Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP) |
Hôm 3/2, tại Moscow, để nhận 2,15 tỷ USD viện trợ của Nga, Tổng thống Kyrgyzstan đã tuyên bố quyết định đóng cửa căn cứ không quân Manas, tạo ra một trở ngại lớn đối với mục tiêu đối ngoại lớn nhất của Obama là tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan.
Bắt đầu bằng bài diễn văn gai góc mà Tổng thống Medvedev đọc vài giờ sau khi ông Obama đắc cử, những tín hiệu mà Moscow gửi tới chính quyền mới của Mỹ đã đổi hướng từ thù địch sang hòa giải và ngược lại. Rõ ràng là Moscow đang thăm dò khả năng hợp tác với Washington. Tuy nhiên, Moscow cũng đang đòi hỏi rằng Obama ưu tiên những mối quan tâm của Nga.
Afghanistan đã được coi là một lĩnh vực hợp tác then chốt giữa hai nước và Nga có những lo ngại sâu sắc về sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Quan điểm này đã bị nghi ngờ hôm 3/2 khi Tổng thống Kurmanbek Bakiyev của Kyrgyzstan tuyên bố các kế hoạch đóng cửa căn cứ không quân Manas.
Các quan chức Kyrgystan và Nga đã nói rằng động thái trên không liên quan tới cam kết trợ giúp Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, Moscow bấy lâu nay đã tìm cách hất cẳng Mỹ khỏi các căn cứ mà Mỹ đã thuê ở Trung Á.
Những tuyên bố của Nga kể từ đó tới nay đã gợi ý rằng nếu ông Obama muốn xúc tiến các kế hoạch triển khai thêm 30.000 lính Mỹ tại Afghanistan, ông sẽ phải giành lấy sự ủng hộ của Moscow. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải quan tâm tới những lời phàn nàn của Nga về kế hoạch lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng như việc mở rộng NATO tới sát biên giới Nga.
"Người Nga nghĩ rằng họ có cơ hội để mặc cả. Nếu họ ngồi vào bàn mặc cả, họ nghĩ họ có những quân bài tốt. Thứ mà họ thấy, trong viễn cảnh tốt đẹp nhất, là một thỏa thuận, một cuộc mặc cả chứ không phải là quan hệ đối tác", Oksana Antonenko thuộc Viện các nghiên cứu chiến lược quốc tế, nói tại London.
Động thái đó gây ngạc nhiên bởi diễn ra trong bối cảnh Moscow gửi đi một loạt tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Obama.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phấn khởi vì bài diễn văn của ông Putin tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thiếu vắng những ngôn từ chua cay chống Mỹ. Ông Medvedev đã tổ chức một cuộc họp thẳng thắn, kéo dài nhiều giờ với biên tập của Novaya Gazeta - một tờ báo chống Kremlin và hứa hẹn sửa đổi một đạo luật chống phản quốc mà các nhóm nhân quyền chỉ trích.
Trong hai tuần qua, Moscow đã tuyên bố sẵn sàng mở một tuyến đường để hàng hóa cung cấp cho NATO đi qua Nga, tới Afghanistan. Mặc dù vẫn chưa được khẳng định song một quan chức giấu tên tại Bộ Quốc phòng tiết lộ với hãng thông tấn Interfax rằng Moscow đã bỏ kế hoạch triển khai các tên lửa Iskander ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ giáp Ba Lan.
Tiếp đó là tuyên bố hôm 3/2 về căn cứ không quân Manas.
Tuyên bố này được đưa ra như một lời nhắc nhở rằng Nga không chia sẻ niềm vui của châu Âu về việc Obama đắc cử tổng thống. Quan hệ giữa Nga và Mỹ năm ngoái đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ và đối thoại giữa hai chính phủ về cơ bản đã tạm ngừng. Theo nghĩa đó, Obama sẽ phải đối phó với di sản của Bush, trong đó có những ký ức cay đắng về cuộc chiến mùa hè năm 2008 tại Grudia.
"Sau cuộc chiến ở Grudia, làm sao Nga có thể vận động Kyrgyzstan ủng hộ Mỹ. Quyết định đó không phải do Nga đưa ra song đó cũng là quyết định mà Nga không phản đối", Sergei Rogov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moscow nói.
Hơn thế, các lãnh đạo Nga đang ngày càng sốt ruột muốn biết các kế hoạch cụ thể của Washington. Dường như Obama sẵn sàng trì hoãn kế hoạch tên lửa phòng thủ và mở rộng NATO song sẽ không công khai hủy bỏ những dự án này. Các lãnh đạo Nga, muốn thương lượng lại mối quan hệ song phương, muốn chắc rằng họ được Obama chú ý.
"Trận cầu thực sự vẫn chưa bắt đầu. Sẽ có những mặc cả khó khăn về nhiều vấn đề", Rogov nói. Một trong những vấn đề mà hai nước vẫn còn bất đồng đó là ảnh hưởng của Mỹ ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Giải quyết việc này có lẽ là việc không thể, song cả hai bên cần thử. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu Nga và Mỹ có thực sự muốn thay đổi quan hệ hay không.
Theo VietNamNet