📞

Thông tin cập nhật mới nhất về siêu biến thể Omicron từ các bác sĩ ở Nam Phi

Trung Phan 06:49 | 14/12/2021
Nguy cơ tái nhiễm do biến thể Omicron cao hơn 3 lần so với biến thể Delta và Beta, với hơn 35.000 ca nghi tái nhiễm trong tổng số 2,8 triệu ca mắc.
Hai nhà khoa học Melva Mlambo (phải) và Puseletso Lesofi chuẩn bị giải trình tự các mẫu biến thể Omicron gây bệnh Covid-19 tại Trung tâm Nghiên cứu Ndlovu ở Elandsdoorn, Nam Phi, ngày 8/12. (Nguồn: AP)

Lây lan nhanh chóng

Kể từ khi phát hiện biến thể Omicron, các nhà khoa học đã thực hiện thu thập thông tin, theo dõi số lượng ca bệnh, tỷ lệ nhập viện, tử vong cũng như xem xét hiệu quả của các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện nay.

Cho đến nay, tuy Delta vẫn là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng chỉ trong hơn 1 tháng, các ca bệnh do lây nhiễm Omicron đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bác sĩ Unben Pillay, Giám đốc Hiệp hội bác sĩ đa khoa ở Nam Phi, người đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cho biết, tỉnh Gauteng - địa phương đầu tiên phát hiện biến thể Omicron, đã ghi nhận sự gia tăng 400% số ca mắc mới trong tuần đầu tiên của tháng 12, trong đó, hơn 90% trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Tỉnh Gauteng bao gồm thành phố Johannesburg (thành phố lớn nhất Nam Phi) và thủ đô Pretoria, đồng thời cũng là tỉnh đông dân nhất của Nam Phi với 16 triệu dân.

Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa ngày 6/12 cho hay, biến chủng Omicron đã đẩy quốc gia châu Phi vào làn sóng lây nhiễm thứ tư. Thông tin được nhà lãnh đạo Nam Phi đưa ra khi dữ liệu báo cáo của các bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục tăng cao.

Nam Phi ghi nhận 41.400 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 22.400 ca mắc ngày 9/12 và 19.000 ca ngày 10/12, tăng hàng trăm lần so với mức 200 ca/ngày ở thời điểm vài tuần trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla, một tháng qua, trong số 90.000 người mắc bệnh, có 70% là do biến thể Omicron.

Không chỉ lây lan nhanh, mới đây, Hội đồng nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC) cũng đã tiến hành nghiên cứu các bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Tshwane, tỉnh Gauteng trong 2 tuần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron.

Kết quả cho thấy, nguy cơ tái nhiễm do biến thể Omicron cao hơn 3 lần so với biến thể Delta và Beta, với hơn 35.000 ca nghi tái nhiễm trong tổng số 2,8 triệu ca nhiễm.

Dấu hiệu nhiễm nhẹ hơn so với biến thể Delta

Khi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, bác sĩ Unben Pillay đang khám cho hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng không có ai bị bệnh nặng phải nhập viện. Đó là một trong những lý do khiến ông và các đồng nghiệp nghi ngờ rằng, tuy tốc độ lây lan nhanh nhưng biến thể Omicron gây bệnh Covid-19 nhẹ hơn Delta.

Bác sĩ Pillay chia sẻ, đa số bệnh nhân có thể được điều trị bệnh tại nhà, phần lớn trường hợp đã bình phục trong thời gian cách ly từ 10-14 ngày, kể cả những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh nền trước đó.

Cán bộ theo dõi dữ liệu bệnh viện của Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi Waasila Jassa cho biết, biến thể mới lây truyền nhanh chưa từng thấy so với các loại trước đây.

Trong số các bệnh nhân nặng phải nhập viện trong đợt hiện tại, có 86% người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Độ tuổi của những bệnh nhân mắc Covid-19 cũng trẻ hơn so với các thời kỳ trước của đại dịch, có khoảng 2/3 là người dưới 40 tuổi.

Theo Viện nghiên cứu các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi, trong những tuần gần đây, có khoảng 30% người mắc Covid-19 nặng phải nhập viện, con số này đã giảm hơn một nửa so với thời gian đầu của đại dịch.

Thời gian nằm viện trung bình cũng ngắn hơn, khoảng 2,8 ngày so với 8 ngày trước đây. Chỉ 3% trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhập viện tử vong, so với khoảng 20% ​​trong các đợt bùng phát do các biến thể được phát hiện trước đó.

Cho đến nay, 41% dân số Nam Phi trong độ tuổi trưởng thành mới tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 35,6% người dân đã được tiêm phòng hai mũi. Trong số đó, 57% người từ 60 tuổi trở lên được tiêm hai mũi, tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế châu Phi Willem Hanekom cho rằng, báo cáo của các nước trong khu vực đều cho thấy, biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Tuy nhiên, thường các trường hợp nhập viện và tử vong sẽ xảy ra ở thời gian muộn hơn.

Omicron là biến thể mới xuất hiện được vài tuần, vì thế, cần phải tiếp tục theo dõi để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dù các dấu hiệu ban đầu cho thấy, nhiều trường hợp mắc Omicron ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta, nhưng với tình trạng số lượng ca mắc Covid-19 mới đang tăng mạnh khiến các bệnh viện ở Nam Phi quá tải, có thể số lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng và tử vong cũng tăng lên.

Trên thực tế, các đợt dịch Covid-19 trước đây cũng đã chứng minh, khi hệ thống y tế bị quá tải do các làn sóng lây nhiễm mới sẽ kéo theo hệ lụy là tỷ lệ tử vong tăng lên.

(theo AP)