📞
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Thông điệp Nguyễn Cơ Thạch

Nguyễn Tất Thành 08:30 | 17/05/2021
Trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) khám phá ra một nước phương Tây có thể chia sẻ quan điểm của Việt Nam. Đó là Australia.

Đầu những năm 1980, kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn, hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng vì vấn đề “thuyền nhân” và việc quân đội ta ở Campuchia chưa về nước được sớm như dự kiến.

Trước đó, nhằm củng cố vị trí bá chủ thế giới, Mỹ gây ra chiến tranh tại Việt Nam để chống Trung Quốc và Liên Xô. Sau thất bại tại Việt Nam, họ quay sang đi với Trung Quốc để tập trung chống Liên Xô.

Trung Quốc đi với Mỹ cũng để chống Liên Xô, đồng thời tranh thủ hiện đại hóa.

Trong bối cảnh mới lúc đó, Mỹ và phương Tây vào hùa với Trung Quốc và ASEAN (lúc đó gồm 5 nước) ủng hộ Pol Pot - Ieng Sary, cấm vận Việt Nam.

Ngoại trưởng Australia Bill Hayden đón Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại sân bay Canberra, ngày 14/3/1984. (Ảnh tư liệu)

“Khám phá” đáng giá

Là Bộ trưởng Ngoại giao thời kỳ này, nhiệm vụ tưởng chừng như “bất khả thi” của ông Nguyễn Cơ Thạch là bình thường hóa quan hệ với các nước thù địch, phá thế bao vây, cấm vận. Ông cố tìm và đã tìm được những nước, những cá nhân tiến bộ, hiểu rõ thời cuộc để tạo đột phá.

Ngoài việc tranh thủ triệt để các nước tích cực trong Phong trào Không liên kết như Ấn Độ và Indonesia, Nguyễn Cơ Thạch “khám phá” nhóm cựu binh Mỹ và tìm được một nước phương Tây có thể chia sẻ quan điểm với mình.

Khi đó trên thế giới có một nước tại khu vực có quan hệ với cả Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam, đó là Australia. Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, từ đầu những năm 1970, Australia thực thi một chính sách đối ngoại tương đối độc lập, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam chưa đầy một tháng sau Hiệp định Paris 1973.

Sau ngày 30/4/1975, Australia cũng nằm trong số những nước đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã lưu tâm điều này từ rất sớm.

Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Bob Hawke kiên quyết không ủng hộ ghế của Pol Pot tại Liên hợp quốc như Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Để tranh thủ lập trường của Australia, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng bạn ở New York và mời thăm Việt Nam.

Năm 1983, ông Bill Hayden là một trong những Ngoại trưởng phương Tây đầu tiên thăm ta kể từ năm 1975, trước đó chỉ có Ngoại trưởng một số nước Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Australia lúc này còn cấn cá chuyện nối lại hỗ trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam. Chính phủ Công đảng Australia đã đưa vấn đề này vào Cương lĩnh tranh cử (và thắng cử ngày 11/3/1983), nhưng Mỹ và ASEAN phản đối quyết liệt.

Về chuyện này, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói: “Australia hỗ trợ thì chúng tôi hoan nghênh, nhưng điều tốt nhất mà Australia có thể hỗ trợ Việt Nam lúc này là đóng góp để giải quyết vấn đề Campuchia, vì hòa bình và hợp tác ở Đông Dương và ở Đông Nam Á!”.

Suốt trong những năm làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn đề cao hai ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam, đó là hòa bình và hợp tác.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chào Thủ tướng Australia Bob Hawke, ngày 15/3/1983. Đại sứ Hoàng Bảo Sơn ở ngoài cùng bên phải. (Ảnh tư liệu)

Chìa khóa đối thoại

Mặc dù bị phương Tây, ASEAN cũng như dư luận trong nước phản đối, Ngoại trưởng Bill Hayden kiên quyết mời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm Australia.

Ông Bill Hayden giải thích: “Tôi tin là cũng như Trung Quốc hay Thái Lan, Việt Nam có những quan ngại chính đáng về an ninh liên quan tới Campuchia. Cô lập Việt Nam không phải là lợi ích của Australia hay khu vực. Đối thoại chứ không phải đối đầu rõ ràng là chìa khóa để có được an ninh và tiến bộ. Đây không phải là vấn đề chọn bên” (theo báo Canberra Times, 5/3/1984).

Để chuẩn bị cho chuyến công du Australia tháng 3/1984, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cử một nhà ngoại giao cứng sang làm Đại biện, rồi ngay sau đó cử nhà ngoại giao kỳ cựu Hoàng Bảo Sơn, nguyên Đại sứ tại Thái Lan, sang làm Đại sứ (tháng 1/1984).

Chuyến thăm Australia của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thành công như mong đợi!

Như lời ông Thạch nói khi đó, “trong bối cảnh đối đầu giữa Đông Dương và các nước khác ở Đông Nam Á, chuyến thăm giúp làm giảm căng thẳng và nâng cao khả năng hợp tác hòa bình”.

Australia hiểu rõ hơn chính nghĩa và lập trường của Việt Nam, từ đó phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia thông qua kênh Liên hợp quốc.

Thời gian này, Canberra, New York và Bangkok là những cửa ngõ quan trọng nhất của Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Chúng ta đều biết, Australia là đồng minh của Mỹ, từng gửi quân tham chiến tại Việt Nam. Quân đội Australia khi đó bị đa số người dân trong nước oán giận, khi về nước không được chào đón.

Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm Australia vẫn bị nhiều người biểu tình phản đối, đa phần là những người cực đoan gốc Việt, ra đi bằng thuyền sau ngày 30/4/1975. Ông không hề nao núng.

Tại hội đàm cũng như các cuộc họp báo, ông Nguyễn Cơ Thạch nói rõ cho người Australia, kể cả người gốc Việt, về chính sách hòa bình, hòa giải dân tộc, về hợp tác giữa các nước có chế độ chính trị-xã hội khác nhau, về sự cần thiết phải cộng tác để giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại chứ không phải dựa vào sức mạnh quân sự.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại họp báo ngay sau hội đàm tại thủ đô Canberra, Australia. (Ảnh tư liệu)

Thông điệp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được truyền tải hùng hồn, tâm huyết tới Australia, và qua Australia tới thế giới phương Tây.

Thông điệp ấy tạo nền tảng giải quyết vấn đề Campuchia. Thông điệp ấy cũng giúp Việt Nam phá bao vây, cấm vận để hội nhập quốc tế.

Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đại diện của một đất nước vừa chiến thắng vẻ vang lại truyền tải đi những thông điệp hòa bình thiết tha và chân thành đến vậy gửi tới những người chiến bại. Âu cũng là truyền thống ngoại giao hòa hiếu bao đời của cha ông ta, vượt qua mọi đau thương và thù hận, được Nguyễn Cơ Thạch đúc kết và gửi gắm tới thế giới, tới tất cả chúng ta.

***

Khi trả lời phỏng vấn của VOV gần đây, cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans nói: “Giờ đây các nghĩa trang đã trở thành đài tưởng niệm, chúng ta đã có thể khép lại quá khứ. Tiếng nói của Nguyễn Cơ Thạch có ý nghĩa rất quan trọng trong sự chuyển đổi để vượt qua quá khứ này.

Ông ấy là nhà cách mạng dân tộc trung kiên, luôn cương quyết bảo vệ các giá trị của Việt Nam mà tất cả chúng tôi đều thừa nhận. Nhưng thông điệp của ông về sự ôn hòa, về hợp tác, về nhu cầu phối hợp giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại mới là thông điệp quan trọng nhất sẽ còn mãi vang vọng”.

Tôi hoàn toàn chia sẻ, thông điệp Nguyễn Cơ Thạch đủ sức mạnh vượt qua thời gian, giúp những người ở phía bên kia, dù là người gốc Việt hay người nước ngoài, phải nhìn nhận lại để có thể hiểu biết một cách chân thực, thấu đáo, bao dung và đúng đắn hơn về đất nước Việt Nam của chúng ta.

Canberra, 15/5/2021