Nga tiếp tục lên tiếng về phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine. (Nguồn: CGTN) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga sẽ điều tra các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine
Các thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga sẽ phối hợp với Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga điều tra hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học Mỹ ở Ukraine. Thông tin này được ông Grigory Karasin - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Washington đã chi hơn 200 triệu USD cho hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine và đây là một phần trong chương trình sinh học quân sự của Mỹ.
Bên cạnh đó, ngày 22/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Nga không thể hiểu vì sao Mỹ lại kéo dài việc loại bỏ vũ khí hóa học để rồi vẫn chưa hoàn toàn hủy bỏ chúng.
“Chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không rõ tại sao Mỹ lại chậm chạp như vậy, cố tình trì hoãn việc phá hủy kho vũ khí hóa học dù họ có mọi nguồn lực sẵn có để làm công việc này: gồm công nghệ, tài chính và bất cứ thứ gì khác”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ông Ryabkov nhấn mạnh, Nga đã phá hủy hoàn toàn kho dự trữ vũ khí hóa học của mình "dưới sự giám sát nghiêm ngặt của quốc tế hồi năm 2017. Đây là một thực tế không thể phủ nhận". (Sputnik/TASS)
Nga muốn thúc đẩy đàm phán với Ukraine
Ngày 22/3, Điện Kremlin bày tỏ mong muốn cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Ukraine trở nên "tích cực và thực chất hơn", trong bối cảnh hoạt động giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố, Nga không có ý định công khai các yêu cầu chi tiết của mình đối với Ukraine. (Reuters)
Mỹ "đảm bảo" không có vũ khí hóa học và sinh học ở châu Âu
Ngày 21/3, khi họp cùng với các đại diện doanh nghiệp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo rằng Mỹ không có vũ khí sinh học và hóa học ở châu Âu. Đồng thời, Ukraine cũng không có các cơ sở như vậy.
“Việc các nhà chức trách Nga đổ lỗi cho Mỹ và Ukraine là có lý do, đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) đang cân nhắc sử dụng cả hai loại vũ khí này”, Tổng thống Biden nói thêm. (Reuters)
Mỹ tuyên bố muốn duy trì quan hệ với Nga
Ngày 22/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ và Nga sẽ duy trì hoạt động của các phái bộ ngoại giao ở mỗi nước và sẽ tiếp tục giữ các kênh giảm xung đột.
Ông Price nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng, việc duy trì các kênh liên lạc với Nga là rất quan trọng. Đối thoại cởi mở là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng và xung đột như hiện nay. Chúng tôi đã tìm cách duy trì sự hiện diện của phái bộ ngoại giao ở Moscow và cũng đang tìm cách để Nga có thể duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Mỹ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng, việc thiết lập các kênh giảm xung đột ở cấp độ chiến thuật với Nga là bằng chứng cho thấy Mỹ và Nga sẽ vẫn giữ liên lạc mặc dù có những nỗ lực của Washington nhằm cô lập Moscow trên phạm vi toàn cầu. (RT)
Nga-Ukraine lần đầu trao đổi tù nhân
Ngày 21/3, Đại diện Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova, 9 quân nhân Nga đã được Ukraine thả để đổi lấy tự do cho Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov.
Bà Moskalkova cho biết, đây là vụ trao đổi tù nhân đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Theo tuyên bố trước đó của phía Ukraine, 9 quân nhân Nga được trao đổi lần này đều còn rất trẻ, đều sinh từ năm 2002 đến 2003 và thuộc diện lính nghĩa vụ của quân đội Nga.
Được biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trao tặng Huân chương cho ông Ivan Fedorov vì lòng dũng cảm. (Reuters)
Tổng thống Ukraine: Mọi thỏa thuận với Nga phải qua trưng cầu dân ý
Trong buổi trả lời truyền thông Ukraine, Anh và Cộng hòa Czech hôm 21/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết định dạng thỏa hiệp trong đàm phán giữa nước này với Nga sẽ được quyết định qua trưng cầu dân ý, nhất là các nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh, quy chế với vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở Donbass cũng như vấn đề bán đảo Crimea.
“Tôi đã giải thích với tất cả các nhóm đàm phán: Khi đề cập đến mọi sửa đổi này – những thay đổi có thể là lịch sử, chúng ta cuối cùng vẫn sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý. Người dân sẽ phải lên tiếng và đưa ra câu trả lời về một số định dạng thỏa hiệp nhất định”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết, Kiev sẵn sàng thảo luận về hiện trạng Crimea và vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở Donbass sau khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều sẽ phải qua trưng cầu dân ý toàn quốc để có được xác nhận của công chúng. (Ukrinform)
Tổng thống Mỹ chu du châu Âu, Ukraine chưa phải là điểm đến thích hợp
Theo đài RT (Nga), trong cuộc họp báo ngày 21/3, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có cân nhắc về chuyến thăm của ông Biden đến Ukraine hay không, bà Psaki trả lời: “Chúng tôi chưa cân nhắc khả năng đó”.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, thư ký báo chí Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Tổng thống Biden không có kế hoạch đến Ukraine.
Nhà Trắng đã tiêt lộ lý do đằng sau quyết định không đi vào vùng chiến sự của Tổng thống Biden.
Cụ thể, bà Psaki cho biết đối với bất kỳ vị tổng thống nào, việc đi vào vùng chiến sự không chỉ là cân nhắc về vấn đề an ninh, mà còn đòi hỏi một lượng lớn các nguồn lực trên thực địa. Đây luôn là một yếu tố quan trọng.
“Tổng thống Biden và nhóm an ninh cảm thấy rằng ông có thể có chuyến đi hiệu quả, có tác động nhiều nhất, bằng cách triệu tập các cuộc họp với nhà lãnh đạo NATO, G7, EU tại Brussels để thảo luận về việc duy trì phối hợp quân sự, nhân đạo và kinh tế. Cùng với đó, chuyến thăm đến Ba Lan, quốc gia láng giềng của Ukraine, cũng giúp trao đổi về việc sơ tán và những vấn đề khác mà chúng ta có thể cùng nhau hỗ trợ cho Ukraine”, bà Psaki nói. (Reuters)
NATO triển khai tên lửa ở Slovakia
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết, các thành phần của hệ thống phòng không Patriot của NATO, do Mỹ sản xuất, bắt đầu đến Slovakia hôm 20/3 và sẽ được triển khai trong những ngày tới.
Đây được coi là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia thành viên Đông Âu, để đối phó với hoạt động quân sự của Nga đang diễn ra ở Ukraine.
“Hệ thống sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ không quân Sliac. Các khu vực triển khai tiếp theo đang được xem xét ... vì vậy chiếc ô an ninh sẽ bao phủ phần lớn nhất có thể của lãnh thổ Slovakia”, ông Nad viết trong một bài đăng trên Facebook. (Reuters)
Trung Quốc chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ
Ngày 22/3, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quan hệ quốc tế.
Nhà ngoại giao này cho biết, cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc do Mỹ nêu ra không tồn tại. Bất kể những hạn chế nào mà Mỹ áp đặt đối với các quan chức Trung Quốc dưới lý do này hay lý do khác, đều vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực phản đối việc này.
Ông Liu lưu ý rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển. (TASS)
Rơi máy bay chở khách Trung Quốc
Ngày 21/3, chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng China Eastern Airlines đã gặp sự cố và rơi tại một vùng núi xa xôi ở miền nam Trung Quốc khi bay từ Côn Minh đến Quảng Châu. Vụ tai nạn này là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.
Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ và nhà chức trách chưa công bố thêm thông tin về thương vong. Theo tờ China Youth Daily, các nhà điều tra tại hiện trường đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do địa hình và thời tiết xấu và tới nay cũng chưa xác định được vị trí của hộp đen của máy bay.
Vào tối ngày 21/3, thân nhân của các hành khách đã tập trung ở sân bay Quảng Châu, chờ đợi tin tức về người thân khi nhà chức trách mở cuộc điều tra về vụ tai nạn.
David Soucie, cựu thanh tra an toàn tại Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết do vụ tai nạn diễn ra với tốc độ nhanh nên rất ít khả năng còn bất kỳ ai trên máy bay sống sót, thậm chí sẽ khó còn lại những dấu vết rõ ràng để nhận dạng. (Reuters)
Nhật Bản triệu tập đại sứ Nga
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã triệu tập Đại sứ Nga tại Tokyo Mikhail Yurievich Galuzin để phản đối việc Moscow tuyên bố dừng đàm phán hiệp ước hòa bình với Tokyo.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ngày 22/3 tuyên bố phản đối mạnh mẽ quyết định của Nga, cho rằng bước đi này “không công bằng” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ông Kishida cho biết quan điểm của Tokyo về việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình là không thay đổi và nước này phản đối quyết định của Moscow.
Trước đó, ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết, Moscow quyết định rút khỏi tiến trình đàm phán hiệp ước hòa bình với Tokyo nhằm phản ứng các biện pháp trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt với Nga Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh đó, Nga cũng tạm dừng áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Nhật Bản tới quần đảo tranh chấp mà Moscow gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, đồng thời rút khỏi đối thoại với Nhật Bản nhằm thiết lập các hoạt động kinh tế chung ở Nam Kuril. (Reuters)
| Giờ Trái đất 2022 sẽ tắt đèn vào ngày nào, giờ nào? Bộ Công Thương cho biết, sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 sẽ diễn ra ... |
| Tin thế giới 21/3: Nga phát cảnh báo mạnh mẽ; Bắc Kinh bắn tín hiệu tới Ấn Độ; rơi máy bay kinh hoàng ở Trung Quốc Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ, vụ rơi máy bay Trung Quốc chở 132 hành khách, quan hệ Israel-Palestine... là một ... |