Thực sự ông Clinton có những yếu tố rất thích hợp với vai trò là đại sứ không chính thức của Mỹ tại Triều Tiên. Cá nhân ông có mối liên hệ với hai nữ nhà báo, vì hãng truyền hình nơi họ làm việc thuộc quyền sở hữu của Phó Tổng thống dưới thời ông là Al Gore. Quan trọng hơn, dù đã rời chiếc ghế Tổng thống gần chục năm nay, nhưng tiếng nói của ông vẫn có sức nặng của một người từng giữ vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị Mỹ.
Rõ ràng, Tổng thống Obama thừa hiểu rằng mình không thể ở vào vị trí đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il như ông Clinton. Thêm vào đó, không thể phủ nhận một điều là khi các nhà báo được trả tự do, đây cũng là một thành công nhất định của Tổng thống Obama vì một vấn đề khó khăn đã được giải quyết. Kể cả khi ông Clinton thất bại, ông Obama cũng chẳng mất gì vì nó chỉ liên quan đến danh tiếng về khả năng thuyết phục của một cựu Tổng thống. Ngoài ra, chuyến đi thành công của ông Clinton có thể có nguy cơ phải trả giá. Nhiều nhà phân tích cho rằng ngay cả nếu ông Clinton chỉ gắn chuyến đi với mục đích “nhân đạo”, thì bất kỳ “bước ngoặt” nào trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ khiến các nước như Nga và Trung Quốc giảm các biện pháp trừng phạt mà LHQ đã đưa ra với Triều Tiên trong năm nay. Nguy cơ đó giải thích thái độ thận trọng của Nhà Trắng, khi vẫn khẳng định chuyến đi của ông Clinton chỉ mang tính cá nhân và không mang theo bất kỳ thông điệp nào từ ông Obama.
Vậy thời gian tới có bước ngoặt hay đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên cũng như tiến trình đàm phán đàm phán 6 bên? Theo nhận định của Jim Walsh, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Công nghệ Massachusetts, trong khi Bình Nhưỡng đang tìm cơ hội tăng uy tín trong nội bộ, Mỹ thì mong muốn hai nhà báo được tự do, quyết định của Triều Tiên là một trò chơi “cùng thắng”. Jim Walsh cho rằng, dù được chỉ thị chính thức hay không, qua chuyến thăm ông Clinton cũng sẽ khuyến khích Triều Tiên quay lại đàm phán 6 bên. Dù Nhà Trắng có nói gì thì chuyến thăm của một cựu Tổng thống Mỹ, lại là phu quân của đương kim Ngoại trưởng Mỹ, cũng không thể không có tác động vượt lên trên vấn đề hai nhà báo. “Hoàn toàn có thể tận dụng cuộc gặp mặt hiếm hoi này để tác động lên người đàn ông có vai trò quyết định các chính sách của Bình Nhưỡng”, Walsh nói.
Khó lạc quan vào việc Triều Tiên sẽ thay đổi chính sách của mình trong thời gian tới. Còn nhớ, năm 1994, khi Triều Tiên đang xúc tiến chương trình phát triển hạt nhân, Tổng thống Clinton đã đề nghị cựu Tổng thống Jimmy Carter gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung. Kết quả là Triều Tiên đồng ý ngừng hoạt động tái chế thanh nhiên liệu hạt nhân và có một thỏa thuận tại Geneva cuối năm đó. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, lãnh đạo Triều Tiên vẫn trở lại chính sách cũ. Do đó chưa có gì là chắc chắn về một sự thay đổi từ Triều Tiên chỉ với những diễn biến này.
Dù vậy, chuyến thăm của ông Bill Clinton cũng phần nào làm tan băng trong quan hệ Mỹ-Triều, và với việc Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Kye-Gwan ra tận sân bay đón ông Clinton, người ta có quyền hy vọng ít nhất sự kiện này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới các cuộc đàm phán về phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. 17/3/2009: Hai nữ nhà báo Euna Lee và Laura Ling bị lực lượng bảo vệ biên giới Triều Tiên bắt khi đang đưa tin cho hãng Current TV. 8/6/2009: Hai người bị kết án 12 năm tù lao động khổ sai vì “hành động thù địch” và thâm nhập bất hợp pháp vào Triều Tiên. 10/7/2009: Ngoại trưởng Mỹ Hillary kêu gọi ân xá cho hai người. 4/8/2009: Cựu Tổng thống Mỹ Clinton đến Bình Nhưỡng, sau đó Triều Tiên tuyên bố hai nhà báo được ân xá.
Kim Đình