Một điểm kiểm phiếu ở Bang Alaska, Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 3/11. |
Kết quả đã được dự đoán trước
Được hậu thuẫn bởi các phong trào bảo thủ phản đối bao gồm cả đảng TEA, phe Cộng hòa đã thành công trong việc phản bác lại chương trình nghị sự của ông Obama: gói kích thích 787 tỷ USD, các gói cứu trợ, cải cách chương trình bảo hiểm y tế cũng như tăng cường quản lý Phố Wall. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri rất bất bình với tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế và sự lãnh đạo của Tổng thống.
Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng có 2% trong quý 3 vừa qua nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9,6%, tỷ lệ cao nhất kể từ thời thế chiến thứ 2. Số người Mỹ sống nhờ trợ cấp xã hội ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo khảo sát của CNN, kinh tế đứng đầu trong số các vấn đề mà cử tri quan tâm với 62%, bỏ xa cải cách y tế (19%), nhập cư (8%) và cuộc chiến ở Afghanistan (7%). Hai năm là khoảng thời gian quá ngắn để ông Obama có thể thực hiện được những cam kết to lớn lúc tranh cử, cộng với việc phải thừa hưởng hậu quả nặng nề của cuộc khủng khoảng tài chính từ nhiệm kỳ trước. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn đã tác động trực tiếp tới quyết định của cử tri Mỹ. Chính vì thế, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ đã được giới truyền thông dự đoán từ trước và không có gì bất ngờ xảy ra. Chính ông Obama cũng đã tiên liệu được thất bại này với lời thú nhận: "Các cử tri hiện đang rất thất vọng".
Như vậy, sau bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 2/11, phe Cộng hòa giành thêm được 67 ghế để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Còn thượng viện, tuy phe Dân chủ vẫn nắm quyền kiểm soát nhưng số ghế chênh lệch rất ít. Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa còn thắng thêm 8 vị trí thống đống bang và giành quyền kiểm soát 17 cơ quan lập pháp ở những bang mà họ đặt mục tiêu.
Ngay sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, ông Obama đã thừa nhận thất bại, nhận trách nhiệm về thất bại này và gọi điện cho ông John Boehner của đảng Cộng hòa, người được cho sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện mới thay thế bà Nancy Pelosy của Dân chủ. Trong cuộc nói chuyện, Tổng thống Obama bày tỏ hy vọng "sẽ tìm được tiếng nói chung" với ông Boehner.
Tìm lại lợi thế
Việc để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Cộng hòa sẽ bắt đầu một giai đoạn khó khăn đối với ông Obama trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống. Ông sẽ phải có nhiều cuộc đàm phán thỏa hiệp hơn để thông qua một quyết sách. Sự thay đổi cán cân quyền lực này cũng sẽ tác động đáng kể tới chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Obama, buộc ông phải nhượng bộ trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Trong lĩnh vực đối nội, theo nhận xét chung của báo chí Mỹ, thắng lợi này là sự bác bỏ các chính sách của đảng Dân chủ hơn là ủng hộ các sáng kiến của đảng Cộng hoà. Chính vì thế ông Obama chắc chắn sẽ phải xem xét lại chương trình nghị sự của mình. Ông Obama có thể sẽ phải tìm kiếm một số "nền tảng chung" với phe Cộng hòa vốn đang toan tính lật đổ ông vào năm 2012. Thử thách đầu tiên có thể là chương trình cải cách bảo hiểm y tế mà Tổng thống Obama và phe Dân chủ đã phải vất vả lắm mới thông qua được Quốc hội. Ông John Boehner, người có thể thay thế bà Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện tuyên bố sẽ sửa đổi lại chương trình cải cách bảo hiểm y tế, cắt giảm chi tiêu của chính phủ cũng như cắt giảm thuế nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và kích thích kinh tế phát triển.
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama cũng sẽ vấp phải sự phản kháng của phe Cộng hòa trong hàng loạt vấn đề như như kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, chính sách Trung Đông, Trung Quốc và Afghanistan. Quốc hội Mỹ có thể sẽ yêu cầu ông Obama tăng cường sức ép lên Trung Quốc về vấn đề tiền tệ và chính sách thương mại, đặc biệt trong bối cảnh dư luận Mỹ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới giữa Mỹ và Nga cũng có thể bị ảnh hưởng nếu như nó không kịp thông qua hiệp ước này tại Thượng viện trong kỳ họp cuối cùng của quốc hội cũ. Ph Cộng hoà luôn cho rằng Mỹ đã nhượng bộ quá nhiều khiến hiệp định này gây tổn hại cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại là "lãnh địa của ngành hành pháp" nên phe Cộng hòa khó có thể ngăn cản các sáng kiến đối ngoại của Mỹ. Thế nhưng, chắc chắn họ sẽ gây khó khăn cho việc thông qua các nghị quyết liên quan đến chính sách đối ngoại, trì hoãn việc phê chuẩn các quan chức do Tổng thống Obama bổ nhiệm.
Thanh Huyền