Cần hiểu ý thức văn hóa trong dịch thuật ít nhất theo hai góc độ. Một là ý thức bảo tồn văn hóa của nước mình khi lựa chọn biên dịch một tác phẩm nước ngoài nào đó. Hai là ý thức văn hóa, ý thức hành nghề của các dịch giả.
Ở góc độ thứ nhất, có thể nhận thấy, trong tình trạng dịch thuật hiện nay, vấn đề này đang dần bị xao lãng, rất cần cảnh báo. Hàng loạt tác phẩm nước ngoài đã dịch sang tiếng Việt không được chọn lựa một cách kỹ lưỡng. Trong khi tại quê hương của chính nó, các tác phẩm này bị coi là “rác văn hóa”, hạn chế lưu hành (đa phần là lan truyền trên cộng đồng mạng) thì khi sang đến Việt Nam, qua bàn tay của một số dịch giả, nhà xuất bản chạy theo thị hiếu, thị trường, chúng trở thành những tựa sách bán chạy, thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ bạn đọc trẻ. Đó không hẳn chỉ là những sách truyện ngôn tình, mà còn được ngụy trang trong những vỏ bọc như các loại sách hướng nghiệp, sách dạy làm người, sách cuộc sống...
Ở góc độ thứ hai, trong thời kỳ giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thị trường sách dịch có cơ hội nở rộ và phát triển phong phú hơn bao giờ hết. Nhằm chạy theo số lượng đầu sách, nhiều dịch giả có uy tín đã nhận nhiều bản hợp đồng dịch sách cùng một lúc. Khi không thể kham nổi số lượng sách dịch này, họ bèn tìm cách nhờ đến một bộ phận chuyên dịch thô. Sau khi có được bản dịch thô, dịch giả chỉ bỏ ít công sức gọt giũa lại câu chữ, sửa chữa đôi lỗi hành văn thì đã có một bản dịch hoàn chỉnh. Và tất nhiên, khi vừa xuất bản, hàng trăm lỗi sơ đẳng của bản dịch liền bị độc giả điểm mặt chỉ tên trong tâm trạng thở dài ngán ngẩm...
“Từ nay hãy gọi tôi là... dịch giả”?
Nếu như trước đây, đội ngũ dịch giả chủ yếu là các nhà nghiên cứu, có thời gian dài gắn bó với lĩnh vực mà mình dịch thuật, thì trong thời buổi toàn cầu hóa về ngôn ngữ và công nghệ như hiện nay, đội ngũ này đã mở rộng rất nhiều về đối tượng. Dễ nhận thấy, ngày nay, công việc phiên dịch còn có sự góp mặt của những người say mê dịch thuật, yêu thích văn chương.
Lẽ dĩ nhiên, đây là những dịch giả ngoại đạo về văn học (so với những dịch giả được đào tạo bài bản). Công việc dịch thuật văn chương, ít nhất đòi hỏi người dịch phải có kiến thức về văn học so sánh, ngôn ngữ học và đặc biệt là vốn văn hóa của hai nền văn hóa. Trong khi đó, đây là điểm yếu của nhiều người trẻ hiện nay khi tiến hành dịch một ấn phẩm nào đó.
Việc một đầu sách nào đó đang là sách “best seller” (sách bán chạy) ở nước sở tại và trên thế giới cũng khiến cho độc giả Việt (nhất là các bạn trẻ) ăn ngủ không yên. Nắm bắt nhu cầu không hề nhỏ này của thị trường sách Việt, nhiều đơn vị làm sách đã nhanh chóng liên hệ bản quyền và chuyển ngữ đầu sách đó tại Việt Nam. Chính sự gấp rút này đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong công tác dịch thuật.
Trong những lỗ hổng đó, việc giao nhầm dịch giả được cho là tai hại nhất. Việc chọn mặt gửi vàng, tìm ra dịch giả xứng đáng là hết sức quan trọng. Thế nhưng, thực tế diễn ra thường không như vậy và với áp lực thời gian, những bản dịch này thường kém chất lượng. Mặt khác, sách “best seller” nhưng chưa chắc là sách có giá trị. Không hiếm những đầu sách được quảng bá rất rùm beng nhưng giá trị nội dung, ý nghĩa thực tiễn mà nó mang lại dường như chỉ dừng lại ở mức đọc cho vui.
TRẦN XUÂN TIẾN
Khoa KHXH&VN - Trường Đại học Văn hiến