Trên bàn làm việc của tôi tại Washington có một bao thuốc lá bằng bạc kỷ niệm sự kiện ký Hiệp ước song phương, trên đó có khắc chữ ký của các quan chức Nhật tham gia ký kết: Thủ tướng Nobusuke Kishi, Ngoại trưởng Aiichiro Fujiyama… và người cha quá cố của tôi, nguyên là Phó Tổng giám đốc Cục Hiệp ước. Trên bao thuốc còn có tên của Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Douglas MacArthur II và nhân viên của ông. Những bao thuốc lá như vậy đã thuộc về quá khứ nhưng nếu xét đến tốc độ phát triển nhanh chóng của Nhật Bản trong một vài thập kỷ qua thì có thể khẳng định rằng bất kỳ thành quả nào của Tokyo đều có dấu ấn của Washington. Bao thuốc nhắc nhở tôi rằng Nhật Bản đã tiến được một quãng đường dài.
Bao thuốc bằng bạc cũng nhắc nhở tôi rằng quan hệ Nhật – Mỹ có thể so sánh với một cái hộp bởi ba lý do. Trước hết, giống như một cái hộp đồ chơi, bên trong là một hình nộm sẽ bất ngờ xuất hiện khi mở hộp ra, khiến người xem phải khiếp sợ; nếu các nước khác có ý định tấn công Nhật Bản, chúng tôi sẽ được bảo vệ chắc chắn từ bên trong. Một khi cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản còn hiệu lực, các nước khác sẽ không dám tấn công đất nước chúng tôi. Và để cam kết còn hiệu lực, điều quan trọng là hai phía phải tin tưởng nhau. Trong một môi trường an ninh chứa đựng nhiều bất ổn và khó lường như hiện nay, phải thừa nhận rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần sự hiện diện của quân đội Mỹ. Đó là lý do tại sao trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hawaii tháng 1 vừa qua và bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Tokyo tháng 11 năm ngoái đều khẳng định ý định duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Liên minh an ninh Nhật – Mỹ còn có thể ví với một cái hộp bởi một lý do khác nữa: nó tạo ra khuôn khổ hợp tác cho quan hệ an ninh toàn diện giữa Tokyo và Washington. Mặc dù khuôn khổ cơ bản của liên minh Nhật – Mỹ không thay đổi trong 50 năm qua nhưng nội dung hợp tác đã thay đổi đáng kể. Hợp tác Nhật – Mỹ giờ đây bao gồm các lĩnh vực như phòng vệ tên lửa và chia sẻ công nghệ quân sự. Giờ là lúc tăng cường liên minh Tokyo – Washington để sự hợp tác song phương trở nên toàn diện hơn, như trong tuyên bố chung Nhật – Mỹ nhân dịp kỷ niệm ngày ký Hiệp ước An ninh và Hợp tác song phương (19/1/1960). Hơn nữa, một liên minh song phương bền vững sẽ tạo nền tảng cho tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như năng lượng, chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân… Đáng chú ý là tháng 11/2009, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ 5 tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 2009.
Cuối cùng, quan hệ an ninh Nhật – Mỹ giống một cái hộp bởi nó rất đa diện. Mối quan hệ hợp tác an ninh này được tiến hành trên nhiều lĩnh vực như lục quân, hải quân, không quân, chia sẻ tin tức tình báo, hợp tác sử dụng các căn cứ quân sự... Nếu các mặt và các cạnh nối bền vững thì cái hộp sẽ trở nên vững chắc. Liên minh Nhật – Mỹ nhìn chung đang tiến triển tốt nhưng vấn đề hợp tác sử dụng căn cứ quân sự lại đang bị thách thức. Quân Mỹ có vai trò không thể thay thế trong khu vực và sự đóng góp của các binh lính Mỹ tại đây được đánh giá cao. Tuy nhiên, không thể ví sự hiện diện của Mỹ ở đây với bình ô xy cứu trợ như quan điểm của một số học giả. Trên thực tế, các căn cứ đồn trú của quân Mỹ gây ồn ào và các quan ngại về môi trường, có thể gây ra tai nạn và tạo ra các gánh nặng khác đối cư dân xung quanh. Cả Nhật và Mỹ phải hiểu rõ điều này và cần nỗ lực để làm giảm thiểu các gánh nặng trên, đặc biệt là khi các căn cứ quân sự này lại đóng ở những khu vực đông dân. Về việc di dời trạm không quân Okinawa Futenma, Thủ tướng Hatoyama khẳng định Chính phủ Nhật sẽ tìm được một giải pháp làm hài lòng cả người dân Okinawa và Mỹ từ giờ đến tháng 5 tới.
Ở Nhật Bản, xưa nay có câu “Sau cơn mưa, mặt đất trở nên rắn chắc hơn”. Tôi cho rằng câu thành ngữ này đúng với trường hợp mối quan hệ Nhật – Mỹ bởi hai nước không còn lựa chọn nào khác. Hai nước có lợi ích an ninh chung trong việc duy trì sự ổn định khu vực; đều có nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng các luật lệ và nguyên tắc quốc tế. Hai nước chia sẻ những giá trị chung như tự do ngôn luận, nhân quyền và nền chính trị đa nguyên, hay nói tóm lại là hai nước đều có nền dân chủ thực sự. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Nhật Bản và Mỹ tôn trọng, tin tưởng và yêu mến nhau. Theo thăm dò ý kiến của Cabinet Office (Nhật) và Gallup (Mỹ), khoảng 80% người Nhật và 80% người Mỹ nói rằng họ quý mến nhau. Hiếm có mối quan hệ song phương nào đạt đến độ thắm nồng như vậy.
Theo tôi, nguyên tắc ba “không” rất quan trọng trong việc duy trì một liên minh và nguyên tắc này lại càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh quan hệ Nhật – Mỹ hiện nay. Thứ nhất là không được bất ngờ. Mỗi bên phải nắm rõ ý định của nhau; do đó đối thoại trực tiếp là vô cùng quan trọng. Thứ hai là không phức tạp hóa và không chính trị hóa. Hai nước phải ứng xử một cách thận trọng và phù hợp. Thứ ba là không xem thường nhau. 50 năm là quãng thời gian đủ để tổ chức lễ kỷ niệm “đám cưới vàng” và những cặp vợ chồng già có thể trở nên quá quen thuộc với nhau nhưng một mối quan hệ bền vững luôn đòi hỏi phải có sự quan tâm không ngừng đến nhau.
Đại Thắng (Lược dịch)
* Trích bài viết của Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki đăng trên tạp chí Foreign Affairs