Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 6/1, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan Meechai Ruchuphan đề nghị Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tiếp tục thực thi quyền lực đặc biệt, theo Điều 44 của Hiến pháp tạm thời, để thành lập Ủy ban hòa hợp dân tộc.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đánh giá cao ý kiến của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp và tin tưởng khả năng cần phải thành lập Ủy ban hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth vẫn yêu cầu Phó Thủ tướng Wissanu cùng với các chuyên gia pháp lý nghiên cứu kỹ lưỡng liệu có thực sự cần thiết phải có một Ủy ban hòa hợp dân tộc, để kiềm chế xung đột chính trị trong nước hay không, trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Trả lời trước báo giới về đề xuất của Đảng Dân chủ nhằm tổ chức một cuộc họp nội bộ đảng, Thủ tướng Prayuth khẳng định, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia chưa cho phép bất cứ tổ chức chính trị nào nhóm họp vì bây giờ không phải là thời điểm phù hợp.
Hòa hợp dân tộc hiện là khát vọng lớn của người dân Thái Lan. Một cuộc khảo sát vừa công bố của trường Đại học Bangkok cho thấy đa số người dân Thái Lan mong muốn chính phủ khắc phục tình trạng kinh tế ảm đạm, đạt được hòa bình và hòa giải dân tộc.
Cuộc khảo sát có sự tham gia của gần 1.190 người dân Bangkok. Trong đó, 34% số ý kiến kỳ vọng Chính phủ Thái Lan sẽ giải quyết được các vấn đề kinh tế của đất nước, bao gồm cả tình hình giá cả biến động và thất nghiệp leo thang. Ngoài ra, 16,3% số người được hỏi mong muốn đất nước ổn định và hòa giải.
Đối với chương trình cải cách của Chính phủ Thái Lan trong năm 2016, khoảng 39,1% ý kiến hy vọng nỗ lực cải cách kinh tế của đất nước có thể giúp kiềm chế được vấn đề vật giá tăng cao, 18,7% ý kiến mong muốn thúc đẩy cải cách xã hội để giải quyết tình trạng tham nhũng và 9,6% mong muốn cải cách chính trị nhằm xây dựng một xã hội hài hòa.