TIN LIÊN QUAN | |
Elon Musk tuyên bố sẽ đưa con người định cư ở sao Hỏa | |
Nga - Mỹ hợp tác xây trạm vũ trụ trên Mặt trăng |
Ngày 4/10/1957, tiến sĩ John P. Hagen đến dự tiệc tại Đại sứ quán Liên bang Xô Viết ở thủ đô Washington D.C của nước Mỹ từ rất sớm. Bữa tiệc này diễn ra sau một hội nghị khoa học quốc tế kéo dài sáu ngày. Tiến sĩ Hagen - nhà khoa học cấp cao thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân, phụ trách dự án vệ tinh Vanguard - muốn tìm hiểu suy nghĩ và cảm xúc của các đồng nghiệp Liên Xô về những nỗ lực để phóng vệ tinh nhân tạo nhằm hưởng ứng Năm Địa vật lý quốc tế (IGY). Ông băn khoăn liệu Liên Xô có phóng vệ tinh vào năm 1958 theo kế hoạch hay không.
Chỉ huy của hai tàu Apollo 18 và Soyuz 19 là Tom Stafford và Alexey Leonov đã trao nhau cái bắt tay quốc tế đầu tiên trên vũ trụ, ngày 17/7/1975. (Nguồn: CNN) |
IGY là dự án khoa học quốc tế hướng tới sự hợp tác chưa từng có tiền lệ giữa các nhà khoa học để thu thập các dữ liệu về tầng cao khí quyển Trái đất và các phản ứng của nó với các chu kỳ Mặt trời tiếp theo, giữa tháng 7/1957 và tháng 12/1958. |
Tại hội nghị trên, các nhà khoa học từ Mỹ, Liên Xô và năm quốc gia khác đã thảo luận về các nghiên cứu tên lửa và vệ tinh. Một số đại diện của Liên Xô nói rằng họ có thể phóng vệ tinh khoa học trong vòng vài tuần thay vì hàng tháng. Tiến sĩ Hagen cảm thấy lo lắng trước tuyên bố này. "Một khởi đầu bất ngờ của Liên Xô có ý nghĩa gì đối với chương trình Vanguard và nước Mỹ?", ông tự hỏi. Hagen đã không phải chờ đợi lâu để tìm được câu trả lời.
Walter Sullivan, phóng viên của The New York Times tham dự tiệc chiêu đãi, đã nhận được cú điện thoại từ Trưởng văn phòng đại diện ở Washington. Sullivan được biết hãng thông tấn TASS vừa công bố Liên Xô phóng thành công Sputnik 1 trong ngày 4/10/1957. Trở lại bữa tiệc, Sullivan tìm Richard Porter - thành viên của Ủy ban IGY Mỹ và thì thầm: "đã hoàn thành rồi". Porter đỏ bừng mặt khi nghe tin này, mặc dù ông cũng nghi ngờ về việc phóng Sputnik sắp xảy ra. Porter lướt qua đám đông các nhà khoa học, chính trị gia, các nhà báo, thợ ảnh và cả các điệp viên để tìm Lloyd Berkner – đại diện chính thức của Mỹ tại tổ chức khoa học quốc tế CSAGI. Biết tin, Berkner vỗ tay để gây chú ý. “Tôi muốn tuyên bố”, ông nói. “Tôi đã được The New York Times thông báo rằng vệ tinh Liên Xô đang bay theo quỹ đạo ở độ cao 900 km và tôi muốn chúc mừng các đồng nghiệp Liên Xô về thành tích của họ”.
Sắc mặt Hagen nhợt nhạt. Vậy là Moscow đã vượt qua Washington trong nỗ lực đưa vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ.
Vệ tinh Sputnik 1. (Nguồn: NASA) |
Tiếng “bíp bíp” làm nên lịch sử
Sputnik 1 được phóng đi từ bệ phóng Baikonur ở Kazakhstan. Những âm thanh đầu tiên do vệ tinh này gửi về Trái đất từ vũ trụ đã thúc đẩy nhiều nước, bao gồm Mỹ, theo đuổi các sáng kiến không gian tiếp tục cho đến ngày nay. Chuyên gia thuộc chương trình vũ trụ của Nga Yuri Karash đánh giá, việc phóng Spuknik 1 có ý nghĩa đối với nhân loại như sự kiện Columbus phát hiện ra châu Mỹ. Từ đây, con người bắt đầu mở rộng môi trường sống của mình ra bên ngoài Trái đất.
Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) hiện nay Igor Komarov cho rằng, Sputnik 1 "thực sự có ý nghĩa quan trọng và gây xúc động với tất cả người dân Liên Xô". Đó là bước đột phá, là bằng chứng về những tiến bộ công nghệ cũng như thành công trong chương trình không gian của Moscow. Rõ ràng là đối với Liên Xô, hình ảnh và vị thế của nước này được tăng cường mạnh mẽ trên trường quốc tế chỉ sau một đêm. John Krige, nhà sử học về khoa học và công nghệ, thì nhận định, Sputnik có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó đã phát động cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô.
Sputnik 1 có thiết kế nhỏ gọn và đơn giản. Nó là một quả cầu nhôm có đường kính 58 cm, nặng 83,6 kg, bên trong chứa đầy nitrogen và mất khoảng 98 phút để bay hết một vòng quanh Trái đất. Trên vệ tinh này có bốn chiếc ăng-ten râu xòe ra xung quanh cùng hai máy phát tín hiệu radio để gửi những tiếng "bíp bíp" đi khắp thế giới. Âm thanh ấy vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay.
“Đây là bước đi nhỏ của một con người, nhưng là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong nói sau khi đặt chân lên Mặt trăng. Ông đã đi vào lịch sử nhân loại khi trở thành người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng. |
Người Mỹ giật mình
Trong khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower và các quan chức Mỹ chúc mừng Liên Xô và cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của thành tựu này, họ đã đánh giá sai về phản ứng của công chúng Mỹ. Theo sử gia người Mỹ Roger D. Launius, việc Liên Xô phóng thành công Sputnik 1 đã tạo ra hiệu ứng "Trân Châu Cảng" đối với công luận Mỹ, làm dấy lên câu hỏi về trình độ công nghệ và khả năng của nước này ở nhiều lĩnh vực khác. Thượng nghị sĩ Lyndon B. Johnson, sau này trở thành chủ nhân thứ 36 của Nhà Trắng, từng chia sẻ sự kiện là "cú sốc mạnh" đối với ông khi ông nhận ra một quốc gia khác đã vượt qua Mỹ về công nghệ. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng sự kiện đã gây tổn hại cho địa vị quốc tế của nước Mỹ. Một số người khác lại lo ngại khả năng phóng vệ tinh của Liên Xô có thể biến thành khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân từ châu Âu tới Mỹ.
Trong khi đó, chưa đầy một tháng sau, khi Sputnik 1 đang bay vòng quanh Trái đất, ngày 3/11/1957, Liên Xô tiếp tục phóng vệ tinh Sputnik 2 nặng nửa tấn mang theo chó Laika - động vật đầu tiên bay vào vũ trụ. Các cuộc phóng vệ tinh Sputnik thành công của Liên Xô đã buộc Mỹ phải hành động mạnh mẽ hơn. Nước này bắt đầu những nỗ lực vượt bậc để lấy lại thế thượng phong về khoa học kỹ thuật. Tháng 9/1958, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Giáo dục Quốc phòng (NDEA) - chương trình giáo dục liên bang có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử của quốc gia này. Đạo luật đã cho phép chi ra hơn 1 tỷ USD để cải cách giáo dục, xây dựng thêm nhiều trường mới, cấp học bổng cho sinh viên giỏi…, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành công nghiệp quốc phòng và nhiều chương trình khác. Sputnik cũng được xem là động lực để Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Không gian và Vũ trụ Quốc gia, cho phép thành lập Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) trong năm 1958. Kể từ đó, Mỹ đã đạt được những bước nhảy vọt khổng lồ trong cuộc đua không gian như việc hạ cánh thành công tàu Apollo 11 trên Mặt trăng vào tháng 7/1969.
“Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Đây là câu nói đầu tiên từ vũ trụ của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin chuyển về Trái đất. |
Từ đối thủ thành đối tác
Cuộc ghép nối lịch sử giữa tàu vũ trụ Soyuz-19 (Liên Xô) và Apollo-18 (Mỹ) vào tháng 7/1975 đã giúp chấm dứt cuộc chạy đua khai phá không gian giữa hai siêu cường trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác không gian giữa Moscow và Washington mà thành quả nổi bật là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được đưa vào hoạt động từ năm 1998.
Liên Xô và Mỹ lần đầu thảo luận khả năng kết nối hai tàu vũ trụ từ tháng 10/1970. Hai năm sau, hai nước ký thỏa thuận cho sứ mệnh không gian chung có tên “Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz”. Mục tiêu chính của kế hoạch là thiết kế và xây dựng hệ thống kết nối quốc tế, cho phép hai tàu vũ trụ khác nhau kết nối trong quỹ đạo, tạo cơ hội cho các phi hành đoàn đẩy mạnh hợp tác thí nghiệm. Chính Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã khởi xướng ý tưởng thiết lập sứ mệnh không gian chung kể trên. Kể từ đó, các nhà khoa học và phi hành gia Liên Xô và Mỹ được đào tạo không chỉ tại quê nhà mà còn ở nước đối tác.
Sứ mệnh được gọi là “cái bắt tay trong không gian” đã trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất khi ấy. Vào thời điểm đó, phi hành gia Mỹ Tom Stafford đã phát biểu: “Lúc chúng tôi mở cửa tàu vũ trụ, chúng tôi cũng đã mở ra cho Trái đất một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại”.
Sáu mươi năm sau sự kiện Sputnik 1, ông Igor Komarov - Tổng Giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos - cũng cho rằng điều quan trọng hiện nay là sự hợp tác giữa các nhà khoa học Nga với các đối tác như NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để đạt được những đột phá trong công cuộc chinh phục vũ trụ, trong đó có việc tiến hành giai đoạn hai của chương trình ExoMars khám phá hành tinh đỏ vào năm 2020. Ông Komarov cho biết thêm khám phá Mặt trăng trong tương lai sẽ bao gồm việc thiết lập trạm căn cứ quốc tế và con người có thể sống ở đó.
Chắc hẳn, những sứ mệnh như vậy đối với Mặt trăng, sao Hỏa hay các hành tinh khác sẽ làm hài lòng các kỹ sư và nhà khoa học đã góp phần tạo ra Sputnik - những con người mà tầm nhìn, nỗ lực và khát vọng vẫn còn vang dội 60 năm sau đó.
Tàu vũ trụ Trung Quốc ghép thành công với trạm không gian Vào lúc 23h58 ngày 12/9 (theo giờ địa phương), tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 1 đã ráp nối thành công lần thứ 3 ... |
Tàu vũ trụ của NASA sắp “tự sát” trên Sao Thổ Tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ kết thúc sứ mệnh kéo dài 13 năm và lao ... |
Hai nhà du hành vũ trụ đi bộ 7 giờ rưỡi trong không gian Ngày 18/8, Hãng tin TASS của Nga cho biết hai nhà du hành vũ trụ Nga đã quay trở lại Trạm Vũ trụ Quốc tế ... |