Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc theo hình thức trực tuyến ở trụ sở Hội đồng châu Âu (EC), Brussels, Bỉ ngày 1/4/2022. (Nguồn: Reuters) |
Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc trực tiếp đầu tiên trong vòng bốn năm qua. Lần gần nhất hai bên tổ chức một hội nghị như vậy là theo hình thức trực tuyến hồi tháng 4/2022, hai tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Do đó, không khó hiểu khi vấn đề này, cùng với đại dịch Covid-19, đã “chiếm sóng” cuộc gặp trên. Lần này, liệu mọi chuyện sẽ khác?
Nhiều kỳ vọng…
Với phía Trung Quốc, câu trả lời là “Có”. Ngày 5/12, tờ Trung Quốc Nhật báo nhận định sự kiện này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU và 25 năm thành lập cơ chế hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU. Tờ này dẫn lời Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị coi đây là cơ hội để lãnh đạo song phương “vạch ra lộ trình, phác thảo bản thiết kế” cho quan hệ và “thúc đẩy lòng tin”, tạo động lực mới cho hợp tác.
Bài báo nhấn mạnh hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, tiếp tục đóng vai trò quan trọng với cả hai bên, với kim ngạch thương mại năm 2022 ở mức 874,3 tỷ USD, tăng trưởng 2,2%, bất chấp biến động của tình hình thế giới.
Mặc dù thừa nhận sự khác biệt giữa cường quốc châu Á và châu Âu, đặc biệt về thế giới quan, là “không dễ xóa nhòa”, Trung Quốc Nhật báo cho rằng, hai bên cần duy trì hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn trong đối phó với những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu. Bắc Kinh khẳng định, “giảm rủi ro” không có nghĩa là “giảm hợp tác”, Khi ấy, Thượng đỉnh tới là dịp để hai bên “kiểm soát thiệt hại”, định hình “bản chất quan hệ Trung Quốc-EU” trong tương lai gần.
Học giả Pierre Picquart, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trung Quốc (ICCDS) cho rằng, có thể đánh giá khái niệm “giảm rủi ro” do Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất theo hướng “tinh tế, tích cực hơn”. Theo đó, hai bên cần xây dựng quan điểm, lập trường có tính đến cả cơ hội lẫn rủi ro, qua đó kiểm soát tình huống hiệu quả hơn.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải bài viết của ông Martin Jacques, Giáo sư thỉnh giảng, chuyên gia cao cấp tại Viện Trung Quốc, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) về Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, châu Âu cần mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc hơn bao giờ hết và đang tích cực thực hiện điều đó. Việc cựu Thủ tướng David Cameron trở thành Ngoại trưởng Anh là một “chỉ dấu mạnh mẽ” cho nỗ lực của London nói riêng và châu Âu nói chung.
Bài báo cho rằng Đức vẫn là “đầu tàu” ở châu Âu về hợp tác với Trung Quốc, với giới doanh nghiệp đang định hình chính sách kinh tế. Sự ủng hộ dành cho 5G của Huawei và thái độ phản đối thuế quan với xe Trung Quốc nhập khẩu, thể hiện rõ quan hệ khăng khít này. Về dài hạn, quan hệ giữa châu Âu và Mỹ, bất chấp một số khác biệt về quan điểm và lợi ích, sẽ tiếp tục sâu sắc. Song, trong trung hạn và dài hạn, EU cần xây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc để tạo động lực vượt qua khó khăn, từ tăng trưởng trì trệ tới sự trỗi dậy của phe cực hữu.
… Không ít thận trọng
Tuy nhiên, còn đó không ít sự thận trọng xung quanh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Viết trên tờ AsiaTimes, chuyên gia Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Natixis (Pháp) tại châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) cho rằng, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc có thể không đạt kỳ vọng vì một số lý do sau.
Thứ nhất, trong bối cảnh cường quốc châu Á gặp một số khó khăn nhất định về sức tiêu thụ của thị trường và đầu tư, duy trì thặng dư thương mại với các đối tác, trong đó có EU, có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, Bắc Kinh cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco là một thành công trong “ổn định quan hệ với Washington”. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể sẽ ít nhượng bộ hơn về tiếp cận thị trường với phía EU, không mang lại lực đẩy cần thiết cho quan hệ trong thượng đỉnh sắp tới.
Reuters cho biết, lãnh đạo châu Âu có thể “nêu nhiều vấn đề, từ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine tới thương mại với Trung Quốc”. EU tập trung vào quan hệ của Bắc Kinh với Moscow và Bình Nhưỡng, thâm hụt thương mại 431,7 tỷ USD, tiếp cận thị trường, hợp tác chống biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Trung Quốc có thể nêu quan điểm về nỗ lực của châu Âu về điều tra chống bán phá giá xe điện xuất xứ từ đất nước châu Á, cũng như nỗ lực “giảm rủi ro” của EU để hạ thấp sự phụ thuộc vào hàng hóa đến từ nước này.
Một quan chức EU cho biết hai bên sẽ không đưa ra tuyên bố chung hay công bố “kết quả đặc biệt” nào từ Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể là cơ hội để hai bên định hình lại quan hệ sau vô vàn “sóng gió”, hay chí ít, tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề còn khác biệt thời gian qua.