📞

Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ 'không thể chối từ' với Nga

Thục Phương 13:40 | 21/06/2021
Rạn nứt trong quan hệ với Mỹ và những lợi ích kinh tế quá lớn với Nga là những nguyên nhân chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành đối tác của Moscow.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là 'người bạn đáng mến'. (Nguồn: Sputnik)

Về mặt lịch sử, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ luôn là đối thủ của nhau về mặt địa chính trị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai nước đã cố gắng xây dựng quan hệ đối tác ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Tuy nhiê, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ hiện tại với cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ.

Rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Thổ

Ankara và Washington là hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng đang mâu thuẫn về một số vấn đề lớn, chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - một động thái dẫn đến việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm ngoái.

Tiếp đến là những khác biệt đáng kể về chính sách khu vực. Cụ thể là sự ủng hộ của Mỹ đối với lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria và việc Washington từ chối dẫn độ Fethullah Gulen, giáo sỹ Thổ Nhĩ Kỳ sống tại bang Pennsylvania từ cuối những năm 1990, nhưng bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là một người bất đồng chính kiến nguy hiểm, từng kích động âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Theo quan điểm của Ankara, tất cả những lý do kể trên khiến Nga, chứ không phải Mỹ, có tiềm năng trở thành một đối tác chiến lược. Bản thân người dân Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng đồng ý với quan điểm này.

Một cuộc khảo sát tại Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cho thấy, gần 79% người được hỏi muốn Ankara hợp tác với Moscow hơn là với Washington. Khi được hỏi: "Bạn có nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ nên hợp tác với Mỹ trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại của mình hay không?", 73% người tham gia khảo sát đã trả lời "Không".

Theo quan điểm của Điện Kremlin, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Thổ có thể dẫn đến sự phá hủy trật tự thế giới cũ và làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây.

Cách đây không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ việc NATO chính thức lên án Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sau vụ Minsk ép một máy bay dân sự hạ cánh và bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich trên máy bay. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, NATO không nên phản đối Belarus hoặc yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Rõ ràng, trừ khi Ankara thay đổi chiến lược, NATO sẽ rất khó để có được một lập trường thống nhất đối với Belarus, đồng minh duy nhất của Nga ở châu Âu.

Áp lực từ Nga

Tuy nhiên, động thái "nghiêng về Nga" này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “người bạn đáng mến”, có mong chờ được đáp lại hay không? Và cụ thể mong muốn đó là gì?

Tháng 4/2021, Nga đã đình chỉ các chuyến bay đến các sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ với lý do số ca mắc Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, việc Moscow gây áp lực với Ankara lại là một vấn đề hoàn toàn khác, không liên quan đến đại dịch.

Vào thời điểm đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đang tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức quốc phòng hai nước đang thảo luận về việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược”.

Ukraine rất quan tâm đến việc mua máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, vốn có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia vào mùa Thu năm ngoái. Bên cạnh đó, Kiev còn muốn triển khai các máy bay này trong cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng thân Nga tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Moscow nói rằng, không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc hủy các chuyến bay với mối quan hệ đang ấm lên giữa Ankara và Kiev. Tuy nhiên, Điện Kremlin từng nhiều lần tìm ra các cách khác để thể hiện sự không hài lòng của mình.

Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở Syria. Nga đã trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu tất cả cà chua từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm đó, một số người coi phản ứng của Moscow là quá yếu ớt.

Tuy nhiên, động thái này không chỉ ảnh hưởng xấu đến các nhà xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ (Nga là thị trường xuất khẩu cà chua lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ), mà thực tế còn giúp đẩy mạnh sản xuất nội địa ở Nga, khi chính phủ nước này đầu tư vào các dự án nhà kính.

Lệnh cấm bay của Nga có thể khiến Ankara thiệt hại khoảng 500 triệu USD. (Nguồn: Antalya Homes)

Mục tiêu đối lập nhưng lợi ích song trùng

Sự độc lập về tư duy và phương pháp của Tổng thống Erdogan trong chính sách đối ngoại có thể đã nâng cao vị thế toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, song kinh tế vẫn là điểm yếu của ông.

Theo các nhà điều hành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, lệnh cấm bay của Nga có thể khiến Ankara thiệt hại khoảng 500 triệu USD. Tình huống này đủ nghiêm trọng để buộc Ankara phải mời một phái đoàn y tế Nga đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xem xét các biện pháp an toàn được áp dụng tại các khu nghỉ dưỡng của nước này, đồng thời tiếp tục kiến nghị Moscow cân nhắc về lệnh cấm.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch nối lại hợp tác, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Nga đang tích cực tham gia vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ và đã hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên TurkStream.

Việc phát hiện các mỏ khí đốt tự nhiên mới ở Biển Đen thời gian gần đây đồng nghĩa Ankara sẽ có thể bớt phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, dự án Akkuyu và hệ thống tên lửa S-400 vẫn có khả năng bảo đảm sự hiện diện lâu dài của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hoặc sẽ trở thành đồng minh của nhau. Hai bên có thể nhất trí về các lệnh ngừng bắn và kiểm soát các căn cứ của họ trên thực địa ở Syria và Libya, nhưng mục tiêu của họ là hoàn toàn đối lập.

Tựu chung lại, những lợi ích kinh tế quá lớn với Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng "chối từ". Mặc dù vậy, bất kỳ mối quan hệ đối tác nào giữa Moscow và Ankara cũng sẽ tác động không nhỏ đến tình hình khu vực và được Washington cùng NATO theo dõi sát sao.

(theo Asia Times)