TIN LIÊN QUAN | |
Những cuộc bầu cử đáng chú ý năm 2018 | |
Tuần cuối cùng của năm 2017 qua ảnh |
Siêu anh hùng Putin (Super Putin)
Đó là tên cuộc triển lãm hội họa, điêu khắc ca ngợi tài năng và nhân cách của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được khai mạc tại Bảo tàng UMAM ở Moscow ngày 6/12/2017. 30 tác phẩm được trưng bày đều thể hiện Tổng thống Putin là người hùng, cho dù ông hùng dũng như một vị tướng bên cạnh nhiều loại tên lửa mang màu cờ Nga, hay mạnh mẽ như nhà vô địch judo, nhân vật cơ bắp như Siêu nhân hay chỉ bình dị như khi âu yếm một chú cún con... Yulia Dyuzheva, 22 tuổi, thành viên Ban tổ chức Triển lãm, đã nói với AFP: “Mỗi bức tranh đều thể hiện giá trị của Tổng thống. Ông ấy là một siêu Tổng thống. Ông thẳng thắn, yêu thể thao, yêu âm nhạc và bảo vệ động vật”. Triển lãm mở cửa sau khi ông Putin tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống vào ngày 18/3 tới.
Quyết định tái tranh cử của ông dường như được nhiều người chờ đợi từ lâu. Thậm chí, ông Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chesnia, còn hân hoan bày tỏ: “Đó là điều không thể khác. Tổng thống Putin 'không có quyền' bỏ rơi người dân và đất nước Nga. Đối thủ của nước Nga sẽ không muốn chứng kiến một nước Nga hùng mạnh với một nhà lãnh đạo tài ba. Nhưng chỉ ông Putin mới đủ sức đẩy lui kẻ thù của nước Nga... Tổng thống của chúng ta hiểu rằng ông không thể phụng sự Tổ quốc trong chốc lát. Và quyết định của ông cho thấy ông muốn phụng sự đất nước bằng cả trái tim”.
Ông Putin đã giữ cương vị Tổng thống hai nhiệm kỳ từ năm 2000 - 2008, sau đó trở thành Thủ tướng Nga giai đoạn 2008 - 2012, do Hiến pháp nước Nga nghiêm cấm một người giữ ghế Tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp. Ông trở lại vị trí này vào năm 2012 và sẽ nắm quyền đến tháng 5/2018 theo quy định mới về nhiệm kỳ của Tổng thống kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như trước. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông sẽ tiếp tục giữ chức vụ đứng đầu nhà nước Nga thêm 6 năm cho đến 2024, trở thành nhà lãnh đạo lâu nhất nước Nga kể từ thời Stalin.
Trong ba nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng, nước Nga dưới thời Putin được ví với “kỷ nguyên vàng”. Trong nhiệm kỳ hiện tại, người đứng đầu Điện Kremlin đã đưa con thuyền nước Nga gần như vượt qua mọi cơn bão khủng hoảng, cấm vận, giá dầu lao đao... giúp kinh tế nước Nga ổn định trở lại, lạm phát được kiểm soát và tỷ lệ thất nghiệp được khống chế. Vai trò của Nga trên trường quốc tế cũng được củng cố và tăng cường. Nga hiện có tiếng nói quan trọng trong việc giải quyết hàng loạt xung đột trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông sau những thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Hãng tin TASS ngày 12/1/2018 cho hay, hơn 81% người Nga dự định sẽ bỏ phiếu cho ông Putin - con số khiến Tổng thống Nga đương nhiệm thêm tự tin bước vào cuộc bầu cử nhiệm kỳ thứ tư.
Theo các nhà phân tích độc lập trung tâm Levada, ông Putin rất được yêu mến, thậm chí người dân Nga còn sùng bái ông. Các ca khúc nhạc pop được sáng tác để tôn vinh ông. Áo phông được trang trí hình ảnh của ông, và thậm chí cả nước hoa “Lấy cảm hứng từ Vladimir Putin” cũng đã có mặt trên thị trường từ năm 2016.
Là một trong những tổng thống quyền lực nhất thế giới, nhưng những hình ảnh dân dã, đời thường của ông Putin trong bộ trang phục Judo mạnh mẽ hay một cầu thủ cự phách trở thành hình tượng được yêu mến không chỉ của giới trẻ tại Nga, mà còn của người dân nhiều nước trên thế giới.
Thật vậy, trong chuyến thăm đến Anh lần đầu tiên vào năm 2012, Tổng thống Nga đã dành cả buổi để theo dõi trận đấu judo giữa một võ sĩ Nga và một võ sĩ Mông Cổ trong khuôn khổ Olympic London. Sau chuyến thăm, rất nhiều người dân Anh đã nhắc đến ông Putin như một chính khách yêu thể thao và có tinh thần thượng võ đáng trân trọng.
“Tổng thống chăm Twitter nhất thế giới”
Báo giới và giới quan sát năm qua đã gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng biệt danh như thế. Ông liên tục đăng tải các thông điệp lên Twitter. Ông dùng Twitter nhiều đến nỗi các trợ lý của ông đã phải tạm “tịch thu” tài khoản Twitter của ông để tránh gây phiền toái khi ông tham gia tranh cử.
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống tháng 1/2017, ông Trump luôn dùng Twitter để đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau, từ quan điểm cá nhân đến các đề xuất chính sách. Đến Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC (11/2017), ông Trump cũng không ngừng đăng bài lên mạng xã hội về APEC, về Tổng thống Nga Putin và cả về vấn đề Triều Tiên. Như mọi khi, bài đăng của Tổng thống Mỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với 47.000 lượt thích và 10.000 bình luận... Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn không bỏ thói quen sử dụng Twitter vào đêm khuya kể cả khi công du, đến mức nhiều nhà bình luận đã gọi đó là phong cách “ngoại giao Twitter” của ông.
Tỷ phú Donald John Trump, sinh năm 1946, là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trước đó, ông nổi tiếng với vai trò là nhà sản xuất chương trình truyền hình có tài sản 3,5 tỷ USD tính đến tháng 5/2017. Ngoài ra, ông còn có phần sở hữu trong các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Mỹ...
Ông Trump tự nhận là Tổng thống thành công nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Tất nhiên, nhiều người không đồng tình. Trong năm đầu tiên tại vị, Tổng thống Trump đã khiến nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thấp thỏm khi có những bước đi hiện thực hóa chính sách “Nước Mỹ trên hết” như rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và đe dọa xem xét lại các thỏa thuận thương mại song phương. Ông còn phá vỡ lập trường lâu năm của Mỹ về vấn đề Israel-Palestine khi bất ngờ công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái, gây phẫn nộ cho người Hồi giáo. Những màn đấu khẩu nảy lửa của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gây lo ngại về nguy cơ chiến tranh...Tuy nhiên, ông Trump cũng đã có một chiến thắng vang dội khép lại năm 2017 với việc luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD của phe Cộng hòa được thông qua, có thể sẽ giúp ích cho đảng này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Song giới chuyên gia nhận định, năm 2018 sẽ không dễ dàng với ông Trump khi ông phải đối mặt với các vấn đề trong nước như căng thẳng nội bộ, mức tín nhiệm thấp và vấn đề đối ngoại như căng thẳng với Triều Tiên hay quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Không chỉ chăm twitter, mà ông Trump còn nổi tiếng hay phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội này. Người dân xứ cờ hoa gần đây xôn xao bàn tán về dòng tweet gây tranh cãi của Tổng thống Trump khi ông khoe nút bấm hạt nhân của Mỹ “to hơn” của Triều Tiên. Một số người thậm chí còn yêu cầu Twitter chặn tài khoản của ông Trump để hạn chế phát ngôn gây tổn hại tới lợi ích nước Mỹ. Nhưng mạng xã hội này lại giải thích: “Việc ngăn chặn một nhà lãnh đạo từ Twitter hoặc xóa các tweet gây tranh cãi của ông sẽ làm mất đi những thông tin quan trọng mà mọi người có thể nhìn thấy và tranh luận. Việc khóa tài khoản không làm cho nhà lãnh đạo im lặng, mà nó lại cản trở các cuộc thảo luận dân chủ xung quanh lời nói và hành động của ông”. Ông Trump thực tế có tới 41,7 triệu người theo dõi trên Twitter.
Gần như không để ý tới phản ứng của cộng đồng mạng, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định với tạp chí Time: “Tôi là người hành động theo bản năng, nhưng bản năng của tôi thường đúng”.
Thời trang song hành quyền lực
Trong bối cảnh nước Anh chia rẽ sâu sắc sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, Theresa May là cái tên được nhắc nhiều trong năm qua. Bà là nữ Thủ tướng Anh thứ hai sau “bà đầm thép” Margagret Thatcher.
Trong sự nghiệp, bà Theresa May được mô tả là người rất say mê công việc và được so sánh với nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh. Bà Theresa May luôn được đánh giá cao khi giữ các vị trí trong chính phủ và Quốc hội, được các thành viên Đảng bảo thủ tín nhiệm và tạo dựng hình ảnh một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề an ninh, xã hội. Bà cũng là người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh lâu nhất 50 năm qua (2010-2016).
Trái với biệt danh “bà đầm thép”, ngoài đời, bà chủ số 10 phố Downing, 62 tuổi, rất nữ tính, thích thời trang và đam mê nấu ăn. Bà tiết lộ có khoảng 100 cuốn sách dạy nấu ăn các loại. Về thời trang, quả thực khi nữ Thủ tướng Anh tham dự một hội nghị ở Trung Quốc cuối năm 2016, những chính sách mũi nhọn của Anh hay quan điểm cứng rắn của bà với hợp đồng đầu tư của Trung Quốc lại không được báo chí quan tâm nhiều bằng thời trang của bà.
Câu chuyện về gu thời trang của Thủ tướng Anh trên tờ Telegraph không chỉ mới được đề cập đến gần đây, mà trước đó tờ báo này cũng đã có bài viết về “tình yêu lớn nhất” trong cuộc sống của bà Theresa May, để thấy văn phòng quyền lực nhất nước Anh đã biến thành sàn diễn thời trang của nữ Thủ tướng như thế nào. Thời trang của bà được nhiều tờ báo ca ngợi là sự kết hợp cực hiếm, nơi chính trị gia “gặp gỡ” biểu tượng thời trang.
Trong khi tờ báo Mỹ New York Times có loạt bài của các chuyên gia thời trang phân tích về giày dép, giới tính và quyền lực của bà Theresa May, thì truyền thông Anh cũng không thể bỏ qua cơ hội khai thác tủ quần áo của nữ Thủ tướng. Bà không hề giấu diếm niềm đam mê với thời trang cao cấp. Người ta thường xuyên bắt gặp bà ngồi hàng ghế đầu trong các show diễn thời trang của các hãng nổi tiếng. Thậm chí, năm 2014, bà từng nói thẳng trong một chương trình radio ở Anh rằng những cuốn tạp chí Vogue là thứ mà bà muốn mang theo nếu phải ở đảo hoang.
Mặc dù có ý kiến chỉ trích về thời trang của một người ở vị trí như bà, song nữ Thủ tướng Anh đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình: “Tôi là phụ nữ, tôi thích quần áo, giày dép và những bộ váy đẹp. Đó là một trong những thách thức mà những người phụ nữ làm chính trị, kinh doanh hay trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống, cần phải thể hiện bản thân mình... Các bạn có thể vẫn thông minh, mà vẫn thời trang. Điều này không cần tách biệt”. Xem thời trang là “phụ kiện” của chính trị, nữ Thủ tướng tự tin khẳng định, với kinh nghiệm lãnh đạo, bà có thể giúp nước Anh trở thành quốc gia đáp ứng được nhu cầu của mọi người dân.
Những con số bất ngờ sau một năm cầm quyền của ông Trump Kể từ khi cựu tỷ phú Mỹ đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Nhà Trắng, xã hội Mỹ có những quan điểm rất khác ... |
Thế khó của Đức và EU Tiến trình thành lập Chính phủ liên minh tại Berlin không chỉ là mối quan tâm của người dân Đức, mà còn nhận được sự ... |
Tổng thống Nga kêu gọi tăng cường giám sát công ty truyền thông Ngày 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh giới chức nước này cần giám sát hoạt động của "một số công ty" truyền thông xã ... |