Phiên thảo luận do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ HĐBA LHQ đồng thời cũng là sự kiện đối ngoại đa phương mở màn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt cho biết: “Đây là sự kiện quan trọng nhất trong tháng 4/2021 Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA LHQ nói riêng và cả nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực (UVKTT) HĐBA nói chung”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” ngày 8/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cùng san sẻ trách nhiệm với LHQ
Từ năm 1992, hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực ngày càng được quan tâm thảo luận trong Chương trình nghị sự của HĐBA. Tới nay, HĐBA đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận, tham vấn và thông qua các Nghị quyết và văn kiện, qua đó thể chế hóa một số hoạt động hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 2167 (2014) của HĐBA đã nêu nội dung khuyến khích các tổ chức khu vực tăng cường tham gia vào các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và trung gian hoà giải. Tuy nhiên, HĐBA chưa có văn kiện cụ thể về mối liên hệ giữa xây dựng lòng tin, đối thoại và ngăn ngừa xung đột.
Trong khi đó, tình hình xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Vấn đề ngăn ngừa xung đột dần được quy định, thể chế hóa trong những văn kiện chính sách, cơ quan trực thuộc của các tổ chức khu vực. Do đó, các tổ chức khu vực ngày càng chú trọng tăng cường vai trò nhằm chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng với LHQ và cộng đồng quốc tế trong ngăn ngừa xung đột và ổn định tình hình khu vực.
| Phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021 Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp Việt Nam lần thứ ... |
Lòng tin là chìa khóa
Các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại là một trong các nhóm công cụ ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại HĐBA. Các biện pháp xây dựng lòng tin được sử dụng để tránh việc hai hoặc nhiều bên hiểu nhầm mục đích, chính sách của nhau (từ đó dẫn đến mâu thuẫn, xung đột) và thúc đẩy hợp tác.
Các biện pháp xây dựng lòng tin góp phần củng cố các quan hệ song phương và đa phương thông qua thiện chí, trao đổi thường xuyên với nhau, cung cấp thông tin một cách minh bạch.
Ở cấp độ khu vực, các tổ chức khu vực đã triển khai nhiều biện pháp đối thoại, xây dựng lòng tin thông qua việc thành lập các quỹ với mục đích xây dựng hòa bình, giải quyết xung đột, ký kết các hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận, tuyên bố khu vực, trao đổi đoàn, tiến hành đàm phán… nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, giải quyết xung đột tại khu vực.
Mặc dù HĐBA LHQ đã tổ chức một số phiên thảo luận về xây dựng lòng tin như Thảo luận mở về chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và xây dựng lòng tin (tháng 1/2018) và có nhiều cuộc Thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực cụ thể, song đến nay chưa có phiên thảo luận mở nào tập trung vào vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa xung đột thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, đối thoại.
Theo Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt, xây dựng lòng tin và đối thoại là hai trong số những biện pháp mà Việt Nam xác định là cách thức tốt nhất để phòng ngừa xung đột.
Ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc thúc đẩy, tăng cường lòng tin giữa các quốc gia, tạo điều kiện để đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất kì tranh chấp nào luôn là cách thức tốt nhất để ngăn chặn các xung đột xảy ra”.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Chưa có hòa bình bền vững chừng nào vết thương của chiến tranh chưa được chữa lành Ngày 8/4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... |
Tiếp nối và nâng tầm
Ông Đỗ Hùng Việt cho biết, ngay từ khi xây dựng các chủ đề ưu tiên cho nhiệm kỳ UVKTT HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam đã xác định thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực trong hợp tác với HĐBA nói riêng và với LHQ nói chung.
Đây cũng là sự kế thừa và tiếp nối những thành quả đạt được trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ nhất (tháng 1/2020) khi tổ chức phiên họp lần đầu tiên của HĐBA với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN”; tiếp nối ưu tiên của Việt Nam về vấn đề tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực.
Sự kiện cũng sẽ góp phần nâng tầm các sáng kiến của Việt Nam, không chỉ với riêng ASEAN mà với nội dung toàn diện, tổng thể hơn về vai trò của các tổ chức khu vực trên thế giới trong việc đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh quốc tế mà cụ thể là trong việc thúc đẩy các biện pháp về xây dựng lòng tin, đối thoại để phòng ngừa, giải quyết xung đột.
Thông qua sự kiện này, Việt Nam muốn khẳng định cam kết, nỗ lực của mình trong giải quyết các thách thức toàn cầu đang đặt ra với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận chính là sự khẳng định ở cấp cao nhất về chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn phát tiển mới của đất nước.
Đây cũng chính là chủ trương lớn Việt Nam đã đề ra trong Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Qua đó, chủ đề của phiên thảo luận thể hiện tầm nhìn của Việt Nam về vấn đề toàn cầu, đồng thời triển khai cụ thể chính sách đối ngoại, đường lối phát triển của đất nước tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
| Việt Nam chủ động tham gia trao đổi về tình hình Myanmar tại HĐBA LHQ TGVN. Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình ở Myanmar và chủ động, tích cực tham gia trong các trao đổi về tình hình ... |
Tăng thêm tiếng nói cho ASEAN
Trong thập kỷ qua, ASEAN đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nước trong khu vực, biến khu vực Đông Nam Á từ một khu vực có nhiều xung đột, tranh chấp thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng như hiện nay.
ASEAN vẫn đang tiếp tục phát huy vai trò quan trọng đó, trong việc tạo ra cơ chế, diễn đàn để gia tăng lòng tin giữa các quốc gia thành viên, cũng như giữa các quốc gia thành viên với các nước đối tác ở trong và ngoài khu vực.
Theo ông Đỗ Hùng Việt, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn ASEAN có thêm tiếng nói, vị trí, vai trò ngày càng lớn hơn trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến khu vực cũng như tăng cường sự hiện diện của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực tại LHQ.
Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam đóng vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là UVKTT HĐBA nên chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột” chính là sự kết nối giữa hai vai trò quan trọng này.
Thông qua sự kiện này, Việt Nam sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, của LHQ đối với hợp tác với ASEAN, tăng cường vai trò của ASEAN tại các diễn đàn, thể chế quốc tế trong thời gian tới.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo LHQ, lãnh đạo các tổ chức khu vực như ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) cũng như lãnh đạo các quốc gia thành viên HĐBA cùng trao đổi để khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, chia sẻ các kinh nghiệm của mỗi tổ chức khu vực trong việc xử lý các vấn đề khó khăn, thách thức tại khu vực của mình.
Qua đó, hợp tác giữa các tổ chức khu vực với nhau và giữa các tổ chức khu vực với LHQ sẽ thêm gắn kết, hình thành mạng lưới chia sẻ thông tin, đánh giá về tình hình khu vực, chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh và đồng thời phối hợp trong việc chia sẻ nguồn lực, tăng cường năng lực của các tổ chức khu vực.
Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là một sự khởi đầu cho một quá trình dài hơi hơn tại HĐBA LHQ về các vấn đề liên quan đến tổ chức khu vực và vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột, đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ là hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới.
Sự kiện sẽ góp phần nâng tầm các sáng kiến của Việt Nam, không chỉ với riêng ASEAN mà với nội dung toàn diện, tổng thể hơn về vai trò của các tổ chức khu vực trên thế giới trong việc đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. |