên được bỏ xuống để không cám dỗ người lãnh đạo trở thành bạo chúa. Đây chính là lý do khiến hồ mang tên Hoàn Kiếm. Ở giữa lòng hồ, tháp rùa xuất hiện trên một hòn đảo nhỏ. Người Hà Nội tin rằng loài lưỡng cư khôn ngoan vẫn sống ở phía dưới, và thậm chí cho rằng họ thường thấy nó nổi lên mặt nước.

Rùa và rắn cũng là biểu tượng của Trấn Vũ, một trong bốn vị thần bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đền Trấn Vũ nằm không xa hồ Tây và tương truyền là do vua Lê Thái Tổ, người sáng lập Hà Nội, dựng lên. Tượng Trấn Vũ được làm bằng đồng đen, cao gần 4m và nặng 4 tấn.

Những dấu ấn của người Mỹ

Trong những năm chiến tranh Việt Nam tàn khốc, khi người Mỹ đánh bom không thương tiếc Hà Nội và cảng Hải Phòng, tất cả những lời cầu nguyện, tất nhiên, là vì hòa bình và chiến thắng kẻ xâm lược. Trong sân của Bảo tàng Quân đội ngày nay có một đống kim loại gồm các phần còn lại của máy bay Mỹ bị bắn hạ trong cuộc chiến tranh ở thủ đô.

Xác máy bay Mỹ tại Bảo tàng Quân đội. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Bên bờ Hồ Tây, một tượng đài khác nhắc lại rằng trong năm 1967 máy bay của Mỹ do John McCain điều khiển đã bị bắn rơi bởi bộ đội phòng không Việt Nam.Ông đã trải qua năm năm bị giam cầm tại Việt Nam và được thả ra sau Hiệp định Paris năm 1973. Nhiều năm sau, với tư cách là thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, McCain đã giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt.

Cho đến năm 1994, quan hệ giữa hai nước đã bị cản trở bởi lệnh cấm vận của Mỹ và sự nghi ngờ vô căn cứ rằng Việt Nam vẫn đang bí mật che giấu tù binh Mỹ. McCain, cùng với Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kerry, cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam và là người đứng đầu một ủy ban đặc biệt, đã kiểm tra hàng tấn tài liệu lưu trữ và tìm kiếm khắp Việt Nam để thấy rằng không có tù nhân.

Lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ, quan hệ giữa Washington và Hà Nội đang được khôi phục, các chuyến thăm cấp cao đang được trao đổi, một thỏa thuận thương mại đã được ký kết. Hôm nay, tại Hà Nội McCain và Kerry được xem là "những người bạn tuyệt vời của Việt Nam". Các mối quan hệ chính thức hiện tại với Mỹ rất tốt - ngay cả trong thời của Donald Trump.

Tượng đài được dựng bên bờ hồ Tây đánh dấu địa điểm John McCain bị bắt giữ. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Dân số có trình độ học vấn cao

Các nhà đầu tư từ bên ngoài bị thu hút bởi sự phát triển nhanh chóng của đất nước và luật pháp thuận lợi, cũng như bởi dân số trẻ và được giáo dục tốt. Tỷ lệ biết chữ của người Việt là 95% và 65% dân số ở độ tuổi dưới 35.

Số lượng sinh viên là hơn 5 triệu trong tổng số hơn 90 triệu người. Có các cơ sở giáo dục đại học địa phương được tổ chức tốt, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng (một trong những hiệu trưởng của trường là ông Nguyễn Văn Hùng đã từng có thời gian học tập nghiên cứu tại Bulgaria)... Nhiều tổ chức giáo dục đại học nước ngoài có uy tín đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam cũng tiếp tục truyền thống du học nhưng thay vì các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, giới trẻ hiện nay thường lựa chọn Australia, Anh, Mỹ, Singapore…

65% dân số ở độ tuổi dưới 35. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Một thời, Bulgaria cũng là điểm đến của nhiều sinh viên Việt Nam. Trong quá khứ hơn 30 000 người Việt Nam đã học tập và nghiên cứu tại Bulgaria. Nhiều người trong số này đã nắm giữ các vị trí cấp cao trong các cơ quan nhà nước và luôn luôn có mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước. Điển hình trong số này là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Bulgaria đã không nắm bắt kịp thời các lợi thế này trong quan hệ giữa hai nước. Các chính khách Bulgaria đã đến thăm Hà Nội trong những năm gần đây (hai tổng thống, hai thủ tướng, hai chủ tịch quốc hội), họ đã được tiếp đón ấn tượng nhưng họ không giúp đỡ nhiều trong việc đưa quan hệ song phương trở lên thực chất hơn.

Lối vào Văn Miếu. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Bất chấp truyền thống đã có từ thời xã hội chủ nghĩa khi Bulgaria giúp xây dựng 134 nhà máy tại Việt Nam và các sáng kiến hiện nay trong đó các doanh nghiệp lớn của Việt Nam quan tâm đến việc đầu tư vào nông nghiệp tại Bulgaria, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn còn bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Đáng buồn nhất là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Nếu các nước xã hội chủ nghĩa khác cũ như Hungary tích cực hỗ trợ trao đổi sinh viên và học tập tại các trường đại học Hungary bằng cách trao học bổng cho khoảng 100 sinh viên Việt Nam hàng năm thì số học bổng mà Bulgaria trao tặng cho Việt Nam giảm xuống chỉ còn 1 chỉ tiêu mỗi năm.

Đây nội dung của thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Một ví dụ tiêu biểu cho mức độ tư duy chiến lược trong các cơ quan công quyền của Bulgaria (hay đúng hơn là không tồn tại khái niệm này trong các cơ quan nhà nước của Bulgaria).

Giới trẻ Việt Nam ăn mừng tốt nghiệp tại dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. (Ảnh: Kadrinka Kadrinova)

Về phần mình, Việt Nam mong muốn thế hệ tương lai được đào tạo trong các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ca ngợi tinh thần học hỏi của sinh viên Việt Nam trong một bài phát biểu nhân chuyến thăm vào năm 2017.

Tinh thần hiếu học, yêu khoa học của Việt Nam không phải mới có từ hôm qua. Văn Miếu, nằm ở trung tâm Hà Nội ngày nay, được thành lập năm 1079 là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Trên các bia đá tại Văn Miếu vẫn lưu giữ tên của các tiến sĩ Việt Nam cho đến nay.

Tinh thần hiếu học từ ngàn xưa vẫn được thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay kế thừa. Đây là một yếu tố không thể tách rời của hình ảnh mới của Việt Nam trong quá trình xây dựng hình ảnh toàn cầu của mình.

(theo www.baricada.org)