📞

Thượng đỉnh Pháp-Anh: 'Bão' đã tan trên eo biển Manche?

Vy Anh 17:31 | 13/03/2023
Thượng đỉnh Pháp-Anh đã hóa giải những bất đồng vốn làm "đóng băng" quan hệ Pháp-Anh trong thời gian dài. Cả về 'lý và tình', họ không thể không là bạn của nhau.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh. (Nguồn: AP)

Một khởi đầu mới

Các tờ báo Pháp vừa qua đặc biệt quan tâm đến chuyến công du Paris của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Báo Libération đã dành trang nhất và bài xã luận nhận định cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa hai nước.

Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh diễn ra tại Paris ngày 10/3 là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên sau 5 năm và dường như các bên đều tỏ vẻ lạc quan trước cuộc gặp này.

Pháp và Anh đều khó thể quên những ngày tháng căng thẳng giữa hai nước dưới thời cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, tiếp đó là khoảng thời gian tồi tệ với cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, thời điểm mà khó có thể xác định trạng thái quan hệ Pháp-Anh là bạn hay đối thủ. Tuy nhiên, tất cả đều đã qua.

Hiện nay, lãnh đạo hai nước có nhiều điểm tương đồng, cả hai còn khá trẻ và đều từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và là cựu Bộ trưởng Kinh tế hoặc Tài chính.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau để xây dựng cầu nối, khắc phục căng thẳng hậu Brexit kéo dài nhiều năm và tìm kiếm thỏa thuận về một hiệp ước mới xuyên eo biển về vấn đề di cư.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết trước thềm các cuộc đàm phán, Thủ tướng Anh đã ca ngợi mối quan hệ “thiết yếu” giữa hai nước láng giềng, mà hai bên được cho là sẽ cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giờ đây cả hai bên đều nhìn thấy cơ hội thiết lập lại “Hiệp ước thân thiện” giữa hai cường quốc hạt nhân Tây Âu.

Libération nhận định chủ đề gây tranh cãi giữa hai nước giờ đây không còn là sự sụp đổ kinh tế thời hậu Brexit mà là việc Anh muốn Pháp tăng cường nỗ lực kiểm soát dòng người di cư muốn tràn vào Anh, một chủ đề mà đa số người dân Pháp tỏ vẻ thờ ơ, nhưng đó lại là mối bận tâm chính ở bên kia Eo biển Manche.

Thủ tướng Sunak thực sự có ít "quân cờ" trong tay, ông hiểu Tổng thống Macron không thể chấp nhận việc London đẩy lùi người di cư quay ngược về Pháp, do đó ông chỉ có thể thuyết phục Pháp đưa ra những biện pháp giám sát bờ biển ở quy mô lớn hơn và tốn kém hơn cho cả hai nước.

Thủ tướng Sunak đã giải thích: “Không có một viên đạn bạc nào để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, luật mà chúng tôi đưa ra trong tuần này là vô cùng quan trọng, hợp tác với Pháp là rất quan trọng, việc xử lý vấn đề di cư bất hợp pháp là rất quan trọng”.

Nhân dịp này, hai Thủ tướng đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác chặt chẽ về vấn đề người di cư. Theo đó, Anh sẽ hỗ trợ 480 triệu Bảng Anh (khoản 577 triệu USD) trong 3 năm cho Pháp để ngăn chặn người di cư vượt eo biển Manche. Khoản hỗ trợ này phục vụ các hoạt động, từ tuần tra tăng cường, sử dụng thiết bị bay không người lái cho tới vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép ở miền Bắc nước Pháp. Về phần mình, Pháp cam kết sẽ triển khai thêm khoảng 500 nhân viên tuần tra bờ biển, đồng thời nâng cấp công nghệ giám sát.

Từ ngày 26-29/3, đích thân Vua Charles III sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Pháp kể từ khi lên ngôi. Mặc dù quan hệ hai nước chưa phải thực sự thân tình, Paris và London đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Anh không thể quay lưng với Pháp

Nhật báo Le Figaro đánh giá Thủ tướng Rishi Sunak không có nhiều kinh nghiệm về nước láng giềng, nhưng ông biết vào đầu thế kỷ XX, Nữ hoàng Victoria đã phải thắt chặt quan hệ với Pháp để tránh tình trạng bị “cô lập toàn diện”.

Vì vậy, sau khi những chấn động chính trị do Brexit gây ra dường như đã lắng xuống, Thủ tướng Anh quyết định tới Paris, một trong những chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng cách đây 4 tháng.

Tác động của Brexit đối với nền kinh tế trong nước cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát lên đến 10% đã khiến London “chao đảo” ít nhiều trong thời gian qua.

Anh nhận ra tuy có thể không còn bị ràng buộc bởi các quy định của Liên minh châu Âu (EU), họ thực sự không thể thoát khỏi châu Âu, đối tác quan trọng nhất của London. Anh vẫn phải duy trì hợp tác với châu Âu nói chung và Pháp nói riêng trong vấn đề quốc phòng, từ huấn luyện binh lính Ukraine cho đến sản xuất vũ khí.

Các nhà lãnh đạo hai nước đã xem xét thêm về việc đảm bảo “sự hiện diện lâu dài của các đối tác châu Âu có cùng chí hướng” ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà cả hai đều có chung lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Thủ tướng Sunak và Tổng thống Macron cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp với các tàu sân bay mới của Hải quân Hoàng gia - HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.

Thỏa thuận tàu ngầm vẫn là một chủ đề nhạy cảm giữa hai bên, nhưng các cộng sự thân cận của Thủ tướng Anh cho biết “Anh sẽ không đâm sau lưng Pháp” và chuyến thăm Paris sắp tới của Vua Charles III có thể đánh dấu một sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước.

Trả lời AFP, Alice Billon-Galland, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, nhấn mạnh nhận định cả hai lãnh đạo đến từ một nền tảng và thế hệ tương tự, điều này có tác động đến cách họ nhìn nhận vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế. Cả hai đều mang đến một nguồn năng lượng mới.

Có thể thấy, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp - Anh lần này đã xóa tan sương mù chính trị và ngoại giao trên eo biển Manche, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia chủ chốt của châu Âu.

(theo AFP)