📞

Serbia trước ngã ba đường

14:42 | 30/01/2008
Serbia đang chuẩn bị tổ chức vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/2 tới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi bản hiến pháp mới của Serbia được thông qua hồi năm ngoái, trong đó khẳng định tỉnh Kosovo là vùng lãnh thổ không thể tách rời của nước Cộng hòa thuộc Nam Tư cũ này.

Cuộc quyết đấu sắp tới sẽ diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo có quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề ly khai của Kosovo là cựu Chủ tịch Quốc hội Tomislav Nikolic, một người theo chủ nghĩa dân tộc và đương kim Tổng thống Boris Tadic, một người thân phương Tây. Theo giới phân tích, kết quả cuộc bầu cử sẽ xác định rõ thái độ của người dân Serbia đối với kế hoạch tuyên bố độc lập của tỉnh Kosovo cũng như việc gia nhập EU của Serbia.

Kosovo - Trọng tâm của cuộc bầu cử

Với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó người gốc Albania chiếm tới gần 90% dân số, Kosovo là một tỉnh thuộc Serbia. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc chiến tranh giữa những người ly khai Albania và quân đội Serbia kết thúc vào năm 1999, Kosovo được đặt dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc và NATO.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước phương Tây, gần đây, cộng đồng người Albania ở Kosovo đã liên tục lên tiếng đòi tách Kosovo ra khỏi Serbia để trở thành quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Serbia đã cực lực phản đối kế hoạch này. Thậm chí, Chính phủ Serbia còn thông qua một "kế hoạch mật" để thực thi "trong trường hợp" tỉnh Kosovo "đơn phương tuyên bố độc lập". Theo đó, Serbia có thể sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Kosovo, áp dụng lệnh cấm vận thương mại, từ chối công nhận hộ chiếu Kosovo, buộc khách du lịch phải đi đường vòng để tới Tây Âu và rút Đại sứ tại các nước công nhận Kosovo.

Một tháng trước cuộc bầu cử, các cuộc đàm phán giữa Belgrade và Pristina về quy chế cuối cùng cho Kosovo đã thất bại. Ông Hashim Thaci, Thủ tướng mới đắc cử của Kosovo, tuyên bố đàm phán sẽ không mang lại kết quả gì và độc lập là giải pháp duy nhất cho Kosovo. Nhiều thông tin cho rằng chính quyền Kosovo có thể sẽ đơn phương tuyên bố độc lập ngay sau khi cuộc bầu cử.

Do là vấn đề nhạy cảm, lại xảy ra trước thời điểm bầu cử nên sự ly khai của Kosovo trở thành vấn đề trọng tâm trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống ở Serbia. Trong quá trình tranh cử, chỉ một ứng cử viên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chủ quyền đối với Kosovo để gia nhập EU là ông Cedomir Jovanovic của Đảng Tự do Dân chủ. Tuy nhiên, ông Jovanovic đã thất bại tại vòng một do chỉ giành được 5,35% trong tổng số phiếu, đứng thứ 5 trong số 9 ứng cử viên. Điều này cho thấy đa số người dân Serbia không ủng hộ việc từ bỏ chủ quyền của Serbia đối với tỉnh Kosovo. Cả hai ứng cử viên lọt vào vòng 2 là ông Tadic, Chủ tịch Đảng Dân chủ Serbia và ông Nikolic, Phó Chủ tịch Đảng Cấp tiến Serbia, đều phản đối việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập.

Mặc dù vậy, quan điểm của họ đối với vấn đề này cũng có điểm khác biệt. Ông Nikolic, một người có xu hướng thân Nga, tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với bất cứ nước nào công nhận độc lập của Kosovo và đe dọa sẽ chấm dứt nỗ lực của Serbia gia nhập EU nếu như các nước EU công nhận độc lập của tỉnh này. Trong khi đó, ông Tadic, thân phương Tây, có thái độ ôn hòa hơn khi chủ trương ưu tiên hơn cho mục tiêu đưa Serbia gia nhập EU và cần sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền của Serbia đối với Kosovo.

Gắn với phương Tây hay Nga?

Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Nikolic dường như đang có ưu thế hơn đương kim Tổng thống Tadic. Nguyên nhân một mặt là do chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nước này, trong đó người dân Serbia tỏ ra kiên quyết trong việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, ảnh hưởng của Nga đang tăng cao ở Serbia và Mátxcơva luôn ủng hộ quan điểm của Belgrade duy trì chủ quyền của Serbia đối với Kosovo.

Quan điểm của ông Nikolic có nhiều điểm tương đồng với Thủ tướng Vojislav Kostunica - người được coi có vai trò quyết định đối với kết quả vòng 2. Ông Kostunica là đối tác của ông Tadic trong chính phủ liên minh, nhưng lại phản đối mạnh mẽ quan điểm của EU về vấn đề Kosovo. Ông Kostunica đã từng cáo buộc Mỹ cản trở những nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp trong đàm phán với các nhà lãnh đạo tỉnh Kosovo khi công khai tuyên bố ủng hộ Kosovo tuyên bố độc lập, đồng thời khẳng định Serbia sẽ chỉ tham gia bất cứ quá trình hội nhập nào với tư cách quốc gia toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kostunica cũng có quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi hơn với Mátxcơva.

Trong vòng 1, ông Kostunica ủng hộ ứng cử viên về vị trí thứ ba là ông Velimir Ilic. Tuy nhiên, do sự tương đồng trong quan điểm với ông Nikolic, theo các nhà quan sát, Thủ tướng Kostunica có thể quay sang ủng hộ vị cựu Chủ tịch Quốc hội này và điều này sẽ là lợi thế hơn cho ông Nikolic.

Theo một số nhà quan sát, cho dù Thủ tướng Kostunica có ủng hộ ông Nikolic chăng nữa thì vị Phó Chủ tịch Đảng Cấp tiến Serbia này cũng không thể dễ dàng giành thắng lợi trước Tổng thống sắp mãn nhiệm Tadic. Hiện nay, không ít người Serbia lo ngại việc ông Nikolic chiến thắng sẽ khiến cho Serbia cô lập với thế giới bởi vị chủ tịch của Đảng Cấp tiến Serbia - người đồng nghiệp của ông Nikolic - đang phải đứng trước tòa để bào chữa cho những cáo buộc về tội ác chiến tranh.

Trong khi đó, việc gia nhập EU sẽ mang lại cho Serbia những lợi ích không nhỏ. Thị trường rộng lớn của EU sẽ mở cửa cho lao động và hàng hoá từ Serbia. Thế nhưng, liệu chừng đó có đủ để người Serbia chấp nhận từ bỏ chủ quyền đối với Kosovo để gia nhập EU hay không? Câu hỏi này chỉ được trả lời sau cuộc đấu tay đôi là cuộc bỏ phiếu vòng 2 sắp tới.

Thanh Tùng