Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, gấu trúc là sứ giả của tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: Getty) |
Cử chỉ hữu nghị
Thỏa thuận này diễn ra vài tháng sau bài phát biểu của ông Tập với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại San Francisco tháng 11/2023, trong đó ông gọi gấu trúc là “sứ giả của tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục chương trình này với Mỹ.
Ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, kể từ những năm 1990, Trung Quốc tiến hành hợp tác bảo tồn gấu trúc với 26 tổ chức ở 20 quốc gia, góp phần cải tiến bảo tồn và hợp tác quốc tế trong bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và tăng cường tình hữu nghị giữa các bên.
Theo đó, gần đây Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc (CWCA) đã đàm phán và nhất trí với Sở thú San Diego ở Mỹ và Sở thú Madrid ở Tây Ban Nha về “một vòng hợp tác quốc tế mới về bảo tồn gấu trúc”. CWCA cho biết thêm, các cuộc đàm phán tương tự cũng đang tiến hành với Vườn thú quốc gia ở Washington và một vườn thú ở Áo.
Trước đó, ba con gấu trúc cuối cùng ở Washington là Mei Xiang (25 tuổi) Tian Tian (26 tuổi) và Xiao Qi Ji - con của Mei Xiang và Tian Tian (3 tuổi) đã được đưa về Trung Quốc hồi tháng 11/2023 và gửi đến chăm sóc tại Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, nơi sinh sống của hầu hết loài gấu trúc khổng lồ Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của Viện Chính sách xã hội châu Á Rorry Daniels bình luận, gấu trúc là biểu tượng tuyệt vời của mối thiện chí, hỗ trợ kết nối giữa con người với con người. Với nhiều người Mỹ - đặc biệt là trẻ em - việc tận mắt nhìn thấy gấu trúc là trải nghiệm đầu tiên với nét độc đáo của bản sắc Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên. Từ thời nhà Đường (618–907), Trung Quốc bắt đầu gửi gấu trúc làm quà tặng ngoại giao, truyền thống ấy tiếp tục duy trì cho đến nay và thường được biết đến với cụm từ “ngoại giao gấu trúc”. Theo đó, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy Ethan Paul cho rằng, ngoại giao gấu trúc có lẽ là công cụ quyền lực mềm tốt nhất mà Trung Quốc có trong tay.
Trong chuyến thăm lịch sử năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và được tặng cặp gấu trúc Ling-Ling và Hsing-Hsing. (Nguồn: South China Morning Post) |
Lịch sử đặc biệt
Ba con gấu trúc vừa hồi hương nằm trong số 8 cá thể gấu trúc sống ở sở thú Washington từ năm 1972. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và đệ nhất phu nhân Pat Nixon tới Trung Quốc năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai tặng Mỹ hai con gấu trúc 18 tháng tuổi tên là Ling-Ling và Hsing-Hsing. Ling-Ling đột ngột qua đời năm 1992 và Hsing-Hsing ốm yếu đã được an tử tháng 11/1999. Vườn thú khi đó không còn gấu trúc cho đến hơn một năm sau, tháng 12/2000, cặp gấu Tian Tian và Mei Xiang đến.
Đến năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc thay đổi, những con gấu không còn được tặng làm quà nữa mà thay vào đó được cho mượn trong 10 năm và có thể được gia hạn. Đổi lại, các nước sở tại sẽ phải trả khoản phí hàng năm khoảng 1 triệu USD cho mỗi con.
Hiện kế hoạch gửi gấu trúc mới đến sở thú San Diego được coi là cử chỉ hữu nghị với Washington, sau khi Bắc Kinh thu hồi gần như tất cả cá thể loài này tại sở thú Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước chìm sâu vào cạnh tranh trong các năm gần đây. Thậm chí, nhu cầu thu hồi gấu trúc, vốn là “báu vật quốc gia” Trung Quốc, ngày càng gia tăng khi mạng xã hội và dư luận nước này tràn ngập cáo buộc vườn thú Mỹ ngược đãi gấu trúc Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu nhân chuyến công du Tây Ban Nha từ ngày 18-19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh về sự phổ biến của bài hát đồng dao “Chú gấu trúc khổng lồ” tại Tây Ban Nha, theo đó gợi lên mối liên kết giữa Trung Quốc và phương Tây.
Động thái này diễn ra bất chấp căng thẳng khi Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá xe điện, cũng như sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga sau khi nổ ra xung đột Ukraine. Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Trung Quốc tiếp tục coi trọng quan hệ với Mỹ và châu Âu, bất chấp các điểm xích mích”.
“Động thái trên trùng với thời điểm Trung Quốc công bố miễn thị thực du lịch đơn phương với nhiều quốc gia châu Âu, cho thấy Bắc Kinh sẽ dựa nhiều vào quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân để cải thiện quan hệ với các nước phương Tây”, ông Jeremy Chan nhấn mạnh thêm.
Như vây, thành công của Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11/2023 tạo tiền đề cho Bắc Kinh thúc đẩy thỏa thuận mới với Mỹ và các nước châu Âu về trao đổi và bảo tồn gấu trúc. Đây không chỉ được coi là cử chỉ hữu nghị để nối lại quan hệ vốn căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây gần đây, mà còn là công cụ khuyếch trương quyền lực mềm, bản sắc văn hóa Trung Quốc tới bạn bè quốc tế.