Một quan hệ đặc biệt
Chứ không phải "mối quan hệ đặc biệt", từ của cựu Thủ tướng Winston Churchill dùng chỉ mối quan hệ đồng minh sau khi hai nước chia sẻ nhiều điểm chung liên quan đến cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, như lâu nay người ta vẫn quen dùng. Cuối tháng 3 vừa qua, khi kêu gọi chính quyền Anh cần độc lập hơn với Mỹ, một nhóm nghị sỹ Quốc hội Anh đã đề nghị không nên gọi bang giao Mỹ - Anh là "mối quan hệ đặc biệt" mà nên coi đó chỉ là "một quan hệ đặc biệt". Thậm chí, Ewen McAskill, nhà bình luận chính trị lâu năm của tờ báo báo danh tiếng The Guardian cho rằng lẽ ra các nhà chính trị và ngoại giao Anh phải thôi nhắc đến cụm từ "mối quan hệ đặc biệt" từ cách đây nửa thế kỷ.
Thực tế thì những người "lăn tăn" về sự kết thúc của tuần trăng mật trong mối quan hệ Anh - Mỹ không phải không có lý. Trong khi nhiều chính trị gia Anh say sưa và cả hãnh diện khi là đồng minh thân cận của Mỹ thì rất ít các nhà chính trị, ngoại giao hoặc quan chức Nhà Trắng quan tâm đúng mức đến những tình cảm của đối tác. Năm ngoái, người phát ngôn của Nhà Trắng Robert Gibbs chỉ còn dùng cụm từ "đối tác đặc biệt" khi đề cập đến quan hệ Anh - Mỹ. Người Anh cũng không khỏi thất vọng khi khi Tổng thống Obama chưa bao giờ nhắc đến Anh trong một bài phát biểu quan trọng nào, cả trước và khi ông bước chân vào Nhà Trắng.
Chưa tính đâu xa, chỉ trong khoảng thời gian một năm trước khi nước Anh có chính phủ mới, có quá nhiều sự kiện làm cho liên minh Anh - Mỹ yếu đi nhiều do những quan điểm khác biệt của Washington và hàng loạt sai lầm chiến lược của London. Quan hệ Anh - Mỹ vốn đã mờ nhạt khi Thủ tướng Brown lên cầm quyền lại xuống cấp một nấc sau khi Scotland thả thủ phạm vụ đánh bom Lockerbie hồi tháng 10 năm ngoái khiến Washington tức giận ra mặt. Andrew Porter viết trên tờ Daily Telegraph rằng việc thả thủ phạm vụ Lockerbie (bị kết án vì gây ra vụ khủng bố máy bay làm 270 người chết năm 1988) dường như đã đẩy "mối quan hệ đặc biệt" xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua. Mới đây thôi, thái độ trung lập của Mỹ về sự tranh chấp quần đảo Falklands giữa Anh và Argentina cũng khiến Anh không hài lòng…
Bởi thế, việc định hình lại mối quan hệ với Mỹ vẫn sẽ là "nỗi ám ảnh" trong chính sách đối ngoại của chính phủ liên minh do đảng bảo thủ đứng đầu. Cũng dễ hiểu tại sao tân ngoại trưởng Anh William Hague đã vội vã vượt đường sang Mỹ làm lễ "ra mắt" chứ không phải hướng đến Brussel, thủ phủ của EU.
Không có gì bất biến
Khó có thể phủ nhận mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương Anh- Mỹ sâu nặng trên các góc độ văn hóa, xã hội, chính trị và quân sự và hơn nửa thế kỷ nay đã cùng sát cánh vượt qua nhiều thử thách. Những mối đe dọa và những lợi ích chung đã gắn kết hai quốc gia ở hai châu lục trong các vấn đề như tình báo, cuộc chiến tại Ahghanistan, cách thức giải quyết vấn đề Iran, sự trỗi dậy của Nga, thương mại tự do và các vấn đề kinh tế. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hague đã nhấn mạnh quan hệ Anh - Mỹ "đã bén rễ trong mối liên kết chặt chẽ các lợi ích quốc gia" và quy mô hợp tác giữa hai bên là "không gì sánh bằng".
Nhưng khi thế giới đang biến chuyển không ngừng, các cường quốc mới nổi ngày càng tỏa sáng, một số cường quốc ngày càng yếu thế trên nhiều khía cạnh thì mối quan hệ vượt châu lục này cũng đứng trước thử thách điều chỉnh mạnh mẽ. Không chỉ có Anh, Nhật, Australia.., Washington còn thúc đẩy các mối liên hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia khác nữa. Để đối phó với những thách thức lớn nhất của Mỹ như cuộc chiến chống khủng bố, sự trỗi dậy của Trung Quốc, Washington còn cần tìm lá phiếu của thế giới Hồi giáo, của các tổ chức đa quốc gia.... Trong khi đó, sự trung thành đôi khi cảm giác như vô điều kiện của Anh đối với Mỹ nhiều khi lại phản tác dụng. Chẳng hạn như việc Anh tán thành Mỹ tấn công Iraq, gửi quân tham chến tại Afghanistan lại làm tổn hại ghê gớm uy tín và quyền lợi của Anh. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách trầm trọng (dự đoán sẽ chiếm 12% GDP trong năm 2010), Anh khó có thể tăng ngân sách quân sự để đảm bảo cam kết tăng cường các biện pháp chống khủng bố, trang bị cho binh lính chiến đấu ở nước ngoài.
Chính những điều đó khiến nhiều nhà phân tích cho rằng David Cameron sẽ tiến hành một chương trình nghị sự với Mỹ độc lập hơn so với những người tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng đồng minh biết có ý kiến kháng lại sẽ trở thành những đồng minh tốt hơn" chứ không phải là "cộng sự không điều kiện của Mỹ trong mọi nỗ lực".
Tình cảm bạn bè cũng có những lúc thay đổi. Cả hai nên chấp nhận quy luật này.
Vân Hồ