Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương sắp trở thành tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. (Nguồn: AP) |
Trung Quốc dự định bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ mới thay cho ông Thôi Thiên Khải, một nhà ngoại giao kỳ cựu sắp kết thúc công việc sau hơn 8 năm đảm nhiệm vị trí này.
Trong khi đó, Mỹ dự định bổ nhiệm ông R. Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Ông Burns từng phục vụ trong chính quyền của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trước đó.
Việc bổ nhiệm nhân sự giữ những vị trí chủ chốt này trong thời điểm mối quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc đang ngày một xấu đi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tích cực xây dựng các liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Nhiệm vụ "khó nhằn"
Thông qua việc cử Thứ trưởng Tần Cương tới Washington D.C, giới lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ hy vọng một nhà ngoại giao khéo léo sẽ giúp khôi phục các cuộc gặp cấp cao thường xuyên giữa hai bên.
Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần đầu tiên được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, nhưng đã bị bãi bỏ dưới thời ông Donald Trump với lý do "chúng buộc Mỹ tham gia các cuộc thảo luận không có kết quả".
Trong bối cảnh hai bên cạnh tranh ngày càng gay gắt, tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có thể là một nhân tố giúp duy trì ổn định và giảm nguy cơ xung đột.
Mặc dù vậy, nhiệm vụ của ông Tần Cường là khá khó khăn, bởi cho đến hiện nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như không quan tâm đến việc thiết lập lại các cuộc thảo luận cấp cao.
Với phong thái lịch sự, ông Tần Cương, 55 tuổi, được coi là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp hơn là “chiến lang”, điều mà một số nhà ngoại giao Trung Quốc thể hiện trong thời gian qua.
Từ khi gia nhập Bộ Ngoại giao năm 1988, từ một chuyên viên cấp thấp, ông Tần Cương đã trải qua vị trí người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cục trưởng Cục Lễ tân rồi Thứ trưởng phụ trách châu Âu, thông tin báo chí và lễ tân.
Những năm gần đây, ông Tần Cương nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến công du nước ngoài và nhận được sự tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi sự tỉ mỉ của ông Tần Cương trong việc quản lý và sắp xếp khách mời đã giúp bảo đảm ít sự cố xảy ra ngoài kịch bản ngoại giao khi ông Tập Cận Bình thăm các nước.
Năm 2016, ông Tần Cương phụ trách chính tổ chức các cuộc họp và sự kiện trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu. Một câu chuyện được truyền thông tiết lộ là ông Tập Cận Bình từng quay sang hỏi ông Tần Cương nửa đùa nửa thật xem liệu ông có thể nghỉ ngơi giữa các sự kiện dồn dập hay không.
Với vị trí mới, ông Tần Cương sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, vừa thể hiện lập trường của Bắc Kinh nhưng vẫn phải xây dựng mối quan hệ với chính quyền Mỹ, vốn đang đạt được đồng thuận lưỡng đảng về quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Người đứng đầu bộ phận quốc tế tại Hiệp hội Thương mại Mỹ Myron Brilliant cho biết: “Để thành công trong bối cảnh đầy thách thức này, tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ sẽ phải có các động thái để được nhìn nhận là cầu nối đáng tin cậy trong mối quan hệ song phương, chứ không chỉ là 'cái loa phát ngôn' cho các chính sách của Bắc Kinh".
Ông Brilliant đánh giá cao Đại sứ Thôi Thiên Khải, người nắm giữ vị trí này từ năm 2013, vì đã xây dựng được các mối quan hệ trong chính quyền Mỹ trong bối cảnh Washington ngày càng có thái độ "diều hâu" với Trung Quốc.
Đơn cử như trong thời kỳ chiến tranh thương mại leo thang, Đại sứ Thôi Thiên Khải đã khéo léo xây dựng mối quan hệ với Jared Kushner, con rể Tổng thống Donald Trump. Điều này góp phần giúp hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, Đại sứ Thôi Thiên Khải cũng thường xuyên đưa các thông điệp của Bắc Kinh đến công chúng Mỹ qua sóng truyền hình.
Việc bổ nhiệm ông Nicholas Burns làm Đại sứ tại Bắc Kinh được xem là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày một xấu đi. (Nguồn: Bloomberg) |
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: Dấu hiệu "xanh" cho mối quan hệ "đỏ"?
Ông Nicholas Burns, 65 tuổi, từng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp trong nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton.
Dưới thời Tổng thống Bush, ông là Đại sứ Mỹ tại NATO và đã góp phần vào việc định hình phản ứng của NATO sau vụ tấn công 11/9. Sau đó, ông đảm nhận cương vị Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính trị trước khi tạm rời ngành ngoại giao.
Theo giới quan sát, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc có thể là một dấu hiệu "xanh" cho mối quan hệ đang "đỏ".
Trả lời phỏng vấn, ông David Dollar, đại diện Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Obama, nhận định: “Đây có thể là dấu hiệu tích cực với Trung Quốc, nó cho thấy Tổng thống Biden coi trọng mối quan hệ song phương. Ông Burns không chỉ là một chính trị gia mà còn là người có kinh nghiệm hoạch định chính sách”.
Theo ông Winston Lord, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ 1985-1989, vai trò của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ngày một khó khăn khi mối quan hệ giữa hai bên đang đi xuống. Vị cựu Đại sứ đánh giá những chính sách của Trung Quốc khiến việc trao đổi, ngoại giao ngày càng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, ông Winston Lord cũng lưu ý rằng, thông thường, một đại sứ không có vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách của Mỹ, bởi vậy không nên quá kỳ vọng vào việc một tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc có thể làm.
Ông khẳng định, “dựa trên tầm quan trọng đặc biệt, cũng như bao hàm nhiều lợi ích của Mỹ, chính sách với Trung Quốc sẽ được hoạch định ở Washington, cụ thể là Nhà Trắng”.
Trong chính quyền Mỹ hiện nay, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia mới có vai trò lớn nhất trong hoạch định chính sách với Trung Quốc.
Trong khi đó, các cơ quan phụ trách kinh tế như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại hay Cơ quan Đại diện Thương mại vẫn chưa kiện toàn xong nhân sự sau khi ông Biden đắc cử.