Một phi công thuộc lực lượng không quân Nga đoàn tụ với gia đình khi nhóm máy bay chiến đấu Sukhoi Su-34 đầu tiên của Nga trở về từ Syria ngày 15/3/2016. Ảnh: Tass |
Quyết định của ông Putin mở ra hy vọng chưa bao giờ lớn hơn về việc tìm kiếm được một giải pháp giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria – hiện được cho là cuộc chiến tranh tồi tệ nhất thế kỷ 21. Đây là ý nghĩa lớn nhất từ quyết định của Tổng thống Putin đối với cộng đồng quốc tế. Còn đối với riêng Nga và Tổng thống Putin, việc rút quân được xem là nước cờ khôn ngoan, đem lại nhiều lợi ích.
Vì sao rút quân?
Quyết định rút quân ra khỏi Syria của Nga hoàn toàn đột ngột. Cách đây 6 tháng, Moscow phát động chiến dịch can thiệp vào chiến trường Syria bất ngờ như thế nào thì giờ đây họ cũng rút quân bất ngờ như thế.
Giải thích về quyết định này, Tổng thống Putin chỉ nói ngắn gọn rằng, nhiệm vụ và mục tiêu mà Nga đặt ra cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria về cơ bản đã hoàn thành.
Ông Putin đã hoàn toàn đúng khi nói điều đó. Dù tuyên bố phát động chiến dịch không kích vào Syria để chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng ai cũng hiểu mục tiêu cao nhất của Nga là cứu chính quyền của đồng minh Bashar al-Assad không để sụp đổ.
Sẽ là thảm họa đối với Moscow nếu sườn phía Nam của điện Kremlin mất đi Damascus cũng như mất đi các cảng Địa Trung Hải then chốt ở Syria. Syria là “căn cứ” duy nhất còn lại của Nga ở khu vực Trung Đông chiến lược. Mất đồng minh này đồng nghĩa với việc Moscow mất hoàn toàn ảnh hưởng ở nơi đây cũng như rất nhiều lợi ích chiến lược khác.
Thêm vào đó, sức mạnh quân sự hiện tại của Nga đã giúp đảo chiều cuộc chiến ở Syria với lợi thế nghiêng hẳn về phía chính quyền của Tổng thống Assad. Từ đó, cùng với Mỹ, Nga sẽ có tiếng nói quyết định trên bàn đàm phán về vấn đề Syria – có thể định ra luật chơi và chia chác lợi ích ở Syria thời hậu chiến.
Không vô cớ mà nhiều nhà phân tích đã bày tỏ sự thán phục trước việc ông chủ điện Kemlin ra lệnh rút quân vào thời điểm đúng lúc như vậy. Ông Doug Macgregor – người từng là chỉ huy và cũng là nhà chiến thuật quân sự hàng đầu của Mỹ, đã phải thốt lên: “"Giá như chúng ta có được những nhà lãnh đạo thông minh như vậy. Chúng ta đáng ra nên làm điều tương tự ở Iraq vào mùa thu năm 2003. Chúng ta đáng ra nên rời Afghanistan từ năm 2002. Thay vào đó, chúng ta đã làm trầm trọng thêm các cuộc đối đầu căng thẳng trong khu vực và trao cho Iran quyền kiểm soát Iraq. Afghanistan hiện giờ trở nên chia rẽ hơn, tham nhũng hơn và bất ổn hơn so với thời kỳ năm 2001".
Sự rút quân của Nga cho thấy, họ chỉ “chơi” vừa đủ để có thể giành được cho Nga một chiếc ghế quan trọng trên bàn đàm phán và từ đó bảo đảm rằng Moscow có cơ hội để gây áp lực, đem về lợi ích cho quốc gia trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào.
Lợi đơn lợi kép
Giờ đây, không ai ở Damascus cũng như ở Geneva có thể phủ nhận vai trò của Nga trong bàn cờ Syria. Nga là thành phần không thể thiếu trong tiến trình đàm phán, hơn nữa còn có thể tiếp tục duy trì được các căn cứ quân sự ở Syria cũng như duy trì được các mối quan hệ cấp cao trong quân đội Syria.
Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội rút "phần lớn" lực lượng khỏi Syria. Ảnh: Getty Images |
Rút quân vào thời điểm này cũng giúp Nga gây áp lực buộc Tổng thống Assad phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận một vài sự thỏa hiệp để đổi lấy hòa bình. Qua đó, Moscow cũng giảm bớt gánh nặng khi phải tiếp tục hậu thuẫn ông Assad, nhất là khi nền kinh tế của Nga vẫn đang gặp khó khăn vì giá dầu lao dốc cũng như ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, Moscow còn tránh được viễn cảnh xấu mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng dự đoán, đó là sự sa lầy của Nga trong cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông.
Ấn tượng hơn, việc Nga rút ra khỏi Syria còn đem lại uy tín cho Nga trên trường quốc tế, giúp Tổng thống Putin tiếp tục đánh bóng hình ảnh trong lòng người dân ở xứ sở Bạch Dương. Moscow rõ ràng đã thể hiện cho thế giới thấy được rằng, họ không phải là nước ham chiến tranh mà sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho con đường hòa bình. Đồng thời, với chiến dịch quân sự thành công ở Syria, Nga cũng cho các nước thấy được sức mạnh và sự đáng tin cậy của một nước Nga đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Điều này sẽ trở nên nổi bật hơn khi các nước có sự so sánh giữa Nga và Mỹ.
Về phần mình, ông Putin sẽ nhận được thêm sự tín nhiệm của người dân trong nước khi đưa những người lính trở về đúng lúc, không hy sinh vô ích thêm những người con, người cháu của họ mà vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia.