Chúng tôi luôn ghi nhớ việc hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương thông qua sự phối hợp chặt chẽ của đại diện hai nước. Ví dụ như Brazil ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam tích cực ủng hộ Brazil tiếp cận Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN; hai nước ủng hộ lẫn nhau để được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ; Việt Nam sớm ủng hộ ngay từ đầu việc Brazil ứng cử làm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi cơ quan này được cải cách mở rộng. Việc hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm chính thức cấp cao với nhau đã góp phần tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ song phương tốt đẹp, đồng thời thiết lập khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển các dự án hợp tác và đầu tư.
Trao đổi thương mại song phương năm 2011 đã đạt 1,4 tỷ USD và ngày càng thu hút sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư và các nhà xuất nhập khẩu. Tuy ở hai nước chưa có các dự án đầu tư cụ thể, một số công ty Brazil đã tiến hành các chuyến thăm làm việc ở Việt Nam nhằm đánh giá môi trường và cơ hội kinh doanh. Về phía Brazil, các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam bên cạnh phần lớn là hàng nguyên liệu cũng còn nhiều sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao, điều đó cho thấy tiềm năng tăng cường xuất khẩu các mặt hàng này. Về phía Việt Nam, xuất khẩu sang Brazil tăng mạnh với các mặt hàng như giày thể thao, dệt may, sợi ví-xcô, cá và thiết bị điện tử. Nhìn chung, trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây đã tăng từ 40% đến 50%/năm. Đồng thời, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác có thể tiếp tục đạt được mức tăng trưởng nói trên và còn nhiều cơ hội để khai thác.
Tháng 4/2012, Khóa họp lần thứ II của Ủy ban Hỗn hợp Brazil – Việt Nam đã xác định những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, xây dựng đập thủy điện, năng lượng sinh học, luyện kim, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hai nước cũng đã kết thúc đàm phán về Hiệp định khung về hợp tác kỹ thuật, Hiệp định hợp tác về giáo dục, Bản ghi nhớ hiểu biết về hợp tác nông nghiệp và Kế hoạch hành động nhằm ký kết Bản ghi nhớ hiểu biết về xóa đói giảm nghèo. Một khi Hiệp định khung về hợp tác kỹ thuật được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo cơ sở để triển khai các dự án cụ thể trên tất cả các lĩnh vực nói trên. Ngoài ra, hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật sản xuất và sử dụng ê-ta-nôn làm nhiên liệu, về y tế và y học, khoa học và công nghệ, về thể thao và văn hóa. Trong khuôn khổ đó, hai nước đã bày tỏ quan tâm thúc đẩy trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo và viễn thông. Đây là những lĩnh vực có thể thu hút đầu tư ở cả hai nước. Trong lĩnh vực năng lượng, có tiềm năng hợp tác về thăm dò, khai thác dầu khí bởi vì cả hai nước đều đang tiến hành những hoạt động có ý nghĩa trong việc thăm dò, khai thác dầu trên biển.
Năm 2011 đã triển khai thực hiện một dự án trồng lúa ở Đà Nẵng với nguồn vốn của Quỹ IBAS (Quỹ Ấn Độ-Brazil-Nam Phi) nhằm hỗ trợ sự tham gia của các hộ nông dân vào hoạt động xã hội, cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tạo giống lúa, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo sản xuất ở trong vùng.
Việc Brazil cũng như Việt Nam là những điểm đến du lịch ưu đãi, hai nước mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác về quản lý du lịch và dịch vụ. Chúng ta đều biết rằng ba trong số bảy kỳ quan tự nhiên của thế giới nằm ở Brazil (Rừng Amazon, Thác I-goa-xu) và ở Việt Nam (Vịnh Hạ Long). Do đó, một hướng hợp tác mới đầy hứa hẹn đã được mở ra.
Bất chấp tình trạng suy thoái hiện nay của nền kinh tế thế giới, Nam Mỹ, Caribe và Đông Nam Á vẫn thể hiện được sức sống và tăng trưởng. Vì vậy, điều quan trọng là cần tiếp tục thúc đẩy sự gắn kết giữa hai khu vực. Khoảng cách địa lý, khó khăn về giao thông cùng với sự khác biệt ngôn ngữ là những trở ngại cho việc hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Việc Brazil tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN sẽ góp phần rất lớn để lấp đầy khoảng trống này và đưa Brazil xích lại gần hơn các nước Đông Nam Á thông qua việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại ở cấp độ song phương cũng như khu vực. Sự xích lại gần ASEAN của Brazil sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và ASEAN. Trong bối cảnh rộng lớn hơn như vậy, Việt Nam tiếp tục là một đối tác ưu tiên của Brazil.
Việc tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh vể Thương mại và Đầu tư sẽ tạo thêm một cơ hội nữa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước và hai khu vực.
Bà Victoria Alice CleaverĐại sứ Brazil tại Việt Nam