Quan hệ Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu”. (Nguồn: Kyodo) |
"Cốt lõi"
Trong ngoại giao, tính biểu tượng của thuật ngữ mô tả quan hệ không hề thua kém chính sách hoặc chiến lược thực tế. Chính quyền Mỹ sử dụng các thuật ngữ “cốt lõi” và “nền tảng” để mô tả mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thuật ngữ ngoại giao này được Mỹ đúc rút qua từng giai đoạn và sử dụng với hàm ý chiến lược.
Cụm từ “cốt lõi” lần đầu tiên được sử dụng tại Hội nghị thượng đỉnh Toronto giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak vào tháng 6/2010.
Tại cuộc họp báo chung, cựu Tổng thống Obama nhấn mạnh, liên minh Mỹ-Hàn Quốc là nhân tố “cốt lõi” không chỉ đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và Mỹ, mà cho toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.
Kể từ đó, thuật ngữ này đã xuất hiện ở hầu hết các tuyên bố chung Hàn Quốc-Mỹ ở nhiều cấp khác nhau, chỉ có những thay đổi nhỏ là phạm vi áp dụng đối với các khu vực cụ thể như Đông Bắc Á, châu Á, Thái Bình Dương, châu Á-Thái Bình Dương và hiện nay là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thông lệ này đã trở thành truyền thống có tính kế thừa và không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi chính quyền ở hai bờ Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung mới đây nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5 đã tái khẳng định liên minh hai nước là “nhân tố cốt lõi đảm bảo duy trì trật tự khu vực và toàn cầu”.
Trong cuộc điện đàm trước đó, các nhà lãnh Hàn Quốc-Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “cốt lõi” để nhấn mạnh vai trò “đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
... và "Nền tảng"
Thời điểm cựu Tổng thống Barack Obama nhận xét Hàn Quốc là đồng minh “cốt lõi” đã khiến dư luận Nhật Bản không khỏi lo lắng. Tokyo thường coi mình là đối tác quan trọng nhất của Washington trong khu vực và thuật ngữ đồng minh “cốt lõi” đã từng được sử dụng để mô tả liên minh Mỹ-Nhật Bản trong một thời gian.
Tuy nhiên, quan ngại của Nhật Bản chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, cho đến khi cựu Tổng thống Obama đặt ra một thuật ngữ mới-"nền tảng" cho quan hệ với Nhật Bản.
Thuật ngữ “nền tảng” từ đó được chính thức sử dụng cho liên minh Mỹ-Nhật Bản. Các thuật ngữ “cốt lõi” và “nền tảng” đã thể hiện rõ bản chất và vai trò của từng liên minh đối với Washington, cho dù nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump hay Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, không có nghĩa là không thể vượt qua. (Nguồn: The Korea Herald) |
Cả Seoul và Tokyo đều là những đồng minh châu Á quan trọng của Washington ở cả phạm vi khu vực và quốc tế. Nhìn từ quan điểm chiến lược “trục và nan hoa” lấy Mỹ làm trung tâm đã tồn tại nhiều thập kỷ, hai đồng minh Đông Bắc Á đóng vai trò là những “nan hoa” có quan hệ gắn bó chặt chẽ. Trong thời đại đòi hỏi sự liên kết về an ninh và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, vai trò của Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng, là hai trụ cột chính cho hòa bình và an ninh của khu vực.
"Chiếc ghế ba chân"
Mối quan hệ ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc có thể được nhìn nhận rõ ràng thông qua tư duy về "chiếc ghế ba chân" nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Rõ ràng, chúng ta không thể ngồi lên chiếc ghế chỉ có một hoặc hai chân, hoặc nếu là ba chân nhưng một chân dài hơn hoặc ngắn hơn hai chân còn lại”.
Chính quyền Tổng thống Biden coi trọng tăng cường không chỉ quan hệ hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn cả quan hệ song phương giữa hai đồng minh châu Á.
Tuyên bố đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay trước thềm chuyến công du Đông Bắc Á của Ngoại trưởng Tony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 3 vừa qua đã nhấn mạnh điều đó, đồng thời, chuyến thăm cũng mở ra hàng loạt cuộc gặp ba bên cho tới thời gian gần đây.
Quan trọng hơn, tuyên bố đã chỉ ra bản chất và vai trò của mối quan hệ ba bên: “mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa ba nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh và lợi ích chung thông qua các hoạt động bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và pháp quyền của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu”.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là mối quan hệ đang rạn nứt giữa Seoul và Tokyo. Mối quan hệ giữa hai đồng minh của Washington đang ở trạng thái tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, do liên quan đến các vấn đề lịch sử và hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau.
Khó khăn trong việc hàn gắn mối quan hệ hiện tại giữa Seoul và Tokyo là điều không thể phủ nhận, nhưng không phải là thách thức không thể vượt qua vì thực tế là hai nước đã từng làm được như vậy vào các năm 1965, 1998 và 2015.
Sự ra mắt của nội các mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có thể tạo ra động lực mới, khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ. Chắc chắn, "vũ điệu tango" ba bên dưới sự biên đạo của Mỹ đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
| Mỹ năm lần bảy lượt đề nghị gặp gỡ vô điều kiện, Triều Tiên nói về viễn cảnh tốt đẹp Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, nước này sẵn sàng gặp Triều Tiên mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết ... |
| Cự tuyệt Hàn Quốc, Triều Tiên cảnh cáo hành động 'chơi với lửa', Mỹ tuyên bố đủ sức 'đỡ đòn' Ngày 27/8, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên vẫn không hồi đáp các cuộc gọi qua đường dây ... |