Nhỏ Bình thường Lớn

Thấy gì sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân?

Sau hai ngày họp (31/3-1/4), Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 4 đã kết thúc tại thủ đô Washington của Mỹ.
thay gi sau hoi nghi thuong dinh an ninh hat nhan
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, phiên bế mạc. Ảnh Reuters.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã thông qua một kế hoạch hành động nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân, nhất là ngăn chặn những kẻ khủng bố tìm cách sở hữu và sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực và thực tế là cũng đã có không ít tiến triển, NSS lần này vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đề ra năm 2010 là “đảm bảo an ninh và hòa bình cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Những thành tựu bước đầu

Phát biểu trước hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị, Tổng thống Obama đã ca ngợi những "tiến bộ đáng kể" mà các nước trên thế giới đã đạt được về an ninh hạt nhân, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực và hợp tác với các bên liên quan để giảm thiểu cũng như đảm bảo an toàn cho các kho dự trữ hạt nhân.

"Một lần nữa, tôi nói rõ ràng rằng Mỹ sẽ làm phần việc của chúng tôi… Hôm nay chúng tôi mô tả chi tiết những biện pháp mà quân đội của chúng tôi thực hiện để bảo vệ vật liệu hạt nhân, để các quốc gia khác cũng có thể cải thiện an ninh và tính minh bạch của mình. Lần đầu tiên trong một thập niên, chúng tôi công khai những kho dự trữ uranium được tinh chế mức độ cao của chúng tôi... Và những kho dự trữ này đã được chúng tôi giảm thiểu đáng kể”, ông Obama nói.

Tổng thống Obama hoan nghênh việc nhiều quốc gia cùng nhau làm việc về vấn đề an ninh hạt nhân đã đưa ra "260 cam kết cụ thể để cải thiện an ninh hạt nhân," cả tại hội nghị thượng đỉnh năm nay và tại những phiên trước đó. “Cho đến nay… ba phần tư những cam kết đó đã được thực hiện. Hơn một chục quốc gia đã hủy bỏ tất cả uranium và plutonium được tinh chế của họ", Tổng thống Mỹ cho biết.

Đề cập đến tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu, ông Obama hoan nghênh các nước Mỹ Latinh đã đạt được mục tiêu này, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Âu, Đông Nam Á cũng sẽ làm được điều đó trong năm 2016.

Người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận: dù đã có những bước tiến song khu vực Nam Á và bán đảo Triều Tiên là những khu vực cần nỗ lực nhiều hơn để giải trừ hạt nhân, và thế giới không thể “tự mãn” và phải tiếp tục nỗ lực giảm tàng trữ vũ khí hạt nhân.

Nhân dịp này, ông Obama cũng gặp gỡ nhóm các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái với Iran. Ông nói với các thành viên còn lại trong nhóm P5+1- gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga- rằng thỏa thuận với Iran đã "đạt được thành công đáng kể và tập trung vào những mối nguy hiểm của việc phổ biến hạt nhân theo một cách thực tế”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "việc thi hành đầy đủ và tiếp diễn" thỏa thuận Iran sẽ "cần cùng mức độ hợp tác như vậy" từ cộng đồng quốc tế. Ông Obama cho biết tới giờ Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận và kêu gọi quốc gia này tiếp tục nỗ lực và kiên trì để tái hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Hãng tin Kyodo cho biết Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cũng đã hoan nghênh những nỗ lực của Iran nhằm tuân thủ thỏa thuận ký ngày 14/7/2015, và nhấn mạnh, Iran đang không chỉ triển khai thỏa thuận giám sát hạt nhân với IAEA mà còn đang thi hành nghị định thư bổ sung cho phép các thanh sát viên của cơ quan thuộc Liên hợp quốc này được tự do tiến hành điều tra các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Vấn đề hết sức cấp thiết

Nỗi lo sợ lớn nhất bao trùm lên hội nghị thượng đỉnh  ninh hạt nhân là việc các tổ chức khủng bố như IS sở hữu được các vật liệu nguyên tử. Reuters dẫn lời Tổng thống Obama tuyên bố: “Chắc chắn là nếu những kẻ điên này có cơ hội vớ được một quả bom hạt nhân hay các vật liệu phóng xạ, chúng sẽ sử dụng để sát hại càng nhiều người vô tội càng tốt. Bởi vậy đây là một vấn đề là hết sức cấp thiết… Cách phòng vệ duy nhất hiệu quả chống lại khủng bố bằng hạt nhân là trước hết bảo đảm những vũ khí đó an toàn để không rơi vào tay kẻ xấu”.

thay gi sau hoi nghi thuong dinh an ninh hat nhan
Ông Obama nhấn mạnh, nguy cơ khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ làm thay đổi thế giới...

Tổng thống Obama nhấn mạnh nguy cơ khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công sẽ “thay đổi thế giới của chúng ta” là có thật, và việc IS tìm cách có được vũ khí hạt nhân là “một trong những đe dọa an ninh toàn cầu”. Ông cũng nhắc tới thực tế việc có tới gần 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân đang được cất giữ trên thế giới và thực tế không phải toàn bộ chúng đều được đảm bảo an toàn là nguy cơ lớn đối với tất cả mọi quốc gia.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande cho rằng, sự nguy hiểm không phải nằm ở chỗ thế giới đánh giá quá cao mối đe dọa, mà là coi thường sự đe dọa nói trên. Nhấn mạnh rằng nước Pháp đã vận dụng mọi phương tiện để giữ an ninh cho các nhà máy điện nguyên tử cũng như các vật liệu hạt nhân, ông Hollande yêu cầu quốc tế phải ra tay hành động.

 “Một quốc gia có thể sử dụng mọi phương cách, như nước Pháp đã làm, điều quan trọng là các vật liệu này không được sử dụng ở nơi nào khác. Một tổ chức quốc tế như IAEA và toàn thế giới có thể cùng phối hợp hành động và hỗ trợ lẫn nhau”, Tổng thống Hollande nói.

Không thể một sớm một chiều

Trong thông cáo chung, các thành viên ghi nhận mối đe dọa khủng bố nguyên tử và phóng xạ vẫn là một trong những thách thức to lớn nhất cho an ninh toàn cầu.

Hội nghị còn đề cập tới viễn cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng thủ và nguy cơ nảy sinh từ thực tế này. Nếu Tokyo và Seoul thông qua quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của mình- điều họ đã có khả năng làm như vậy từ lâu về mặt khoa học và kỹ thuật- thì cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á chắc chắn sẽ bùng phát. Bắc Kinh sẽ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình. Đài Loan cũng sẽ cố gắng để có được bom hạt nhân. Và nếu kịch bản này diễn ra, các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ là cực kỳ vô lý và bất công.

Trước các nguy cơ này, và nhất là nguy cơ số lượng thành viên “câu lạc bộ hạt nhân” gia tăng không còn kiểm soát nổi, Tổng thống Obama cho rằng việc cần làm trước mắt là nên nhanh chóng giải trừ vũ khí hạt nhân, “nếu không phải hoàn thành thì ít nhất là một phần”.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần ủng hộ giải pháp giảm trừ vũ khí hạt nhân, và phải biết cách tự bảo vệ mình trước các đòn tấn công an ninh mạng bởi công nghệ trên thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và ngày càng tinh vi hơn.

Bình luận về NSS 2016, CNN cho rằng so với bối cảnh năm 2010, thế giới hiện nay thậm chí còn "ở xa" mục tiêu xây dựng một thế giới phi hạt nhân hơn trước. Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định: "Việc đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh và hòa bình cho thế giới không có vũ khí hạt nhân không thể diễn ra trong một sớm một chiều, và có lẽ cũng sẽ chưa thành hiện thực trong suốt quãng đời của tôi".

N.K (tổng hợp)