Ảnh minh họa. |
Tuyên bố này được đưa ra hôm 11/9 dựa trên sự đồng thuận giữa hai nước Hàn Quốc và CHDCND Triền Tiên sau các cuộc đối thoại nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh động thái này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tăng cường trao đổi thông tin liên lạc, cải thiện mối quan hệ liên Triều và đảm bảo hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Các doanh nhân có nhà máy tại khu công nghiệp chung Kaesong cũng lên tiếng hoan nghênh việc mở lại cơ sở này. Chủ tịch Hiệp hội các Công ty ở khu công nghiệp chung Kaesong, ông Han Jae-kwon kêu gọi chính phủ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ủng hộ và hợp tác một cách tích cực cho việc bình thường hóa hoạt động quản lý các công ty ở đây. Ông You Dong-ok, doanh nhân Hàn Quốc có nhà máy tại Kaesong chia sẻ: “Bầu không khí từ Triều Tiên đang tràn đầy năng lượng. Các công nhân Triều Tiên cũng rất mong mỏi được trở lại đi làm. Chúng tôi muốn lại được cùng nhau làm việc”.
Ngoài kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm lưu động dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Kaesong trong tháng 10 tới, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng thống nhất về hoạt động của thư ký thường trực thuộc Ủy ban điều hành chung khu công nghiệp Kaesong.
Khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập vào năm 2004 là biểu tượng hợp tác hiếm hoi giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Kaesong còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nguồn thu ngoại tệ mạnh của quốc gia cô lập thông qua việc thu thuế cũng như chiết khấu lương công nhân. Với khoảng 53.000 công nhân CHDCND Triều Tiên làm việc tại hơn 120 công ty Hàn Quốc, Kaesong tạo ra hàng trăm triệu USD hàng hóa mỗi năm.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên đã trở nên vô cùng căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng Hai, khiến Kaesong bị đóng cửa tạm thời. Ngay đầu tháng 4, Triều Tiên đã cho rút toàn bộ công nhân về nước, làm cho 123 công ty Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong lao đao.
Sau đó, hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc Kaesong bị đóng cửa. Bình Nhưỡng nhấn mạnh động thái rút công nhân về nước là do Seoul tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quân sự với Mỹ. Tình hình căng thẳng chỉ lắng dịu hồi tháng trước và hai bên đã tiến hành hàng loạt cuộc thảo luận nhằm tái khởi động hoạt động tại Kaesong.
Tuy nhiên, khu công nghiệp chung Kaesong vẫn có khả năng bị đóng cửa trong tương lai kể cả khi những thỏa thuận đảm bảo được ký kết. "Thỏa thuận giữa hai nước không thể đảm bảo rằng Kaesong sẽ không chịu ảnh hưởng từ tình hình chính trị và căng thẳng quân sự trong tương lai", giáo sư Yang Moon-Jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul nói.
Ngay khi Kaeong hoạt động trở lại, giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng sẽ từng bước gây áp lực buộc Seoul nối lại các dự án xuyên biên giới khác như tổ chức các tour du lịch từ Hàn Quốc tới khu nghỉ dưỡng núi Kumgang tại Triều Tiên.
D.H