Người tị nạn vẫn đến Lesbos bất chấp thỏa thuận giữa EU và Thỗ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Independent |
Sự hoài nghi đang bao trùm các hòn đảo của Hy Lạp hôm 20/3 khi thỏa thuận gây tranh cãi giữa EU và Hy Lạp nhằm trục xuất người tị nạn Syria có hiệu lực.
Theo kế hoạch hành động chung ký ngày 18/3 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, người tị nạn tới các đảo của Hy Lạp sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 20/3.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo và tình nguyện viên trên các hòn đảo ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng cho biết, họ không nhận được thông tin gì từ cơ quan có thẩm quyền của Hy Lạp. Cũng không có dấu hiệu của việc bố trí thêm hàng trăm cảnh sát, nhân viên di trú và phiên dịch viên để hỗ trợ thực thi thỏa thuận.
Trong khi đó, các quan chức Hy Lạp cho biết, chính sách hồi hương sẽ không sớm được thực thi cho tới ngày 4/4 - thời điểm Hy Lạp phải thiết lập một quy trình nhanh gọn để xử lý các đơn yêu cầu xin tị nạn.
Theo các tổ chức nhân đạo ở các đảo Lesbos và Chios, các cơ quan thực thi pháp luật của Hy Lạp sẽ “rất vất vả” nhằm di chuyển hàng nghìn người đã đến nơi đây trước 20/3, thời điểm thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực.
Dan Tylerr, cố vấn truyền thông cho Ủy ban tỵ nạn Na Uy có mặt trên đảo Chios nói rằng không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với 650 trường hợp vừa tới sau khi thỏa thuận có hiệu lực. “Tình hình rất hỗn loạn, không ai biết chuyện gì đang xảy ra…. Chúng tôi rõ ràng rất lo lắng về tốc độ thực thi thỏa thuận này”.
Michele Telaro, điều phối viên của Tổ chức Bác sỹ không biên giới (Médicines Sans Frontières) trên đảo Lesbos cũng có mối lo ngại tương tự, khi cho biết có khoảng 300 người đã đến đây vào hôm 20/3. Ông nói: “Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo, chúng tôi không có thông tin”.
Ông bày tỏ lo ngại về việc EU và nhà chức trách Hy Lạp muốn xử lý "nhanh gọn" đơn yêu cầu xin tị nạn của người dân, và cảnh báo: “Họ sẽ phải tuân thủ và tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế”
Cũng có những quan ngại rằng nếu đóng cửa tuyến đường bọn buôn lậu thường sử dụng để đưa người tị nạn Syria qua biển Aegan sẽ đẩy những người tị nạn đang trong tuyệt vọng tìm tuyến đường khác nguy hiểm hơn để vượt biên vào châu Âu.
Hiện tương lai của hàng chục nghìn người nhập cư và tị nạn đã ở Hy Lạp sau khi đóng các tuyến đường chính qua khu vực Balkans vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp.