TIN LIÊN QUAN | |
Hệ thống rạp chiếu phim tại châu Phi hồi sinh nhờ công nghệ số | |
Tiêu chí trở thành người lao động 4.0 |
Quyền sở hữu không phải là khái niệm phức tạp. Nếu bạn mua một món đồ, nó là tài sản thuộc sở hữu của bạn. Nếu nó gặp trục trặc, bạn có thể sửa chữa. Nếu thấy không cần thiết nữa, bạn bán hoặc vứt nó đi. Quyền sở hữu cho bạn toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Tất nhiên, một số công ty tìm cách "hóa giải" điều này bằng cách tạo ra hệ thống bảo hành, sửa chữa độc quyền hay áp dụng các chiến thuật khéo léo sau khi bán sản phẩm. Ví dụ như bán máy in thật rẻ nhưng mực in lại thật đắt. Những cách này giúp các công ty thu được thêm lợi nhuận, nhưng không thay đổi bản chất của quyền sở hữu.
Chủ sở hữu không có thực quyền
Anh Kyle Schwarting muốn có quyền sửa chữa thiết bị nông nghiệp công nghệ cao của chính mình. (Nguồn: The Guardian) |
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ số, quyền sở hữu dường như đang thoát khỏi chủ sở hữu. Bởi vì trên thực tế, một số công ty vẫn đang nắm quyền định đoạt tài sản họ đã bán cho khách hàng. Hãy lấy ví dụ để minh họa. Một chàng trai trẻ vừa mua chiếc máy tính bảng Ipad Pro mới cứng. Vì bất cẩn, cậu đánh rơi, màn hình bị nứt và máy bị trục trặc. Với nỗ lực lớn của bố cậu, một kỹ sư lành nghề, họ đã mở được chiếc Ipad. Tuy nhiên, máy quá phức tạp để có thể tự sửa chữa, vì thế, họ đành phải tìm đến hệ thống hỗ trợ khách hàng của Apple. Nếu không mua bảo hiểm AppleCare + lúc mua Ipad, họ sẽ phải trả gần 600 USD để thay màn hình và sửa chữa khác. Trong khi đó, một chiếc máy mới trên Amazon chỉ có giá gần 700 USD. Phần lớn mọi người trong trường hợp này đều chọn cách vứt chiếc máy cũ đi và mua một chiếc máy mới. Hiện nay, "táo khuyết" là một trong các công ty hàng đầu sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao tạo ra nhiều lợi nhuận nhất thế giới. Người khổng lồ công nghệ này đã tạo ra hàng loạt các thiết bị công nghệ cao và rất khó sửa chữa khi bị hỏng hóc. Vì thế, người mua chỉ còn cách mua bảo hành, nếu như không muốn vứt bỏ thiết bị của mình khi gặp trục trặc.
Kyle Schwarting là một nông dân sống ở vùng Nebraska, Mỹ. Anh sở hữu một trang trại và để nó vận hành, anh cần nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ. Một trong những máy móc đó là chiếc xe chạy bằng bánh xích nặng 27 tấn, có giá 250.000 USD của hãng Case sản xuất. Chiếc xe này được vận hành nhờ vào công nghệ tiên tiến nhất, mọi điều khiển có thể thực hiện trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, một năm qua, chiếc xe này cứ 10 phút lại tự động réo chuông báo lỗi ở một chương trình vận hành mà Schwarting không sử dụng. Schwarting không thể tắt chuông báo động đi một cách đơn giản. Anh phải kết nối với chương trình điều khiển xe, dùng một công cụ đặc biệt để vào chương trình này và tìm cách xử lý. Vấn đề là công cụ này chỉ có nhà sản xuất và một số cửa hàng bán xe được sở hữu. Mỗi lần Schwarting muốn thuê công cụ đó, anh sẽ phải trả số tiền không nhỏ cho cửa hàng bán xe. Đối với một người sinh ra trong gia đình làm nghề nông lâu đời, luôn có thói quen tự sửa vật dụng trong nhà, điều này thật khó chấp nhận với Schwarting.
Đối với những người mua xe không người lái của hãng xe điện Mỹ Tesla cũng thế. Năm ngoái, Giám đốc điều hành của Tesla Motors Elon Musk thông báo những người mua xe Tesla chỉ có thể chia sẻ xe của mình với "gia đình và bạn bè" chứ không được dùng với mục đích kiếm tiền như tham gia vào mạng lưới Uber. Nếu muốn dùng xe không người lái cho mục đích thương mại, người dùng cần phải chờ để đăng ký với hãng Tesla. Những người như Schwarting, các chủ sở hữu xe không người lái Tesla, hay nhiều người mua các sản phẩm siêu công nghệ của Apple, đều có chung một nỗi niềm, đó là cho dù họ bỏ tiền ra mua các thiết bị, nhưng họ không có quyền kiểm soát các phần mềm cài sẵn trong đó. Trên thực tế, họ chỉ trả tiền để được sử dụng các phần mềm này. Vì vậy, tuy các thiết bị thuộc quyền sở hữu cá nhân của người mua, nhưng chủ sở hữu không có thực quyền với thiết bị đó.
Kỹ thuật viên đang sửa chiếc iPhone 6. (Nguồn: The Guardian) |
Các nhà sản xuất tìm cách hạn chế quyền kiểm soát của người mua sản phẩm, bằng cách sử dụng các công nghệ ngày càng phức tạp với lý do chính đáng. Theo các công ty này, họ làm thế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm máy móc vận hành đúng chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và phòng chống xâm phạm, phá hoại phần mềm. Phải công nhận rằng, một số nhà sản xuất thực sự sử dụng khả năng kiểm soát phần mềm trong sản phẩm để bảo vệ lợi ích của người mua. Ví dụ như khi siêu bão Irma đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) tháng Chín vừa qua, Tesla đã nâng cấp phần mềm kiểm soát pin của một số sản phẩm mẫu, giúp người mua có thể tìm cách tránh bão dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, càng nhiều phần mềm ứng dụng được sử dụng, người mua lại càng dễ mất kiểm soát đối với tài sản của mình. Từ điện thoại thông minh cho đến máy giặt đều trở nên khó sửa chữa khi gặp trục trặc và điều đó có nghĩa là khi hỏng, chúng sẽ bị vứt ra bãi rác. Không chỉ thế, sự riêng tư cá nhân cũng bị đe dọa. Nhiều người mua robot hút bụi iRobot đã choáng váng khi biết rằng sản phẩm này còn tạo ra bản đồ số của căn nhà. Bản đồ sẽ được bán cho các nhà quảng cáo sản phẩm. Sau khi các hacker (người xâm nhập trái phép vào phần mềm) phát hiện ra sản phẩm tình dục tế nhị We-vibe đã thu thập những thông tin cá nhân về người mua nó, thì hãng sản xuất We-vibe đã phải thương lượng trả cho khách hàng và luật sư tới 3,2 triệu USD để dàn xếp vụ việc.
"Quyền bình đẳng về sửa chữa"
Gần đây, đứng trước thực tại là người mua mất quyền kiểm soát sản phẩm như tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân, nhiều người Mỹ đã vận động đòi thông qua luật công nhận "Quyền được sửa chữa" (Right to Repair) của người mua. Schwarting là một trong nhiều nông dân Mỹ đấu tranh đòi thông qua luật trên, cho phép chủ sở hữu được tiếp cận và sửa chữa thiết bị mà họ mua về. Anh cùng nhiều người khác đứng đằng sau dự thảo luật có tên "Fair Repair" (tạm dịch: Quyền bình đẳng về sửa chữa) của tiểu bang Nebraska. Dự thảo luật yêu cầu các công ty sản xuất cung cấp cho khách hàng cũng như các cửa hàng sửa chữa máy móc độc lập công cụ phân tích, sách hướng dẫn… - những thứ hiện nay chỉ thuộc quyền tiếp cận của nhà phân phối sản phẩm. Các cửa hàng sửa chữa độc lập ủng hộ dự thảo luật này, vì từ trước đến nay, họ gặp nhiều khó khăn để tìm được bộ phận thay thế hay thông tin liên quan đến việc sửa chữa thiết bị. Rõ ràng là luật này có lợi không chỉ cho một nhóm đối tượng nhỏ, mà cho tất cả những ai sở hữu các vật dụng điện tử.
Không chỉ thế, dự thảo luật còn đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều, đó là bảo vệ môi trường. Việc ngăn cản người mua tự sửa chữa vật dụng sẽ dẫn đến kết quả là người ta thải ra ngày càng nhiều rác điện tử, mối đe dọa khủng khiếp cho môi trường. Vì thế, nếu "Quyền bình đẳng về sửa chữa" được thông qua, nó sẽ góp phần hạn chế ô nhiêm môi trường, thúc đẩy tái chế. Thượng nghị sĩ Mỹ Phill Boyle, người ủng hộ dự thảo, cho biết "khi giá thành sửa chữa áp đặt bởi nhà sản xuất quá cao, khách hàng có xu hướng vứt bỏ sản phẩm hỏng và mua đồ mới thay thế. Điều này khiến các khu chứa rác thải trở nên quá tải, trong khi đây lại là loại rác khó tái chế".
Tuy nhiên, dự luật trên gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà sản xuất lớn như Apple, Tesla hay John Deere, AT&T… và một số tổ chức trong ngành công nghiệp công nghệ của Mỹ như Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), Hiệp hội Internet và Viễn thông di động (CTIA) và Hiệp hội công nghiệp công nghệ máy tính (CompTIA)."Dự luật có thể làm suy yếu các tính năng bảo mật trong các thiết bị điện tử. Đó không phải là chuyện pin hay màn hình không hoạt động được nữa", Alexi Madon của CompTIA nói.
Nebraska là một trong tám bang của Mỹ, bên cạnh Minnesota, New York, Massachusetts, Illinois, Wyoming, Tennessee và Kansas tìm cách để thông qua luật công nhận "Quyền được sửa chữa". Nếu dự luật này - tên chính thức là BL67 - được thông qua, nó sẽ tạo ra hiệu ứng domino trên toàn nước Mỹ, đặt nền tảng cho sự ra đời một quyền mới, có ích cho số đông.
“Chiến lược P.L.A.C.E marketing” trong bán hàng là gì? Áp dụng thành tựu của công nghệ số, tạo lập địa điểm bán hàng hiện hữu, kết hợp bán hàng đa kênh... là 3 trong ... |
Quảng bá tư tưởng dân chủ, nhân quyền trong kỷ nguyên công nghệ số Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền của IPU đã tiến hành thảo luận chuyên đề nghị quyết về dân chủ trong ... |
Độc đáo thư viện sách mini ở Mỹ Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, khi độc giả có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi bằng máy tính bảng, laptop hay ... |