Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng, thưa ông?
IPU-132 diễn ra tại Hà Nội từ 28/3-1/4/2015 là Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai tổ chức. Con số gần 2.000 khách quốc tế của 169 đoàn, trong đó hơn 100 vị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội từ khắp năm châu lục tham dự IPU-132 tại Hà Nội đã nói lên được quy mô và tầm vóc của sự kiện này.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đánh giá đây là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua của IPU và cho rằng nước chủ nhà Việt Nam đã nâng tầm của một kỳ Đại hội đồng IPU về mọi phương diện: về mặt chủ đề hội nghị, chương trình nghị sự, công tác tổ chức, hậu cần và đặc biệt là tình cảm chân thành, đón tiếp trọng thị mà các vị Lãnh đạo và người dân Việt Nam đã dành cho các đại biểu, khách mời tham dự IPU-132.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thành công của IPU-132 nâng cao uy tín, vị thế IPU. Đây là sự kiện chính trị, đối ngoại lớn tạo dấu ấn về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển, yêu chuộng hòa bình, mến khách trong lòng bạn bè quốc tế. Chủ đề của IPU-132 do Việt Nam đề xuất rất hội tụ, phản ánh được mong muốn của nghị sỹ, nghị viện các nước và có tính thời sự cao.
Theo ông, nước ta đã có những đóng góp như thế nào về sự thành công về mặt nội dung của IPU-132?
Chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng về việc xác định chủ đề của IPU-132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững – Biến lời nói thành hành động”. Chủ đề này nhận được sự đồng thuận của các nước và sự nhất trí của Đại hội đồng IPU-132 vì nội dung nghị sự đặt ra phù hợp với ưu tiên của IPU, hài hòa lợi ích quốc gia với khu vực và quốc tế, trong đó có việc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, toàn bộ nội dung thảo luận của IPU-132 đã được kết tinh trong Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn kiện quan trọng nhất của IPU-132, tổng kết những kết quả thảo luận của Đại hội đồng, thể hiện tầm nhìn về một chương trình phát triển mới của nhân loại, từ các mục tiêu thiên niên kỷ đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury. |
Tuyên bố Hà Nội phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của nghị viện đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015.
Đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình quốc tế gần đây có nhiều phức tạp, trong đó có diễn biến căng thẳng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ tại Biển Đông, việc Tuyên bố Hà Nội khẳng định lại việc giải quyết các tranh chấp cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đối với Việt Nam, Tuyên bố Hà Nội thể hiện sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Quốc hội Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Việt Nam đã có sự đón tiếp nồng hậu, luôn dành tình cảm tốt đẹp cho các đoàn khách quốc tế. Với những nội dung thảo luận, IPU lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Những kỳ IPU trước, chúng tôi miêu tả, lồng ghép những vấn đề của Nghị viện. Lần này có cách tiếp cận mới, đó là đưa ra giải pháp hơn là xác định vấn đề. Đây là xu thế mới của IPU. Mỗi nghị quyết được thông qua, chúng tôi mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân. Xu hướng này được diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Hà Nội là dấu mốc mà nhận thức và cách tiếp cận của chúng ta đã thay đổi. Người dân được đặt vào trung tâm, biến lời nói thành hành động. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury |
Với gần 2.000 khách quốc tế đến tham dự IPU-132, Ban tổ chức gặp phải những vấn đề gì trong công tác tổ chức, thưa ông?
Chúng ta rất mừng là IPU-132 tổ chức tại Việt Nam có sức hấp dẫn vô cùng lớn với gần 2.000 khách quốc tế đến dự. Số lượng đại biểu vượt hẳn so với dự kiến ban đầu đã đặt ra cho Ban tổ chức của IPU-132 rất nhiều việc, nhất là trong công tác lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế... Việc gì cũng phải chu đáo và phải chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất với yêu cầu cao về mặt lễ tân đối ngoại. Trong thành công chung của sự kiện này, có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ liên lạc viên, tình nguyện viên, phiên dịch viên và các cán bộ trong Ban điều hành phương tiện…
Vai trò của các phiên dịch viên đã được đánh giá cao. Tôi còn nhớ, tại phiên bế mạc, Chủ tịch IPU Chowdhury đã đề nghị toàn thể Đại hội đồng vỗ tay tán thưởng và cảm ơn tất cả các phiên dịch viên đã tham gia phục vụ trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Tại IPU-132, chúng ta đã bố trí các thiết bị phiên dịch theo yêu cầu của Ban thư ký IPU và huy động gần như toàn bộ lực lượng phục vụ dịch cabin các thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Arab, Bồ Đào Nha, Trung, Nhật, Nga, Hàn Quốc và Italy. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã huy động một lực lượng lớn các phiên dịch viên từ nhiều đơn vị khác nhau để phục vụ cho gần 100 cuộc gặp song phương...
Ban điều hành phương tiện phục vụ cho IPU-132 cũng phải bố trí rất đa dạng hình thức vận chuyển như xe buýt đưa đón các đại biểu, xe cho đại biểu tự thuê, xe cho các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội... Mật độ phương tiện giao thông ở Hà Nội rất cao nên Ban điều hành phải rất linh hoạt, chủ động trong quá trình phối hợp và sắp xếp đội hình xe nhằm đảm bảo an toàn, đúng giờ cho các đại biểu đến tham dự các sự kiện...
Từ trước đến nay, chưa có sự kiện nào ở Việt Nam mà quy mô các hoạt động nghi lễ khánh tiết lại lớn như lần này. Ba tháng trước ngày khai mạc IPU-132, Ban tổ chức đã rà soát tất cả các khách sạn ở Hà Nội rồi từ đó, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các khách sạn lớn trong phạm vi bán kính 3km từ Trung tâm Hội nghị quốc gia là nơi diễn ra các phiên họp của IPU-132 là khoảng cách mà Ban thư ký IPU yêu cầu; đồng thời, tìm hiểu kỹ thông tin về phong tục, tôn giáo, khẩu vị và nhu cầu đặc biệt của từng đại biểu để triển khai phục vụ chu đáo.