Những cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) giữa các quốc gia ký kết Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, đã chính thức bắt đầu vào ngày 6/4 vừa qua.
Về cơ bản, các bên tham gia muốn kéo Mỹ và Iran trở lại nhằm “hồi sinh thỏa thuận thế kỷ” được ký năm 2015.
Việc hồi sinh JCPOA được mong đợi sẽ giúp khu vực Trung Đông ổn định trở lại. (Nguồn: Axios) |
Ngoài ra, các nước thành viên bao gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức cũng hy vọng qua thỏa thuận này sẽ bắt buộc Iran tuân thủ các hạn chế làm giàu uranium và đảm bảo rằng nước này sẽ không thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Tehran sẽ được gỡ bỏ.
Cả Iran và Mỹ thời gian qua đều đã thể hiện rõ quan điểm muốn quay trở lại thỏa thuận này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế và cả những người trong cuộc dự báo rằng, các vòng đàm phán này diễn ra không hề dễ dàng, bởi cả Washington và Tehran luôn tỏ ra ngờ vực nhau và đều có những yêu cầu khắt khe riêng của mình.
Chính vì vậy, vòng đàm phán đầu tiên ngày 6/4 đã diễn ra một cách khá đặc biệt. Cả Mỹ và Iran đều không đồng ý gặp mặt trực tiếp, mà đã có cuộc đàm phán gián tiếp thông qua các quốc gia trung gian và Liên minh châu Âu (EU) với mục đích đạt được bước đột phá trong đàm phán.
JCPOA là gì?
Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) là tên gọi rắc rối được đặt cho thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia được ký giữa Iran và 6 cường quốc thế giới năm 2015.
Năm 2002, thế giới biết đến một địa điểm làm giàu uranium lớn, bí mật của Iran được xây dựng sâu dưới lòng đất. Iran tuyên bố họ dự định sản xuất uranium độ giàu thấp cho các nhà máy điện hạt nhân. Phần còn lại của thế giới nghi ngờ đây là một phần của chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân bí mật, nhằm cung cấp cho Iran khả năng sản xuất những vật liệu độ giàu cao để chế tạo bom.
Tin liên quan |
Iran: Mỹ không dỡ trừng phạt mà quay lại JCPOA đồng nghĩa với 'tống tiền' |
Năm 2003, ngay sau khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố “cuộc chiến toàn cầu với khủng bố” và Mỹ đưa quân vào Iraq, Iran tuyên bố sẽ đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến làm giàu hạt nhân, như một phần trong chính sách ngoại giao với châu Âu.
Nhưng khi căng thẳng khu vực gia tăng trong thập niên tiếp theo, chương trình hạt nhân Iran đã nhanh chóng phát triển. Các cường quốc phương Tây, do lo ngại sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông có thể tiếp nối, liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt ngày càng hà khắc để buộc Iran phải lùi bước.
Vào tháng 7/2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cũng như với Đức và EU.
Tehran đã đồng ý chỉ làm giàu uranium ở mức độ thấp không phù hợp với việc chế tạo bom và tích lũy không quá 300kg. Họ cũng bỏ xó hàng ngàn máy ly tâm (giúp làm giàu uranium), đổ bê tông vào lõi lò phản ứng nước nặng tại Arak.
Iran đã đồng ý với một chế độ thanh sát nghiêm ngặt nhất so với bất cứ đâu trên thế giới. Đổi lại, một số lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ, giúp cứu vãn nền kinh tế bị tổn hại nặng nề của quốc gia Trung Đông này.
JCPOA được ký kết vào tháng 7/2015. (Nguồn: Reuters) |
Đổ vỡ quan hệ
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi đó là “thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân chặt chẽ nhất từng được đàm phán”. Thế nhưng, khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chế giễu nó là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay”.
Chính vì vậy, vào năm 2018, ông Trump đã giáng một đòn chí mạng vào thỏa thuận này vào năm ngoái bằng cách đơn phương rút khỏi JCPOA, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt vào Iran. Những lệnh trừng phạt này, dựa vào sức mạnh toàn cầu của đồng USD và hệ thống ngân hàng Mỹ, đã ngăn cản các công ty châu Âu làm ăn với Iran.
Iran đơn phương duy trì thỏa thuận hạt nhân trong một năm. Nhưng vào tháng 4/2019, ông Trump đã chấm dứt các lệnh miễn trừ cho phép một số quốc gia tiếp tục mua dầu mỏ của Iran. Đó là giọt nước làm tràn ly. Tháng 5/2019, Iran thông báo sẽ bắt đầu rút từng bước khỏi thỏa thuận, trừ khi châu Âu có thể bảo vệ nền kinh tế Iran.
Tiếp đó, Iran đã gây ra thêm nhiều rạn nứt bằng cách vi phạm một số giới hạn đã thỏa thuận, về quy mô dự trữ uranium độ giàu thấp và về nồng độ vật liệu phân hạch, cũng như xây dựng các máy ly tâm tiên tiến hơn và tích cực hỗ trợ các đồng minh ở Trung Đông như các nhóm Hezbollah, Hamas và chính phủ Syria của ông Bashar al-Assad, hầu hết đều bị phương Tây coi là khủng bố.
Kể từ đó, sự thù địch giữa Mỹ và Iran đã tăng lên và đụng độ gián tiếp đã xảy ra. Hàng loạt các con tàu bị tấn công quanh khu vực eo biển Hormuz, nơi trung chuyển 1/5 sản lượng dầu toàn cầu. Hai bên cũng đã bắn hạ các máy bay không người lái của nhau vào năm 2019.
Triển vọng tương lai
May mắn thay, kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 1/2021, Washington đã đặt vấn đề hạt nhân Iran thành một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại, đồng thời kêu gọi Iran quay trở lại bàn đàm phán.
Tin liên quan |
Khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015: Iran muốn gì từ châu Âu? |
Thế nhưng, hai bên vẫn tồn tại những nghi kị nhất định. Tehran khẳng định họ có thể nhanh chóng trở lại tuân thủ thỏa thuận nhưng muốn Washington làm như vậy trước, còn chính quyền Biden lại muốn Iran có hành động trước.
Cuộc gặp tại Vienna lần này được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của các bên nhằm khôi phục JCPOA sau gần 3 năm Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Để khôi phục thành công, cũng như đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ trong tương lai đòi hỏi các bên đối thoại phải tìm cách thỏa mãn điều kiện của nhau. Do đó, nếu không bên nào chịu lùi bước, tuân thủ thỏa thuận thì việc đàm phán sẽ diễn ra vô thời hạn.
Cũng có ý kiến cho rằng, với việc Mỹ và Iran không gặp mặt trực tiếp, lần đàm phán hạt nhân lần này có lẽ mới chỉ là sự "khởi đầu" trong mục tiêu "hồi sinh thỏa thuận”. Nhưng dù vậy, Washington vẫn đang hy vọng đạt được một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản, nhằm tạo ra sự ràng buộc nhất định trước khi Iran tổ chức bầu cử vào tháng 6.
Ngày 7/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thông báo, nước này chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, bao gồm các lệnh trừng phạt không phù hợp đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhằm nối lại việc Tehran tuân thủ thỏa thuận đó. “Chúng tôi chuẩn bị thực hiện các bước cần thiết nhằm quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), bao gồm cả việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt không phù hợp với thỏa thuận này”. - ông Price nói Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại không cung cấp thông tin chi tiết về các bước chuẩn bị của mình. |