Nói về quan hệ Việt - Mỹ, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu nói của cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt rằng: “Có lòng tin là đã đi được nửa đường", để lạc quan vào quan hệ hai nước.
Từ cựu thù thành đối tác
Vào thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đa số người dân Mỹ mới chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh hơn là một đất nước. Nhưng ngày nay, hai tiếng Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong đời sống thường nhật của họ. Hiếm có siêu thị lớn nào xứ cờ hoa mà không có hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, từ nông sản, giày dép cho đến các mặt hàng thiết yếu khác...
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Trợ lý Tổng thư ký LHQ Asako Okai (bên trái) đồng chủ trì hội thảo, ngày 26/3 tại New York, Mỹ. (Ảnh Yên Ba) |
Mở cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế Hội thảo “Việt Nam: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực vì hòa bình và phát triển bền vững” do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 và bà Asako Okai, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Phó Tổng giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Giám đốc Vụ Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng chủ trì. Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng với những cuộc chiến tranh diễn ra liên miên trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là một trong số những quốc gia phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một biểu tượng cho những nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân, Chính phủ trong nước, của sự hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt là với sự giúp đỡ của LHQ, UNDP, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam, đã có những bước tiến vượt bậc trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, biến Việt Nam thành một đất nước bình yên và an toàn. “Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra một cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam”-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ trong phát biểu khai mạc hội thảo. Tiếp đó, bà Asako Okai cho biết tháng 6/2017, UNDP và Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD) đã thực hiện nghiên cứu với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động bom mìn và Mục tiêu phát triển bền vững” cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hành động bom mìn và một loạt các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, một điều kiện tiên quyết để hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình Nghị sự 2030. Tuy vậy, nhìn về phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm giảm bớt những rủi ro, xây dựng tương lai phát triển cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, tăng cường sự hợp tác ở cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tại Hội thảo, các bài tham luận của Việt Nam tập trung vào việc tái thiết và xây dựng hòa bình, các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn và dioxin, cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ. Các bài phát biểu nhấn mạnh rằng hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất nặng nề. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm xử lý bom mìn, chất độc hóa học/dioxin, quy tập hài cốt liệt sỹ, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh là lĩnh vực luôn được được Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm. Bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân, làm sạch môi trường để phát triển kinh tế, xã hội bền vững là những ưu tiên hàng đầu. |
Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc từng chia sẻ tại một sự kiện đối ngoại tại Hà Nội rằng, với bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, càng thấy giá trị hết sức có ý nghĩa của những gì hai nước đã giành được từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay. Việt Nam, Mỹ thực sự đã đi được một chặng đường dài trên hành trình hòa giải vốn không dễ dàng.
“Để có được thành công của ngày hôm nay, hai nước đã có nhiều bài học từ quá khứ. Nhưng những bài học lịch sử đó cũng có giá trị thật lớn lao, chúng dạy hai bên thôi nhìn nhau qua lăng kính của người khác, để xóa đi những hiểu lầm, vốn bị bao phủ bởi những lớp mây mù. Hai bên đã học được cách nhìn vào nhau để nhận ra nhau thật rõ rằng, hai bên không phải là kẻ thù của nhau. Chỉ khi cùng bắt tay nhau, nhận biết rõ về nhau, chúng ta mới ‘chấp nhận nhau’, để rồi hai bên tiến tới xây dựng mối quan hệ bạn bè, đối tác”, Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định.
Nhiều người cho rằng, hai nước đã can đảm vượt qua chính mình, bước qua ranh giới chia rẽ hai bên, từ cựu thù thành bè bạn, rồi trở thành đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Hợp tác từ đây trải rộng trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, từ song phương, đến khu vực và toàn cầu. Hợp tác trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh như tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn... cũng là lĩnh vực mà cả hai bên đều chân thành tìm đến với nhau, là điểm nhấn trong quan hệ hai nước.
“Điểm sáng” và sự khởi đầu tốt đẹp
Quá khứ đâu dễ quên, nhất là khi bị in hằn bởi những vết sẹo do chiến tranh để lại nhưng với tư duy luôn hướng về phía trước, Việt Nam và Mỹ đã và đang nỗ lực rất nhiều để vượt lên trên quá khứ và định hình quan hệ tương lai. Với tinh thần khoan dung, nhân đạo, Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Mỹ trong việc tìm kiếm MIA. Đây được coi như một “điểm sáng” và minh chứng cho sự khởi đầu tốt đẹp trong quá trình hai nước từ “cựu thù” đến đối tác như hiện nay.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, đã có khoảng hơn 700 bộ hài cốt quân nhân Mỹ mất tích được phía Việt Nam trao trả cho Mỹ. Ngược lại, Chính phủ Mỹ, các tổ chức cựu chiến binh, cũng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích.
Trong số 700 bộ hài cốt ấy, có khi chỉ là một mẩu xương và phải mất hơn 2 thập kỷ mới có thể tìm thấy. Đó là câu chuyện của hành trình tìm kiếm hài cốt của Sĩ quan James B. Mills, phi công của hải quân Mỹ, bị bắn rơi trên vùng trời Nghệ An vào năm 1966. Tất cả được lưu lại trong một đĩa DVD dài 12 phút với đề tựa “Hành trình 24 năm” do kênh Truyền hình Quốc phòng phối hợp với Công ty sản xuất điện ảnh M21 thực hiện. Vừa qua, đĩa DVD này đã được Đại sứ Hà Kim Ngọc trao cho bà Ann Griffiths, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các gia đình của tù binh và người mất tích Mỹ. Bà cũng chính là em gái của Sĩ quan James B. Mills.
Khác với thường lệ bà Ann Griffiths đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để trao đổi về công việc. Ngày 19/3, bà đến xem “bộ phim” dài 12 phút nói trên. Ngồi cạnh Đại sứ Hà Kim Ngọc, bà Ann Griffiths chăm chú xem. Có một lúc, dường như không kìm nén được xúc động, bà quay sang Đại sứ Hà Kim Ngọc như để tìm kiếm một sự chia sẻ rồi tiếp tục nhìn vào màn hình. Khi đèn bật sáng trở lại, bà Ann Griffiths ngồi lặng. Tất cả những người có mặt trong phòng cũng im lặng, bởi hiểu rằng bà đang xúc động. "Quả thật đúng là một chuyện viễn tưởng đã trở thành sự thật!", bà nói.
Tâm trạng xúc động của bà Ann Griffiths cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình Mỹ có người thân được “trở về” nhờ sự hợp tác và chính sách nhân đạo của Việt Nam. Bởi để có những kết quả này, cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược cùng với niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ: "Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá cao về sự hợp tác của chúng ta trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Có thể nói, đây là một lĩnh vực hợp tác mà chúng ta rất tự hào. Chúng ta làm vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm và cũng vì xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác với Mỹ".
Trong thời gian tới, hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện tìm kiếm khoảng 200.000 liệt sỹ, bộ đội Việt Nam và các quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Công việc cực kỳ khó khăn do thời gian quá lâu, nhiều trường hợp đã trên 50 năm, lại tập trung ở những địa bàn khó khăn như trên núi cao, trong rừng rậm, biển sâu hoặc chưa xác định được hiện trường. Nhưng chắc chắn, quá trình này chưa dừng lại mà sẽ còn tiếp tục trong những năm trước mắt, hứa hẹn giúp giảm bớt nỗi đau của các thân nhân, đồng thời góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.