📞

Tại sao 'phân tách văn hóa' với Trung Quốc sẽ có hại cho Mỹ?

Việt Hà 17:00 | 21/08/2020
TGVN. Ngoài việc mất đi công cụ trong cuộc chiến về thông tin - văn hóa, nước Mỹ còn có nguy cơ mất đi sự đóng góp của các sinh viên Trung Quốc.
Sinh viên tổ chức lễ tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Bắc Kinh vào ngày 2/7. Việc ngăn cản các sinh viên Trung Quốc học các môn STEM ở Mỹ sẽ tước đi tài năng của Washington trong các lĩnh vực này và giúp Trung Quốc "tăng tốc". (Nguồn: Xinhua)

Mặt trận mới trong đối đầu

Sự phân tách đang là trung tâm của cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Được hình thành và thúc đẩy bởi các nhân vật “diều hâu” trong chính quyền của Tổng thống Trump, chiến lược này đã trở thành công cụ chính của Mỹ nhằm làm suy yếu Trung Quốc.

Hành động phân tách đầu tiên – chiến tranh thương mại – đã làm giảm đáng kể kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một quá trình tương tự đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, khi Mỹ đang theo đuổi một chiến dịch không khoan nhượng nhằm vào các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ByteDance (chủ sở hữu của TikTok).

Sự phân tách về tài chính cũng đã bắt đầu với việc chính quyền Mỹ đe dọa cấm cửa các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán của xứ cờ hoa, nếu các công ty này không để kiểm toán từ Mỹ tiếp cận với các số liệu về hoạt động ở Trung Quốc.

Mặc dù chưa thể khẳng định sự phân tách về kinh tế có giúp kiềm chế Trung Quốc hay không, logic đằng sau chiến thuật này khá thuyết phục: do Trung Quốc được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ, cắt đứt mối liên kết này chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy vậy, giới diều hâu ở Washington vẫn chưa muốn dừng lại. Họ còn muốn cắt đứt các sợi dây liên kết về văn hóa và giáo dục giữa hai nước. Đầu năm nay, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gây áp lực buộc tổ chức tình nguyện Peace Corps chấm dứt các dự án tại Trung Quốc.

Tháng 7 vừa rồi, Tổng thống Trump đình chỉ chương trình Fulbright tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Cuối tháng 5, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất dự luật cấm công dân Trung Quốc tham gia các khóa học sau Đại học ở Mỹ về lĩnh vực STEM.

Trong động thái mới nhất, ngày 13/8, Bộ Ngoại giao Mỹ phân loại lại Viện Khổng Tử tại Mỹ vào nhóm “phái bộ nước ngoài”, khiến các cơ sở này gần như chắc chắn sẽ phải ngừng hoạt động.

Sự phân tách được thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực báo chí. Sau khi tờ The Wall Street Journal bình luận Trung Quốc là “con bệnh thực sự của châu Á” vào tháng 2, chính phủ Trung Quốc đã trục xuất ba phóng viên của tờ báo này.

Để trả đũa, Mỹ trục xuất 60 công dân Trung Quốc làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước. Trung Quốc đáp trả bằng việc trục xuất tất cả các phóng viên người Mỹ của ba tờ báo The New York Times, Wall Street Journal Washington Post, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ba cơ quan này.

Đâu là bên hưởng lợi?

Tuy nhiên, việc cắt đứt các sợi dây liên kết văn hóa, giáo dục và báo chí sẽ phản tác dụng đối với Mỹ, đi ngược lại lợi ích chiến lược của quốc gia này, và bên hưởng lợi chính là Trung Quốc.

Những chương trình được chính phủ tài trợ như Peace Corps giúp Mỹ có công cụ tác động trực tiếp đến người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ. Đình chỉ các chương trình này khiến Mỹ mất đi thứ vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến về tư tưởng.

Việc trả đũa hành động trục xuất nhà báo Mỹ là hợp lý, nhưng chính quyền của Tổng thống Trump trục xuất tới 60 phóng viên Trung Quốc đã tạo cơ hội cho quốc gia này làm điều Bắc Kinh mong muốn từ lâu: đuổi những nhà báo Mỹ tốt nhất. Đây là mất mát lớn với Washington khi lực lượng này đã cung cấp những thông tin quý giá về Trung Quốc, giờ đây, giới hoạch định chính sách Mỹ mất đi khả năng theo dõi những thay đổi quan trọng bên trong quốc gia này.

Hai phóng viên Philip Wen và Josh Chin của tờ Wall Street Journal tại sân bay Bắc Kinh ngày 23/2, sau khi bị chính phủ Trung Quốc trục xuất. (Nguồn: AFP)

Cuối cùng, chính sách cấm công dân Trung Quốc đến Mỹ tham gia các chương trình sau đại học về STEM sẽ khiến Mỹ mất đi những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực này. Hơn nữa, rất nhiều người trong số này sẽ lựa chọn ở lại Trung Quốc, khi cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM ở các quốc gia khác không quá hấp dẫn.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ làn sóng “chảy máu chất xám ngược”, trong khi Mỹ mất đi hàng ngàn kỹ sư và nhà khoa học giỏi. Trong hơn 30.000 bằng tiến sĩ về các bộ môn STEM được cấp ở Mỹ từ năm 2015 đến 2017, học viên Trung Quốc chiếm 16%, trong đó, người Trung Quốc nắm giữ 22% số bằng tiến sĩ kỹ thuật và 25% số bằng tiến sĩ toán học. Khoảng 90% những người này ở lại Mỹ ít nhất 10 năm, con số cao nhất trong các quốc gia.

Quan hệ Mỹ - Trung đang có nguy cơ sụp đổ. Sự phân tách về kinh tế đã là thực tế, trong khi sự phân tách về văn hóa – điều ít ai nghĩ tới chỉ vài năm trước – đang đến rất gần. Đó sẽ là một bi kịch, và Mỹ sẽ là quốc gia chịu tổn thất nhiều nhất.

(theo SCMP)