TIN LIÊN QUAN | |
Tạm biệt những nhà ngoại giao nặng tình với văn hóa Việt | |
Bế giảng Khóa bồi dưỡng tiền công vụ 2017 |
Chặng đường gần 30 năm công tác tại FPC đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhiều thế hệ anh chị em đồng nghiệp, với nhiều thế hệ phóng viên nước ngoài đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Niềm đam mê nghề nghiệp đã khiến tôi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cả về vật chất lẫn tinh thần và cả nỗi niềm mặc cảm tự nhiên vốn có về một công việc hơi thiếu sự “sang chảnh” của nghề ngoại giao chính thống, để làm tốt vai trò cầu nối giữa phóng viên nước ngoài và Việt Nam.
Những bài học nằm lòng
Điều đúc kết lại lớn nhất với tôi sau nhiều năm làm việc với phóng viên nước ngoài là đừng chỉ nhìn nhận họ như đối tượng quản lý và hướng dẫn. Trước hết, họ là những con người cụ thể với những kinh nghiệm và trải nghiệm cụ thể, những tình cảm và suy nghĩ rất riêng về Việt Nam. Họ có thể là đối tác, là đồng nghiệp và hơn thế nữa sẽ có thể là bạn, là thày của mỗi chúng ta. So với thế hệ anh chị em đồng nghiệp cùng thời, tôi có may mắn lớn khi được làm việc với vai trò trợ lý báo chí/phiên dịch cho hai trong số các phóng viên cựu trào thuộc thế hệ phóng viên chiến tranh thời kỳ trước 1975, ông Kazuhisha Ikawa (báo Asahi Shimbun) và ông David Lamb (Thời báo Los Angeles) trong thời gian hai báo này mở văn phòng thường trú tại Hà Nội.
Các thế hệ cán bộ, nhân viên Đại gia đình Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài, Bộ Ngoại giao. (Nguồn: FPC) |
Tôi thực sự bị cuốn hút và đã học hỏi được rất nhiều từ hai phóng viên, từ những bài học nằm lòng đầu tiên về nghề làm báo, cách lấy tin, viết bài, những nguyên tắc cơ bản trong bảo mật nguồn tin, tính trung thực và đáng tin cậy của thông tin…. Sau đó là những “ngón nghề” có tính tiểu xảo xong hết sức cần thiết, là tài sản của mỗi phóng viên nhằm đảm bảo khai thác thông tin và vẫn giữ được các nguyên tắc cơ bản của báo chí...
Mối quan hệ cộng tác giữa phóng viên nước ngoài và các cán bộ FPC trên thực tế là một mối quan hệ hai chiều. Chúng tôi, với nhiệt huyết từ trong tâm của mình, lòng yêu nước nồng cháy và khát khao truyền tải những thông điệp chính nghĩa, những nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc, đã thực sự trở thành người dẫn đường tận tụy, người đồng hành cùng với phóng viên nước ngoài trên con đường khám phá Việt Nam, thiên nhiên và con người, lịch sử và hiện tại, thành công và thất bại… Và rồi những tác phẩm báo chí ra đời, mang hình ảnh và tiếng nói của dân tộc ta ra tới bạn bè quốc tế, trở thành một trong những kênh thông tin đối ngoại quan trọng và hiệu quả nhất.
Trở lại câu chuyện xây dựng mối quan hệ với phóng viên nước ngoài, tôi cho rằng công việc này thật khó xong nếu làm được sẽ có hiệu ứng vô cùng lớn, nhiều khi vượt ra khỏi khuôn khổ báo chí, ngoại giao thông thường. Để làm được công việc này cần một cách tiếp cận “mềm”, có tính nhân văn trong tiếp xúc và làm việc với phóng viên nước ngoài.
Việc này các thế hệ cán bộ Trung tâm Báo chí trước đây cũng như hôm nay đã làm được rất tốt. Những phóng viên nước ngoài, kể cả sau khi đã nghỉ hưu hay chuyển nghề thành giáo sư trong các trường đại học, chuyên gia tư vấn về dự án thiện nguyện, tư vấn đầu tư, tư vấn chính sách, khi có dịp gặp gỡ hay trở lại Việt Nam vẫn thường tìm về thăm hỏi hay nhắc tới anh chị em FPC với những lời lẽ tốt đẹp và tình cảm.
Ngôi nhà thứ hai của phóng viên nước ngoài
Một số phóng viên nước ngoài coi FPC như ngôi nhà thứ hai của họ, nơi họ tìm về mỗi khi sang Việt Nam để cùng chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm làm việc cùng nhau, những khó khăn, thậm chí bất đồng trong công việc mà cả hai bên đã cùng nỗ lực vượt qua. Nhiều người trong số họ, với tiềm năng ảnh hưởng chính trị và xã hội của mình, thực sự đã trở thành cầu nối thế giới với Việt Nam, là khách quý, là đầu mối quan hệ với sở tại của nhiều cơ quan đại diện ta ở nước ngoài.
Bên cạnh cách tiếp cận “mềm”, cán bộ báo chí còn cần có kỹ năng “mềm”. Đó là trình độ ngôn ngữ, sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa lịch sử của đất nước, kiến thức sâu rộng về các vấn đề phóng viên quan tâm, hiểu biết tâm lý và tình cảm của phóng viên, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và giải tỏa những bất đồng trong công việc và xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau. Việc tạo dựng những kỹ năng này không thể một sớm, một chiều, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ báo chí cũng như sự quan tâm sát sao của lãnh đạo đơn vị, điều chúng tôi luôn cảm nhận được trên mỗi bước trưởng thành của mình.
Nhiều thế hệ cán bộ đến rồi đi theo dòng luân chuyển cán bộ chung của Bộ, đều đã gặt hái rất nhiều thành công trong công tác và trở thành cán bộ cấp vụ của nhiều đơn vị khác nhau trong Bộ. Tất cả chúng tôi đều tự hào đã từng là một FPCers, tự hào về ngôi nhà chung và những kỹ năng “mềm” mà chúng tôi đã có được trong thời gian công tác tại đây.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, nhất là anh chị em cán bộ trẻ cho rằng việc xây dựng các mối quan hệ sâu sắc với phóng viên nước ngoài hiện nay khó hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tôi chia sẻ điều đó, nhưng cho rằng mỗi giai đoạn lịch sử có một điều kiện hoàn cảnh riêng và mỗi thế hệ phóng viên có những thế mạnh, mối quan tâm khác nhau. Cách tiếp cận “mềm”, kỹ năng “mềm” sẽ giúp rút ngắn sự khác biệt, tạo nên sự thông cảm và hiểu biết cần thiết, và những tác phẩm báo chí nước ngoài về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, một dân tộc Việt Nam cần cù, thông minh, thân thiện sẽ ra đời, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu đối ngoại của đất nước trong thời kỳ hội nhập mới. Đó chính là trọng trách của thế hệ cán bộ trẻ FPC ngày hôm nay.
*FPC: Foreign Press Center (tên gọi tiếng Anh của Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài)
- Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài (Bộ Ngoại giao) được thành lập ngày 19/10/1983 với nhiệm vụ: quản lý thống nhất các phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam và các phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam hoạt động một thời gian ngắn; tổ chức cho phóng viên nước ngoài có điều kiện công tác thuận lợi, phù hợp với yêu cầu tuyên truyền đối ngoại và yêu cầu an ninh của Việt Nam. - Từ năm 1983 đến nay, Trung tâm đã trải qua quá trình phát triển 35 năm với nhiều đóng góp to lớn và tích cực cho công tác tuyền truyền đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung. Trong 5 năm qua, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc công tác đón tổ chức, hướng dẫn hoạt động báo chí được giao, mỗi năm đón trung bình 200 đoàn với khoảng 1.000 phóng viên nước ngoài vào ta hoạt động báo chí, trong đó nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao với hàng trăm phóng viên tháp tùng vào đưa tin về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. - Trung tâm cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; Giới thiệu về môi trường đầu tư thúc đẩy ngoại giao phục vụ phát triển; Giới thiệu về văn hóa, quảng bá du lịch Việt Nam; Hợp tác hỗ trợ cộng đồng và khắc phục hậu quả chiến tranh; Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; Hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế. - Trung tâm đã khai thác tốt Cổng thông tin điện tử bằng hai thứ tiếng Anh - Nhật nhằm định hướng cho phóng viên, cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch. Các bài được trích đăng bám sát các nội dung tuyên truyền trọng tâm, chú trọng nâng cao chất lượng các tin bài, tăng tỷ lệ các bài viết phân tích chuyên sâu, chú trọng đăng các sản phẩm của phóng viên nước ngoài. Đây cũng là kênh thông tin ghi nhận các ý kiến phản hồi và yêu cầu hoạt động của nước ngoài. |
Ba bài báo không bao giờ quên Nhờ sự động viên của Ban biên tập báo TG&VN, tôi đã viết một số bài báo, trong đó có các câu chuyện ngoại giao ... |
Câu chuyện ngoại giao 40 năm trước (Kỳ cuối ) … Tôi cũng nhớ lại những dấu ấn của Bác trong các nghị quyết của Đảng có liên quan đến mặt trận ngoại giao, nhất ... |
Câu chuyện ngoại giao 40 năm trước (Kỳ 1) Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là thắng lợi vĩ ... |