Tin giả giống như một loại virus độc hại, nó xâm nhập, gây rối loạn dư luận, làm mất niềm tin, thậm chí gây khủng hoảng lòng tin. Các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng việc này để xuyên tạc, xúi giục, phá hoại sự ổn định của đất nước ta.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại điểm nóng như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng đặc điểm chung nhất của tin giả là thông tin cung cấp không đúng sự thật. Với sự lan truyền dữ dội của thông tin trên mạng xã hội, đây là điều vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là tin giả liên quan đến đại dịch Covid-19.
Tin giả về Covid-19 gây hoang mang, bức xúc dư luận |
Càng giả càng... tin
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cảnh báo và xử lý các trường hợp tung tin giả nhưng cách thức tung tin giả vẫn phức tạp và có nhiều “biến tướng”. Nguy hiểm nhất là sử dụng khoảng trống thông tin, còn được gọi là "vùng trắng" và "khoảng thời gian chờ", để tấn công sự tò mò của công chúng, xuyên tạc và cập nhật thông tin cũ, bịa đặt mới.
Ông Guy Berger, Giám đốc về chính sách và chiến lược thông tin truyền thông thuộc UNESCO, nhấn mạnh rằng “thời điểm xảy ra những nỗi sợ hãi, những điều bất an và những vấn đề không lý giải được chính là cơ hội để những điều bịa đặt - xuyên tạc nở rộ và phát triển mạnh mẽ”.
Khi những thông tin sai lệch được lặp đi lặp lại và khuếch đại, nhất là bởi những người có ảnh hưởng, thì người ta lại càng tin vào những thông tin đó, tưởng rằng nó là thực.
Dịch bệnh Covid-19 có lẽ là “mảnh đất màu mỡ” để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới và ở Việt Nam: từ những người vô tình hay hữu ý tung tin về việc phát hiện ca nhiễm bệnh ở chỗ này chỗ kia; từ những status vô cùng ngớ ngẩn nhưng vẫn thu hút khá đông lượt chia sẻ như chính phủ phun thuốc lên trời để chống dịch hoặc phải ăn 6 - 12 quả trứng luộc để phòng virus; cho đến những thông tin gây hoang mang và hoảng loạn cho xã hội như việc loan báo có người đầu tiên tử vong vì virus corona, thúc bách người dân tích trữ lương thực thực phẩm và thuốc men, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam...
Theo một báo cáo của cơ quan công an, lợi dụng tình hình dịch bệnh với nhiều diễn biến gây lo ngại, nhiều đối tượng thù địch đã thiết lập hàng trăm website và hàng nghìn nhóm (kín và công khai), tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…) tán phát thông tin dưới nhiều thủ đoạn khác nhau.
Vaccine phòng tin giả
Đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm về sự lan tràn của tin giả và đối tượng chịu sự chỉ trích đầu tiên chính là các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube hay Twitter, Whatsapp.
Đương nhiên rồi, bởi mạng xã hội chính là công cụ phát tán tin giả vô cùng nhanh chóng và phi biên giới. Các “ông lớn” công nghệ sở hữu các mạng xã hội đã có nhiều "chiêu" đáp trả tin giả như “dán nhãn” hoặc thậm chí gỡ bỏ thông tin sai lệch, phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống và các tổ chức kiểm chứng thông tin (fact-check) để cảnh báo cho người dùng.
Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, số lượng thông tin sai lệch chưa có dấu hiệu giảm đi, chưa kể việc sản xuất tin giả bằng trí tuệ nhân tạo không còn là chuyện xa vời.
Chính quyền cũng được coi là một thực thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin giả. Sau rất nhiều tranh cãi về việc các quy định pháp lý để ngăn chặn tin giả có bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận hay không, thì một loạt các quốc gia không còn cách nào khác ngoài việc đặt ra những biện pháp chế tài vô cùng nghiêm khắc đối với tội sản xuất và phát tán tin giả: nhẹ thì phạt vài trăm đến vài ngàn USD, nặng thì có thể lên tới hàng chục ngàn USD và thậm chí án tù nhiều năm.
Tin giả là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam. (Nguồn: Internet) |
Trước tình trạng tin giả gia tăng trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, tỉnh tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật. Các chuyên gia cho rằng hiện chúng ta đã có đủ quy định để xử lý tin giả thì căn cứ vào đây để xử lý thật nghiêm.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, lực lượng công an, các lực lượng có liên quan cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật và xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, những thông tin liên quan đến dịch bệnh được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều người dân đề nghị cần tăng mạnh chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa với hành vi phát tán tin giả, thông tin xấu, độc, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.