📞

Tác động của việc Triều Tiên thử thành công vũ khí siêu thanh chiến lược

Quang Hiếu 12:10 | 04/04/2024
Việc Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mới hoạt động bằng nhiên liệu rắn cho thấy bước tiến về khả năng răn đe hạt nhân của nước này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp chỉ đạo vụ phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới vào ngày 2/4. (Nguồn: KCNA)

Ngày 3/4, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã thử nghiệm một tên lửa tầm trung siêu thanh mới hoạt động bằng nhiên liệu rắn.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa trước căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó một ngày, quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cho biết phát hiện Triều Tiên phóng tên lửa từ khu vực nội địa xung quanh thủ đô Bình Nhưỡng hướng về vùng biển phía Đông nước này.

Tập trung phát triển hệ thống nhiên liệu rắn

Theo KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ngày 2/4 đã chỉ đạo tại hiện trường việc bắn thử lần đầu tiên tên lửa Hwasong-16B, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn và trang bị đầu đạn siêu thanh mới phát triển gần đây.

Chủ tịch Triều Tiên tuyên bố tên lửa Hwasong-16B là một phần quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong Un nhận định, tên lửa này là vũ khí chiến lược thể hiện "sự vượt trội tuyệt đối" về công nghệ phòng vệ của Triều Tiên. Theo Chủ tịch Triều Tiên, nước này hiện đã phát triển các hệ thống nhiên liệu rắn, có thể trang bị hạt nhân cho “tất cả các tên lửa chiến thuật, tác chiến và chiến lược với nhiều tầm bắn khác nhau”.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã tập trung phát triển thêm nhiều loại vũ khí sử dụng nhiên liệu đẩy thể rắn. Những loại vũ khí này dễ di chuyển và che giấu hơn, có thể được chế tạo để phóng nhanh hơn so với tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, vốn cần được nạp nhiên liệu trước khi phóng và không thể duy trì nhiên liệu trong thời gian dài.

Từ năm 2021, Bình Nhưỡng cũng đang thử nghiệm các loại vũ khí siêu thanh được thiết kế với tốc độ nhanh gấp 5 lần so với tốc độ âm thanh. Nếu được hoàn thiện, những hệ thống này có thể đặt ra thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực nhờ tốc độ và khả năng cơ động của chúng.

Mặc dù vậy, các thông tin công bố không rõ liệu các phương tiện siêu thanh của Triều Tiên có liên tục duy trì tốc độ như mong muốn là vượt quá tốc độ Mach 5 hay không trong các cuộc thử nghiệm năm 2021 và 2022.

Theo KCNA, trong cuộc thử nghiệm ngày 2/4, đầu đạn siêu thanh đã tách khỏi tên lửa sau khi được phóng về phía Đông Bắc từ thao trường ở ngoại ô khu vực Bình Nhưỡng, đạt độ cao đầu tiên là 101,1km và lần thứ hai là 72,3km trong khi bay theo hành trình 1.000 km như dự kiến và đánh trúng mục tiêu ở vùng biển phía Đông nước này.

Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản đánh giá tên lửa đã bay được khoảng 600 km.

Hồi tháng 1, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm (IRBM) sử dụng nhiên liệu rắn sau nhiều năm thử nghiệm IRBM sử dụng nhiên liệu lỏng.

Theo giới chuyên gia, những loại vũ khí như vậy nếu được hoàn thiện có khả năng vươn tới các mục tiêu xa xôi của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả trung tâm quân sự của Mỹ trên đảo Guam.

Chuyên gia về tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc Chang Young-keun chỉ ra rằng việc nạp đầu đạn siêu thanh vào tên lửa nhiên liệu rắn sẽ cho phép phóng và vận hành nhanh hơn.

“Triều Tiên khi tuyên bố rằng đã hoàn thành việc vũ khí hóa tên lửa hạt nhân, cũng nhấn mạnh cam kết trang bị vũ khí hạt nhân cho tên lửa siêu thanh của mình. Việc Triều Tiên phát triển IRBM siêu vượt âm là nhắm vào đảo Guam, nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ, và thậm chí tới cả Alaska”, ông Chang Young-keun nhấn mạnh.

Trực thăng tham gia tập trận Lá chắn Tự do 2024 ngày 4/3.

Tình hình khu vực "nóng lên"

Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng kể từ năm 2022 khi Triều Tiên đẩy nhanh quá trình thử nghiệm tên lửa và các loại vũ khí khác. Mỹ và Hàn Quốc đã phản ứng lại bằng cách mở rộng các cuộc diễn tập huấn luyện kết hợp và diễn tập ba bên với sự tham gia của Nhật Bản, trong đó sử dụng các vũ khí chiến lược của Wahington.

Trong cuộc giám sát thử nghiệm ngày 2/4, Chủ tịch Kim Jong Un kêu gọi mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân và tên lửa để có được “sức mạnh áp đảo nhằm kiềm chế và kiểm soát” những đối thủ “gần đây đã tăng cường thúc đẩy liên minh quân sự và dàn dựng nhiều loại diễn tập”.

Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận trên không kết hợp trên vùng biển gần đảo Jeju với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom B-52 của Mỹ có khả năng hạt nhân.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường triển khai các khí tài chiến lược tới khu vực, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm phóng tên lửa.

Phản ứng trước vụ thử tên lửa tầm trung siêu thanh mới hoạt động bằng nhiên liệu rắn của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những vụ phóng như vậy vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và "gây ra mối đe dọa" cho các nước láng giềng của Triều Tiên.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Đức "mạnh mẽ" lên án vụ "phóng trái phép", kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đàm phán với Seoul và Washington để dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga, với tư cách là một Ủy viên thường trực trong HĐBA LHQ, đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để chấm dứt hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân.

Cuộc thử nghiệm cũng diễn ra chỉ hơn một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Hàn Quốc, với đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol vốn theo đuổi đường lối cứng rắn với Bình Nhưỡng, đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát quốc hội.

Theo Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul, Bình Nhưỡng ưu tiên nâng cao năng lực quân sự và không quan tâm đến việc giữ im lặng trong thời gian diễn ra chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc bắn một tên lửa tầm trung không có tác dụng gây sốc như một vụ phóng ICBM tầm xa hoặc một vụ thử hạt nhân, nên không thể tác động đến cuộc bầu cử này.

Triều Tiên đang hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt kể từ khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai vào năm 2009. Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và vũ khí của nước này.

Hồi tháng trước, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Lá chắn Tự do kéo dài 11 ngày, nhằm tăng cường răn đe trước năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời lên án tất cả các cuộc tập trận như vậy.

(theo AP, AFP)