Theo giới khoa học việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc này sẽ mất rất nhiều thời gian. (Nguồn: USA Today) |
Theo giới khoa học, việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 và vaccine sẽ mất rất nhiều thời gian.
30 dự án nổi bật
Đài RFI dẫn nguồn tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 17/3 đưa tin, chính quyền nước này đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên một loại vaccine chống SARS-CoV-2. Vaccine này sẽ được Học viện Khoa học Quân y của Quân đội Trung Quốc thử nghiệm trên 108 người tình nguyện, toàn bộ đều khỏe mạnh, trong thời gian 9 tháng rưỡi, từ 16/3 đến 31/12.
Trong khi đó tại Mỹ, Viện quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) ngày 16/3 thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine tại thành phố Seattle. Vaccine này được thử nghiệm với sự phối hợp của tập đoàn công nghệ sinh học Modena trên 45 người tình nguyện, tuổi từ 18 đến 55, trong khoảng thời gian 6 tuần.
Trong cuộc chạy đua này, không chỉ có hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, mà các nước châu Âu cũng đang tích cực tham gia. Tại Pháp, Viện Pasteur đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine trên chuột từ ngày 11/3. Các cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài một tháng, hoặc một tháng rưỡi. Tuy nhiên, nếu thành công và đê có thể sử dụng vaccine rộng rãi, cũng phải chờ đến năm 2021.
Còn Viện bào chế CureVac của Đức cũng hy vọng từ nay đến tháng 7 sẽ được cấp phép thử nghiệm một loại vaccine chống SARS-CoV-2 trên người.
Đài RFI cho biết, cùng với công ty Moderna Therapeutics và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã tiến hành thử nghiệm vaccine lâm sàng trên người, hiện có khoảng “30 dự án vaccine đang chạy đua” ở các nước trên thế giới.
“Cuộc chiến tìm vaccine chống SARS-CoV-2 đã diễn ra từ đầu năm, nhưng thời gian gần đây trở nên khẩn trương hơn”, đài RFI nhận định.
Trong khi chờ đợi, các bác sĩ vẫn phải sử dụng những loại thuốc đã có (chống HIV, Ebola) để điều trị triệu chứng cho người bệnh. Thuốc Chloroquine Phosphate, một loại thuốc chống sốt rét, được một bệnh viện ở thành phố Marseille (Pháp) khẳng định có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Chính phủ Pháp đồng ý cho sử dụng loại thuốc này, nhưng theo Le Figaro, dựa trên nhận định của nhiều chuyên gia, thì “phải thận trọng với thuốc Chloroquine”.
Cuộc đua dài hơi
Trên Tạp chí Khoa học Nature ngày 18/3, chuyên gia Trung Quốc Khương Thế Ba, Giáo sư virus học tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải) nhấn mạnh rằng, tuy rất cấp bách song việc nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống SARS-CoV-2 không thể được tiến hành một cách vội vã mà phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn của những loại thuốc này.
Theo các chuyên gia y tế, vào mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vaccine phải được thử nghiệm trên động vật, rồi trên người. Tổng cộng phải mất từ 6 đến 36 tháng để sản xuất, đóng gói, rồi gửi đến các nước có liên hệ. Các nước này sau đó còn phải tiến hành kiểm tra chất lượng của vaccine.
Cơ quan y tế của Mỹ cũng nhìn nhận rằng cuộc thử nghiệm phải trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể xác định vaccine có hiệu quả và an toàn hay không. Họ dự báo là nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cũng phải mất đến một năm rưỡi. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo rằng phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vaccine để bán ra thị trường.
Bên cạnh việc nghiên cứu vaccine, nhiều nước trên thế giới cũng đang phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19. Trước mắt, tại Pháp, kết quả thử nghiệm thuốc chống sốt rét Plaquenil trên các bệnh nhân mắc Covid-19 đã cho kết quả được xem là “khả quan”.
Một trong những khía cạnh hiện chưa rõ, và gây khó khăn cho việc tìm thuốc điều trị là SARS-CoV-2 có thể sống bao lâu bên ngoài cơ thể con người. Một số nghiên cứu trên các chủng khác của virus corona, bao gồm SARS và MERS, cho thấy chúng có thể sống trên các bề mặt kim loại, thủy tinh và nhựa trong khoảng 9 ngày, trừ khi chúng được khử trùng đúng cách. Một số thậm chí có thể tồn tại tới 28 ngày trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn ở hộp giấy (tới 24 giờ), và tới 2-3 ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. (Nguồn: The Boston Herald) |
Đặc biệt, các chủng virus corona khả năng phục hồi mạnh mẽ ở những nơi chúng có thể tồn tại. Và các nhà khoa học hiện bắt đầu hiểu hơn khả năng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự lây lan của SARS-CoV-2.
Neeltje van Doremalen, một nhà vi khuẩn học tại NIH và đồng nghiệp của bà ở Hamilton (bang Montana, Mỹ) đã làm một số thử nghiệm để xem SARS-CoV-2 có thể sống bao lâu ở các bề mặt khác nhau.
Nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại ở các giọt nước lơ lửng trong không khi cho tới 3 tiếng sau khi bắn ra từ một cơn ho. Những hạt nước li ti, từ 1-5 micrometres, bé hơn 30 lần bề ngang sợi tóc - có thể tồn tại vài giờ trong không khí tĩnh. Điều này có nghĩa là virus lưu chuyển trong hệ thống điều hòa không khí không được lọc sẽ tồn tại vài giờ, đặc biệt là khi các giọt nước có xu hướng lắng xuống bề mặt nhanh hơn trong không khí bị xáo trộn.
Nghiên cứu của NIH cho thấy virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn ở hộp giấy (tới 24 giờ), và tới 2-3 ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại lâu như vậy ở tay nắm cửa, bàn làm việc bọc nhựa hoặc các bề mặt cứng khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra rằng bề mặt bằng đồng có thể tiêu diệt virus trong khoảng 4 giờ.
Nghiên cứu còn cho thấy SARS-CoV-2 có thể chết chỉ trong một phút bằng cách khử khuẩn các bề mặt bằng cồn 62%-71% hoặc thuốc tẩy hydro peroxide 0,5%, hoặc thuốc tẩy gia dụng có chứa 0,1% sodium hypochlorite.
Nhiệt độ và độ ẩm cao hơn cũng có xu hướng khiến các virus corona khác chết nhanh hơn, mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng một virus corona gây ra bệnh SARS có thể bị tiêu diệt bởi nhiệt độ 56 độ C ở tỷ lệ khoảng 10.000 virus trong mỗi 15 phút.