Hạn hán có thể không ảnh hưởng tức thời tới các vùng đô thị sầm uất nhưng gây ra hậu quả to lớn đối với kinh tế và xã hội. Hàng triệu người châu Á đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, trở thành di dân bất đắc dĩ.
Mới đây, Myanmar, Thái Lan và Campuchia phải hạn chế lễ hội té nước mừng năm mới truyền thống. Tại một huyện ở bang Maharashtra (Ấn Độ), chính quyền địa phương ra lệnh cấm tụ tập hơn 5 người tại các cơ sở cung ứng nước hoặc hồ chứa do lo ngại bạo lực xảy ra.
Đất đai khô cằn, nứt nẻ do hạn hán ở Ấn Độ. (Nguồn: AFP) |
Cùng với đó, hạn hán tại những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ càng gây thêm áp lực cho thị trường gạo thế giới. Châu Á đang đối diện viễn cảnh làm vừa đủ ăn và không thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Tình trạng hạn hán hiện nay chưa từng có tiền lệ nhưng không phải là “trên trời rơi xuống”. Trái lại, những thách thức về môi trường ở châu Á như suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt nước ngầm, hiện tượng El Nino và tác động của biến đổi khí hậu khiến hạn hán xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thậm chí, không có hạn hán thì châu Á vốn cũng đã lâm vào tình trạng thiếu nước. Lượng nước ngọt tính trên đầu người mỗi năm trong khu vực là 2.816m3, chưa tới một nửa mức trung bình toàn cầu 6.079m3. Cái giá của việc trở thành khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ hàng đầu thế giới là cạn kiệt tài nguyên và tổn hại môi trường.
Để giải quyết cơn khát tài nguyên, các nền kinh tế lớn trong khu vực có thể nhập nhiên liệu hóa thạch và khoáng sản từ nơi khác, nhưng họ không thể nhập nước ngọt vì chi phí quá cao. Kết quả là, châu Á - khu vực chiếm 72% diện tích tưới tiêu toàn cầu - đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa phải tạo ra đủ lương thực và của cải phục vụ nhu cầu ngày càng tăng, trong khi phải giảm lượng nước tưới tiêu.
Theo nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), tương lai gần, tranh chấp trong chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia châu Á sẽ xảy ra thường xuyên hơn, do việc nở rộ các dự án xây đập ảnh hưởng xấu đến dòng chảy sông ngòi. Thực trạng ồ ạt xây đập hiện nay cho thấy nhiều bên vẫn coi trọng khai thác kiểu tận thu hơn là quản lý nguồn nước một cách thông minh.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, khu vực sẽ càng tiến sâu vào con đường nguy hiểm, dẫn tới suy thoái môi trường trầm trọng hơn, chặn đà phát triển kinh tế và thậm chí có thể gây ra các cuộc chiến tranh vì nguồn nước. Vì vậy, đã đến lúc các nước châu Á phải hợp tác dựa trên luật pháp nhằm đạt được các hiệp định chia sẻ tài nguyên nước, đồng thời xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính phủ cần bỏ chính sách trợ cấp nước trong các ngành có nguy cơ lãng phí cao, tập trung xây dựng cơ chế cung - cầu theo định hướng thị trường, cũng như tạo dựng quan hệ đối tác công - tư hiệu quả.