Lệnh cấm TikTok có thể sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và không gian mạng. (Nguồn: Financial Times) |
Nếu dự luật cấm TikTok được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ giúp Nhà Trắng có cơ sở để cấm hoàn toàn TikTok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ và sau đó có thể mở rộng ra toàn quốc. Thế nhưng, lệnh cấm cũng có thể gây ra làn sóng tranh cãi mới về mục đích thực sự và sẽ đẩy cạnh tranh Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ và mạng cã hội lên một nấc thang mới.
Gia tăng áp lực
Ngay sau khi TikTok tràn vào Mỹ năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu lo ngại. Lý do là với thuật toán đặc biệt của mình, ứng dụng này có thể xác định vị trí, chuyển tải hình ảnh và dữ liệu sinh trắc học của người dùng cho công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc. Ông Donald Trump đã yêu cầu cơ quan chức năng của Mỹ đàm phán với TikTok và “ra lệnh” nếu ByteDance không bán TikTok cho một công ty của Mỹ trong vòng 45 ngày thì sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm hoàn toàn. Sắc lệnh này khiến ByteDance dự định bán một phần TikTok cho phía Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, TikTok đã không làm vậy mà khởi động vụ kiện chống lại lệnh của ông Trump, cho rằng lời đe doạ chỉ là nhằm hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử núp bóng các chính sách bảo hộ thương mại nhằm vào Trung Quốc.
Khi nhậm chức Tổng thống năm 2021, ông Joe Biden đã huỷ sắc lệnh của người tiền nhiệm và ra lệnh tăng cường kiểm soát dữ liệu trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không nêu tên TikTok. Đến tháng 11/2022, việc cấm TikTok lại được dấy lên khi Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố TikTok đe dọa an ninh quốc gia và đề nghị Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật liên bang cấm hoàn toàn TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Đến giữa tháng 3/2023, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra “tối hậu thư” ép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc bán lại cho một công ty Mỹ.
Ngày 24/3/2023, Giám đốc điều hành TikTok Chu Thụ Tư có cuộc điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ. Ông Chu Thụ Tư khẳng định hoạt động của TikTok không khác gì với các mạng xã hội khác của Mỹ, rằng: “ByteDance không thuộc sở hữu hay bị điều khiển bởi chính phủ Trung Quốc” và “mong đợi các cuộc thảo luận để có thể giải quyết những lo ngại đang được nêu ra”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu: “Chúng tôi và những người khác đã thấy được những thách thức mà TikTok đặt ra và đang hành động để giải quyết nó”.
Trước đó, ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Mỹ đang mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để áp chế các công ty nước ngoài”.
Kiểm soát nội dung
Những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề này cho rằng, việc cấm TikTok xuất phát từ lý do chủ yếu là đe dọa an ninh quốc gia và an toàn của người dân Mỹ. TikTok có nguy cơ trở thành phần mềm thu thập thông tin, theo dõi người dùng, khuyến khích đăng tải các thông tin sai lệch và can thiệp nội bộ và các dữ liệu này có thể được chia sẻ tới chính quyền trung ương. Theo báo cáo của cơ quan chức năng Mỹ, năm 2020, có bằng chứng cho thấy nhân viên của ByteDance đã truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng tại Mỹ nhưng không có bằng chứng về việc thông tin được chia sẻ cho chính quyền trung ương.
Về mặt chính sách, lệnh cấm có thể sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và không gian mạng, sẽ vấp phải phản ứng và các hành động đáp trả từ phía Trung Quốc. Về mặt xã hội, với gần một nửa dân số Mỹ đang dùng TikTok hàng ngày, đặc biệt ở giới trẻ thì lệnh cấm hoàn toàn có thể trở thành một vấn đề mang tính chính trị. Bên cạnh đó, việc cấm TikTok có thể khiến Nhà Trắng phải đối mặt các vụ kiện với cáo buộc vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Những người phản đối lệnh cấm TikTok cho rằng, về mặt bảo vệ dữ liệu, việc cấm TikTok hầu như không có ý nghĩa khi mà nhiều ứng dụng khác của Mỹ cũng thu thập các loại thông tin cá nhân tương tự như xác định vị trí, khuôn mặt, giọng nói và nhiều thông tin nhân khẩu học khác… Các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, nếu muốn họ cũng có thể mua dữ liệu cá nhân của người Mỹ hay bất cứ nước nào từ các bên trung gian. Những người Mỹ phản đối cấm TikTok còn cho rằng, các đề xuất cấm TikTok sẽ không mang lại lợi ích nhiều mà còn gây tác hại cho người dùng Mỹ. Hiện đang có rất nhiều nghệ sĩ, doanh nhân và nhân vật có ảnh hưởng đã xây dựng thương hiệu trên TikTok và thu nhập của họ cũng phụ thuộc vào TikTok.
Nhìn chung, lệnh cấm TikTok sẽ khiến gần 150 triệu người dùng Mỹ, đặc biệt là giới trẻ mất đi một hình thức sáng tạo để thể hiện mình.
Những người ủng hộ TikTok biểu tình trước toà nhà Quốc hội Mỹ trong ngày CEO ByteDance điều trần, ngày 24/3. (Nguồn: Reuters) |
Giải pháp dung hòa
Thành công của TikTok nằm ở thuật toán đề xuất nội dung theo “trend”, lan truyền tin tức một cách nhanh chóng và có khả năng dẫn dắt, thao túng tâm lý, gây nghiện người dùng mà không cần biết nội dung đó thật hay giả, có ích hay độc hại thế nào. Nhưng đó cũng chính là điều mà các chuyên gia không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều quốc gia khác lo sợ nhất. Theo nghiên cứu của Viện Stanford, thuật toán của TikTok khiến người dùng như đang tham gia vào một canh bạc. Nếu may mắn, nó sẽ gợi ý cho họ những nội dung thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Nếu không, nó có thể dẫn dắt người dùng đến những điều tồi tệ, thậm chí là cái chết dưới danh nghĩa “khám phá bản thân”.
Catherine Wang, chuyên gia AI của Google cho rằng, thuật toán của TikTok không kiểm soát người đăng video có nội dung thế nào mà tự phân bổ, dẫn dắt người dùng, càng nhiều người tương tác càng lan rộng trong thời gian nhanh nhất mà không cần biết nội dung đó nguy hiểm hay phản cảm.
Theo Caitlin Chin, thành viên của Chương trình Công nghệ chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS), một giải pháp thay thế hữu ích hơn việc cấm TikTok là tăng cường cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình, đảm bảo an ninh và tính minh bạch của ứng dụng. CFIUS đã tham gia các cuộc đàm phán kéo dài hơn hai năm qua với TikTok về một thỏa thuận cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ. Nếu được hoàn tất thì thỏa thuận có thể mang lại cho tập đoàn Oracle – nơi TikTok đặt cơ sở dữ liệu - và các cơ quan giám sát thuộc bên thứ ba cái nhìn sâu hơn về thuật toán gợi ý nội dung của TikTok, tách việc ra quyết định về hoạt động của nền tảng này tại Mỹ khỏi chủ sở hữu ByteDance và yêu cầu lưu trữ nội bộ mọi thông tin cá nhân nhạy cảm của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, phía ByteDance cho rằng, những biện pháp bảo vệ như thế được phía Mỹ nêu ra vẫn mang tính áp đặt so với những biện pháp mà các nền tảng mạng xã hội khác có trụ sở tại Mỹ hoặc của Mỹ áp dụng với người dùng.
Cách tiếp cận phù hợp nhất là chính phủ Mỹ cần thiết lập các quy tắc toàn diện trên toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu nhằm ngăn chặn tất cả các công ty, bao gồm cả TikTok sử dụng thông tin cá nhân, kiểm soát và không để lan truyền nhanh những nội dung độc hại.
TikTok, Facebook, YouTube hay Twitter... đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới với các tiêu chuẩn áp dụng trên toàn cầu. Nhưng khi hoạt động trên một quốc gia cụ thể, tất cả công ty công nghệ cần tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, minh bạch để không gây tổn hại cho người dùng. Chủ sở hữu các ứng dụng cần giám sát, kiểm tra xem các thuật toán có thiên vị, gây ảnh hưởng khác nhau theo chủng tộc, giới tính hoặc tôn giáo hay không.
Ngoài ra, mọi nền tảng mạng xã hội của Mỹ hay Trung Quốc đều cần có các cơ chế cho phép người dùng cảnh báo nội dung phản cảm và đề xuất xóa bỏ bài đăng hoặc tài khoản vi phạm, thực hiện các biện pháp bảo vệ bao trùm nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
TikTok ra đời tại Trung Quốc năm 2016 và một năm sau, tập đoàn ByteDance phát triển TikTok ra toàn cầu. Hiện TikTok đã có hơn 3,5 tỷ người dùng, các nước có nhiều người dùng nhất là Mỹ: 150 triệu, Indonesia: 110 triệu và Brazil: 82 triệu. Việt Nam xếp thứ 6 với gần 50 triệu người dùng. Các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức đã cấm hoặc hạn chế sử dụng TikTok: Mỹ, EU, Anh, Canada, Ấn Độ, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Bangladesh, Afghanistan, Pakistan (đã rút lại), NATO... |
| Để tránh xung đột, Mỹ và Trung Quốc cần làm điều này Ngày 18/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hà tại Zurich (Thụy Sỹ) rằng, các ... |
| Các nước càng siết chặt công nghệ chip, Trung Quốc càng nỗ lực tự tạo ra công nghệ riêng Trong khi Nhật Bản và Hà Lan cùng Mỹ kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc, chuyên gia ... |
| Mỹ 'làm căng' với 2 công ty công nghệ và 26 thực thể của Trung Quốc Ngày 2/3, chính quyền Mỹ bổ sung 2 đơn vị trực thuộc công ty di truyền học nổi tiếng BGI và công ty điện toán ... |
| TikTok bị Anh 'cấm cửa' vào chính phủ, tương lai ở Mỹ cũng không khá hơn, Trung Quốc nói toan tính Ngày 16/3, Bộ trưởng Văn phòng Nội các của Anh Oliver Dowden cho biết, chính phủ nước này sẽ cấm sử dụng TikTok trên các ... |
| Công nghệ nhận dạng khuôn mặt Clearview hỗ trợ cảnh sát Mỹ Công ty nhận diện khuôn mặt Clearview đã thực hiện gần một triệu lượt tìm kiếm cho lực lượng cảnh sát Mỹ, một đại diện ... |