Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Phuket, Thái Lan ngày 23/7/2 |
Canada: Thương mại - Đầu tư hứa hẹn nhiều khởi sắc
Trong 3 năm qua, kể từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Stephen Harper nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 14 (11/2006), ngoài chuyến thăm Canada của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (10/2008), chưa có đoàn cấp cao nào của hai nước thăm lẫn nhau. Bởi vậy, chuyến thăm chính thức Canada lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đặc biệt quan trọng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 28-30/9, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lawrence Cannon, gặp Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông sản Gerry Ritz, Quốc vụ khanh về Hợp tác phát triển Gim Jim Abbott, Chủ tịch Thượng viện Noel A.Kinsella và Chủ tịch Hạ viện Peter Milliken… Phó Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Talisman, Hội đồng doanh nghiệp Canada - Việt Nam, gặp đại diện cộng đồng người Việt định cư ở Canada…
Bộ trưởng Ngoại giao Lawrence Cannon khẳng định Chính phủ Canada tiếp tục coi Việt Nam là nước trọng điểm nhận ODA của Canada. Phía Canada cam kết hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ký thỏa thuận hợp tác lao động với Việt Nam.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao đã 36 năm, tiềm lực kinh tế của 2 nước không nhỏ, nhiều hiệp định và thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước về phát triển kinh tế, thương mại, tránh đánh thuế hai lần… nhưng quan hệ kinh tế và đầu tư vẫn còn xa với mong đợi của hai bên. Phải đến năm 2007, quan hệ kinh tế giữa 2 nước mới bắt đầu đầu có chuyển biến đáng kể (đạt gần 1 tỉ USD) và năm 2008, lần đầu tiên mậu dịch song phương đạt trên 1 tỉ USD. Nhiều công ty Canada đã công bố kế hoạch kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý là sự hiện diện của Manulife, tập đoàn bảo hiểm đầu tư tài chính lớn thứ tư trên thế giới của Canada, đã khai trương trụ sở tại T.P HCM. Tại các cuộc tiếp xúc giữa Phó Thủ tướng với các nhà lãnh đạo Canada, hai bên nhất trí tăng cường đầu tư và tích cực thúc đẩy thương lượng về Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (FIPA). Khi việc ký kết Hiệp định này được hiện thực hóa, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước hứa hẹn có nhiều khởi sắc.
Với Mỹ: Quan hệ kinh tế là điểm nổi bật nhất
Chuyến thăm Mỹ từ ngày 30/9-3/10 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm là dịp để các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ xem lại quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, làm cơ sở để vạch ra các chính sách và biện pháp tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ song phương trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Barak Obama ngày càng quan tâm tới Việt Nam. "Tổng thống và Ngoại trưởng của chúng tôi đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Đông Nam Á và Việt Nam… Tôi lạc quan hơn bao giờ hết về tương lai của quan hệ giữa hai nước và triển vọng hợp tác vì lợi ích chung", Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ James Steinberg nhận xét trong buổi họp báo hôm 27/9 tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 26-27/9.
Chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng cũng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Mỹ khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Mỹ có thể chia sẻ với Việt Nam nhiều nội dung hợp tác trong khuôn khổ HĐBA như chống khủng bố, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu...
Trong những năm gần đây quan hệ Việt - Mỹ đã tiến một bước dài. Quan hệ chính trị đã phát triển chưa từng có với bốn chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong bốn năm liền (từ 2005-2009). Hai bên đã thỏa thuận xây dựng quan hệ "Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt".
Có thể nhận thấy, quan hệ giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 rất đa dạng, nhưng dường như nổi bật nhất và có chiều sâu nhất là quan hệ kinh tế. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư Mỹ. 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch mậu dịch hai nước ước tính đạt 6,2 tỉ USD.
Tính đến tháng 8/2009, Mỹ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đạt trên 8,5 tỉ USD, đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2009, mặc dù phải đương đầu với những khó khăn lớn do suy thoái kinh tế, Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD.
Duy Phúc