Đám thanh niên Anh điên cuồng đập phá các cửa hàng trên đường phố London. |
Nếu như các cuộc biểu tình diễn ra ở các nước Ảrập đều được xem là nhằm xây dựng một trật tự dân chủ mới, thì ở Anh, nhìn bề ngoài, những người nổi loạn dường như chỉ thể hiện “sự hận thù cảnh sát”.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một sự liên hệ giữa đám thanh niên, những người đầu tiên tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát ở Bắc London hôm 6/8 để phản đối việc một viên cảnh sát đã bắn chết nam thanh niên da đen 29 tuổi, và những người nổi loạn ở thị trấn Sidi Bouzid của Tunisia sau khi một người bán trái cây tự thiêu hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Những yếu tố chung đó là tỷ lệ thất nghiệp cao, là sự oán giận tầng lớp thượng lưu mà họ không thể với tới và cả sự hận thù cảnh sát. Trong trường hợp của Anh, cũng như ở một số nước Ảrập, rắc rối được tiếp thêm năng lượng bởi những căng thẳng về sắc tộc và văn hóa.
Cũng như ở Trung Đông, các nhà lãnh đạo Anh đều bất ngờ trước bất ổn bùng nổ. Từ đồn cảnh sát ở Tottenham, chỉ trong 3 đêm đầu tiên, bạo động đã lan khắp London và nhiều thành phố khác. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi phản ứng của Anh trước tình trạng bất ổn lại khác hoàn toàn so với các nước Ảrập. Cho đến đêm bạo động thứ tư, cảnh sát đã bắt giữ hàng trăm người, nhưng không làm ai thiệt mạng. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã bỏ dở kỳ nghỉ để về nước trực tiếp chỉ đạo chống bạo động. Cụ thể, ông đã trấn an người dân sau khi triển khai 16.000 cảnh sát tại những khu vực điểm nóng.
Tình hình nước Anh giờ đã tạm yên, nhưng để giải quyết triệt để không phải dễ. Vậy nguyên nhân sâu xa của cuộc bạo động nằm ở đâu?
Khủng hoảng kinh tế-xã hội
Vụ người lái xe taxi da màu Mark Duggan, 29 tuổi, bị cảnh sát bắn chết, được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làn sóng bạo loạn, thực ra chỉ là cái cớ để những vấn đề xã hội và cộng đồng âm ỉ bấy lâu ở Anh bùng phát. Phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp thứ 2 của Ủy ban an ninh COBRA về cuộc khủng hoảng chính trị xã hội hiện nay, Thủ tướng Cameron cho rằng nguyên nhân của các vụ bạo lực vừa qua là sự vô trách nhiệm, thiếu các chuẩn mực đạo đức và hệ thống an sinh xã hội còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, chính phủ cần điều chỉnh một số quy định giáo dục giới trẻ ở gia đình, nhà trường và các thiết chế xã hội khác.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 13/8, Thủ tướng một lần nữa khẳng định: sự thiếu hụt một nền tảng gia đình vững chắc chính là nguyên nhân khiến xã hội Anh rơi vào bất ổn. “Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ những thanh thiếu niên tham gia bạo động không quan tâm tới con cái, để chúng tự làm những gì chúng muốn” - ông Cameron đã nhận định khi không thừa nhận những bất ổn hiện nay là do yếu tố kinh tế hay chính trị, mà do văn hóa.
Về phần mình, các nhà xã hội học cho rằng nguyên nhân sâu xa là do một bộ phận giới trẻ ở các thành phố có quá nhiều thời gian thừa thãi, một phần do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và họ bị tách khỏi các hoạt động cộng đồng chung. Ngoài ra, còn do thực trạng các gia đình không kiểm soát được con cái mình, dẫn tới những hành động gây tổn hại cho xã hội. Thực tế, theo ông Boris Kagarlitsky, Giám đốc Viện Toàn cầu hóa và động thái xã hội, phần lớn những người tham gia bạo loạn và bị bắt đều ở tuổi thanh, thiếu niên.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại nhìn nhận nguyên nhân của bạo loạn ở Anh bắt nguồn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát. Cựu Thị trưởng London Ken Livingstone dẫn chứng: “Cuộc sống khó khăn tác động lên tầng lớp thanh niên. Bạn hãy vào một trường cao đẳng, ở đó chỉ một nửa sinh viên đủ điều kiện theo học vào năm 2012. Phần còn lại sẽ phải bỏ học do học phí quá cao”. Còn theo Reuters, phần lớn phần tử bạo động đến từ những khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao, các dịch vụ xã hội bị cắt giảm. Họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tottenham là ví dụ, 90% dân số nơi đây là người nhập cư đến từ các thuộc địa cũ của Anh ở châu Phi và cũng là quận có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất London.
Bê bối cảnh sát
Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia lại cho rằng, làn sóng bạo động tại Anh phản ánh “khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với cảnh sát”.
Thực tế, nguyên nhân trực tiếp khai mào làn sóng bạo loạn tại Anh là từ cái chết của người lái taxi da màu Mark Duggan hôm 4/8. Sau cuộc điều tra ban đầu, cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước mà bị cảnh sát bắn chết. Vì vậy, người nhà của Duggan mới nổi giận đi đòi công lý.
Điều đặc biệt là vụ việc này lại xảy ra giữa lúc cơ quan cảnh sát đang bị nghi ngờ tham nhũng trong vụ nghe lén của tờ báo News of the World. Do vụ tai tiếng này mà cảnh sát Anh mất cùng một lúc hai người đứng đầu. Sự rối loạn bộ máy hành chính cũng giải thích phần nào vì sao cảnh sát Anh không nhanh nhạy trong việc đối phó với bạo động.
Thêm nữa, việc Thủ tướng Cameron chỉ định ông Bill Bratton - 63 tuổi, cựu chỉ huy cảnh sát Los Angeles và New York (Mỹ) trở thành cố vấn chính phủ về tội phạm đường phố, đã manh nha tạo ra một bất ổn khác giữa chính phủ và cảnh sát. Các lãnh đạo cảnh sát gọi kế hoạch “nhập khẩu chất xám xử lý bạo động” từ Mỹ của chính phủ là một “cú tát” và là một “sự sỉ nhục” đối với họ.
Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì cuộc bạo loạn bùng phát tại Thủ đô London cũng là một tín hiệu cảnh báo Anh với nhiều nguy cơ khác có thể xuất hiện. Tình hình nước Anh đã trở lại bình thường sau khi cảnh sát bắt giữ hơn 2.000 người, khởi tố hơn 1.000 người, nhưng việc giải quyết những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế, nguyên nhân sâu xa của bạo loạn mới là thách thức dài hạn đối với Chính phủ Anh.
Viên Hòa (tổng hợp)