TIN LIÊN QUAN | |
Nghị sĩ của EP đã bí mật đàm phán với Triều Tiên suốt 3 năm qua | |
Triều Tiên lần đầu lên tiếng sau xác nhận về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều |
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến thời điểm diễn ra thượng đỉnh, song cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia đã tốn không ít giấy mực đồn đoán sự kiện lịch sử này.
Địa điểm gặp gỡ
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là địa điểm gặp gỡ. Nơi được lựa chọn đảm bảo yếu tố an ninh nghiêm ngặt, đồng thời giữ được tính trung lập. US News cho rằng không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ tới Bình Nhưỡng, đặc biệt là khi người đứng đầu Nhà Trắng luôn mong muốn xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong mắt công chúng ở quê nhà.
Tuy nhiên, Phó Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Raj Shah lại cho rằng cuộc gặp tại Bình Nhưỡng hay Washington khó xảy ra. Tương tự, chuyên gia Hong Min tại Viện Thống nhất Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận định ông Trump và ông Kim Jong-un có thể chọn làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu vực Phi Quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên làm địa điểm gặp mặt.
Thế giới đang hy vọng một kết quả tích cực cho cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều. |
Trong khi đó, Giáo sư Leonid Petrov tại Đại học Quốc gia Australia lại quả quyết rằng Bắc Kinh mới là nơi diễn ra sự kiện lịch sử này. Theo ông, nếu không có áp lực từ Bắc Kinh, Chủ tịch Kim Jong-un có thể đã không đánh tiếng để gặp Tổng thống Donald Trump. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã có kinh nghiệm tổ chức Đàm phán Sáu bên giữa đại diện Triều Tiên và năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ năm 2003 – 2007 và hẳn không ngại đóng vai trò chủ nhà một lần nữa.
Một khái niệm, hai cách nghĩ
Đáng chú ý, ngay cả khi lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý gặp mặt để bàn về vấn đề “phi hạt nhân hóa” trên bán đảo Triều Tiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại rằng cả Washington và Bình Nhưỡng đang không nghĩ về cùng một thứ. Nhà phân tích Kim Du-yeon trên The Bulletin cho rằng hai bên đang hiểu khái niệm “phi hạt nhân hóa” theo những định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Theo bà, người Mỹ tin rằng “phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng ngay lập tức gỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân đầy tham vọng của mình, điều khó có thể xảy ra ngay cả sau cuộc gặp cuối tháng Năm. Trong khi đó, quan điểm vốn từng được Chủ tịch Kim Jong-un phản ánh trong những tuyên bố trước đó cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên cần tiến hành giải giáp vũ khí hạt nhân theo từng giai đoạn.
Giải thích cho thực trạng này, bà Kim Do-yeon nhận định việc thông báo tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cấp cao đột ngột như vậy đã khiến giới Ngoại giao của hai nước rơi vào thế bị động, chưa thể tiến hành gặp mặt bên lề để xóa bỏ những khác biệt, dọn đường cho cuộc đàm phán sắp tới. Điều này có thể khiến lãnh đạo hai nước đối mặt với không ít khó khăn trong tìm kiếm thỏa thuận chung về vấn đề mà cả hai đều không hiểu rõ.
Thêm vào đó, nhiều người cho rằng động thái “thay tướng” của ông Trump giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” chỉ càng khiến tình hình trở nên rối ren. Ngay cả khi không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống và quan chức kỳ cựu trong Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Rex Tillerson vẫn là quan chức cấp cao hiếm hoi của Mỹ có lập trường mềm mỏng về vấn đề Triều Tiên, khi ông cho rằng Washington cần chủ động tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, người kế nhiệm ông, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, có quan điểm rất cứng rắn, kiên quyết buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dù phải sử dụng biện pháp quân sự. Theo ông, ngay cả khi Tổng thống Trump chấp nhận lời mời gặp gỡ song phương với Chủ tịch Kim Jong-un, Mỹ sẽ không nhượng bộ trước Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc ông Pompeo không có nhiều kinh nghiệm công tác trong ngành ngoại giao và có quá ít thời gian để chuẩn bị khiến các chuyên gia lo ngại rằng cuộc gặp gỡ cuối tháng Năm khó lòng mang lại kết quả mong muốn.
Trung – Hàn dõi theo
Một nhân tố khác được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc gặp sắp tới là sự theo dõi sát sao từ phía Hàn Quốc và Trung Quốc. Sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp vai trò của Seoul trong việc tác động tới Bình Nhưỡng, qua các cử chỉ thiện chí gần đây như mời Triều Tiên tham dự Olympics mùa Đông PyeongChang 2018 hay cử đoàn Đại biểu cấp cao gặp gỡ với Chủ tịch Kim Jong-un. Hơn ai hết, Tổng thống Moon Jae-in cảm nhận được sức nặng của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và một “bước hụt” từ bất kỳ phía nào cũng sẽ gây hậu quả khó lường mà Hàn Quốc phải gánh chịu.
Trong khi đó, thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh cho rằng một thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích địa chính trị của nước này trong khu vực Đông Bắc Á. Mặt khác, Trung Quốc cũng mong muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, tránh trường hợp Tokyo và Seoul “noi gương” Bình Nhưỡng, đồng thời duy trì ưu thế tuyệt đối của mình trong lĩnh vực này. Ngay cả khi không phải là một bên tham gia đàm phán, Bắc Kinh vẫn sẽ quan sát chặt chẽ mọi động tĩnh liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc mà cả cộng đồng quốc tế sẽ “nín thở” theo từng cái “giơ tay, nhấc chân” của Mỹ và Triều Tiên trong vòng hai tháng tới. Hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á đã nhen nhóm, nhưng vẫn còn rất xa và mơ hồ.
Nhà Trắng hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra như kế hoạch Ngày 12/3, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim ... |
Nhà Trắng khẳng định điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Ngày 11/3, một quan chức Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với điều ... |
Giám đốc CIA: Mỹ không "diễn kịch" khi muốn đàm phán với Triều Tiên Ngày 11/3, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho rằng cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump ... |